Tin trong tỉnh

Cải cách thủ tục hành chính ở Nghệ An: Trên “quyết”, nhưng dưới… vẫn bị “liệt”?

Cải cách thủ tục hành chính ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều năm qua, cải cách thủ tục hành chính luôn được lãnh đạo tỉnh Nghệ An quan tâm, chỉ đạo ráo riết. Tuy nhiên, thực tế “vận hành” về cải cách thủ tục hành chính ở các sở, ngành, các huyện tỉnh Nghệ An, tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” vẫn ngang nhiên tồn tại…

Cửa mới, nhưng… khóa vẫn cũ

Ông Nguyễn Văn Định, công dân ở xóm Đồng Rào, xã Công Thành (huyện Yên Thành) cho tặng con một phần thửa đất đang ở. Sau khi được bố mẹ cho tặng một phần thửa đất, người con đã làm thủ tục xin cấp “sổ đỏ”. Mới đây, ông Định mới có điều kiện xin làm “sổ đỏ” đối với phần đất còn lại. Phần đất của ông Định sau khi cho người con, được UBND xã Công Thành xác nhận và hoàn tất thủ tục ngày 24/7/2019 với 9 chữ ký (5 chữ ký có đóng dấu). Ngày 16/8/2019, ông Định được chuyên viên “1 cửa” của UBND huyện Yên Thành là Nguyễn Thị Thanh tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày 30/9/2019 đến nhận kết quả. Tuy nhiên, sau khi hồ sơ được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện Yên Thành chuyển lên cho phòng Tài nguyên và Môi trường huyện này theo “quy trình” để trình ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND huyện ký thì đã bị bà Nguyễn Thị Mai Hoa, chuyên viên ở đây ách lại với lý do: “Thửa đất này đã cấp sổ đỏ rồi”.

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Định rất rõ ràng, nhưng phải đợi tới 45 ngày mới có kết quả với những lý do rất… lãng xẹt

Mặc cho ông Định giải thích: “Thửa đất chỉ mới cấp 520m2 cho con tôi, phần còn lại 362m2 tôi đang sử dụng, chưa được cấp”, nhưng chuyện viên này vẫn không chịu và yêu cầu ông Định phải mượn cho được các “sổ đỏ” của những hộ dân liền kề mang lên huyện để bà Hoa kiểm tra. Bất lực vì yêu cầu của vị cán bộ này, ông Định đành phải tìm đến sự giúp đỡ của luật sư. Sau khi có sự can thiệp của luật sư, “sổ đỏ” của ông Định mới được trình lên cho ông Hà ký ngay sau đó mà không có bất cứ lý do nào nữa, mặc dù phải 45 ngày chờ đợi.

Cũng liên quan đến thủ tục hành chính, tại TP Vinh, việc người dân đến 1 cửa để được giải quyết các quyền lợi của mình vẫn chưa hết nhũng nhiễu. Đằng sau sự tận tụy và thái độ tích cực của những cán bộ trực ở 1 cửa là bao nhiêu phức tạp, phiền toái đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trên mỗi hồ sơ ở các phòng, ban liên quan phía sau. Chính sự khó hiểu này đã và đang tiếp tục nảy sinh những chi phí tiêu cực (bôi trơn) mà người dân đang phải âm thầm gánh chịu. Khi bị báo chí phản ánh, những “công bộc” có liên quan đã sử dụng mạng xã hội với những “tên giả” để chửi bới, tấn công phóng viên.

Nhiều chủ doanh nghiệp cũng than phiền tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh diễn ra ở “nhiều cửa” như: thuế, đất đai, môi trường, xây dựng… nhưng không ai dám công khai đứng tên để phản ánh vì sợ bị trả thù, trù dập, gây khó khăn sau này.

Chung cư Trung Đức nằm ngay trung tâm TP Vinh nhưng chủ đầu tư xây vượt tầng, sai phép vẫn không bị phát hiện.

Bí mật những vùng… “nhạy cảm”

Từ phản ánh của người dân, Tạp chí điện tử Hòa Nhập đã phải 2 lần phản ánh về những bất cập, lãng phí xảy ra tại Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ (thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An). Khi đề nghị Kho bạc Nhà nước huyện Diễn Châu cung cấp số liệu về các khoản chi ngân sách đối với đơn vị này mỗi năm cho 12 biên chế để so sánh với khoản tiền trợ cấp của nhà nước dành cho 12 được đối tượng được thụ hưởng ở đây thì vị giám đốc “giữ tiền” ở đây lấy lý do: “Kho bạc huyện Diễn Châu bầy tui không có quyền phát ngôn”. Để chứng minh, ông này đã điện thoại cho ông Nguyễn Đình Hòa- giám đốc Kho bạc tỉnh Nghệ An để thoái thác trách nhiệm. Sau nhiều ngày chờ đợi với đủ các kiểu yêu cầu: giấy giới thiệu, thẻ Nhà báo, giấy đề xuất… cuối cùng, ông Nguyễn Tuấn- Phó Giám đốc Kho bạc tỉnh Nghệ An chốt lại 1 câu: “Chi ngân sách cho các đơn hành chính, sự nghiệp là vấn đề nhạy cảm, là bí mật nhà nước nên anh Hòa chỉ đạo là không cung cấp thông tin, số liệu cho báo chí” ?.

Trước phản ánh của báo chí và người dân nhiều năm về tình trạng một số chung cư ở Nghệ An xây dựng sai phép, chậm cấp “sổ đỏ” cho người dân, ngày 11/4/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành, do Sở Xây dựng chủ trì. Sau hơn 1 năm “thanh tra toàn diện” về chấp hành pháp luật của các chủ đầu tư đối với 72 chung cư, ngày 26/4/2019 Đoàn Thanh tra mới đưa ra được kết luận với hàng loạt những sai phạm không hề nhỏ như: xây vượt tầng, thay đổi công năng, chưa nộp tiền thuế sử dụng đất... Ngày 13/9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An- ông Thái Thanh Quý đã phê chuẩn kết quả thanh tra nêu trên của Đoàn. Giải pháp xử lý sai phạm đành phải chọn là “phạt cho tồn tại”, vì quyền lợi chính đáng của hàng tram hộ dân. Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao các chủ đầu tư có thể qua mắt được hàng rào những công bộc ngày đêm kiểm soát về xây dựng, về đất đai, về thuế, về môi trường mà vẫn để tồn tại tới 72 chung cư vi phạm nghiêm trọng như thế trong nhiều năm?

Những tấm biển ghi khẩu hiệu như thế này được gắn ở nhiều cơ Sở, Ngành, nhưng thực tế có được thực hiện?

Để có thông tin về những dự án đã được UBND tỉnh ký quyết định giao đất nhưng chủ đầu tư triển khai chậm tiến độ, ngày 17//9/2019, phóng viên Hòa Nhập đã đến Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Nghệ An xin được cung cấp một số tài liệu thuộc thẩm quyền của đơn vị này quản lý, lưu giữ. Khi đến làm việc, theo “quy trình” phóng viên đã gặp Chánh Văn phòng Sở, gặp Phó Giám đốc “phụ trách phát ngôn”, thực hiện đầy đủ các thủ tục như: trình thẻ Nhà báo, giấy giới thiệu, viết giấy đề xuất nội dung yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, đề xuất Tổng Biên tập ký công văn gửi Sở…

Trên rải thảm, dưới rải đinh…

Theo kỹ năng nghề nghiệp, sáng 17/9/2019 phóng viên Hòa Nhập đến gõ cửa ông Nguyễn Mạnh Toàn- Trưởng phòng Quản lý đất đai của Sở TNMT. Cửa vẫn mở, điều hòa vẫn chạy, đèn vẫn sáng, nhưng không thấy oogn Toàn làm việc. Phóng viên gọi vào máy điện thoại di động của ông Toàn thì nhận được câu trả lời: “Tôi đang di họp trên Ủy ban tỉnh”. Buổi chiều phóng viên quay lại, phòng vẫn không khóa, điều hòa vẫn chạy, điện vẫn sáng, nhưng vẫn không có ông Toàn. Phóng viên gọi điện, vẫn câu trả lời như lúc sáng của ông Toàn: “Tôi đang họp”.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn- Trưởng phòng Quản lý đất đai của Sở TNMT tỉnh Nghệ An đi họp cả ngày nhưng điều hòa, bóng điện trong phòng làm việc vẫn… hoạt động

Phóng viên gặp ông Bạch Hưng Cử- Chánh Văn phòng Sở TNMT, sau khi trình thẻ Nhà báo, giấy giới thiệu, ông Cử đưa cho phóng viên tờ giấy A4 và bảo: “Anh viết giấy đề xuất ghi rõ nội dung yêu cầu, tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo”. Giấy đề xuất của phóng viên ngay sau đó được ông Cử trình lên ông Võ Văn Ngọc- Phó Giám đốc Sở ghi ý kiến chỉ đạo và chuyển cho ông Toàn- Trưởng phòng Quản lý đất đai. Không rõ nội dung ông Ngọc “phê” thế nào mà ông Toàn giao cho 1 nữ chuyên viên dưới quyền trả lời thông tin cho phóng viên bằng thư điện tử, không có tài liệu đính kèm. Phóng viên liên lạc lại với ông Ngọc thì được hướng dẫn: “Anh đề xuất Tổng Biên tập làm cái công văn gửi Sở, tôi sẽ chỉ đạo lại”.

Sau hàng loạt yêu cầu về thủ tục hành chính, phóng viên Hòa Nhập vẫn phải đầu hàng “kỹ năng hành là chính” của những cán bộ ở Sở TNMT tỉnh Nghệ An

Sau khi “hành” phóng viên đủ các thủ tục như trên, ngày 08/10/2019,ôngNgọc ký công văn số 5639/STNMT-VP “phúc đáp công văn” của Hòa Nhập. Nội dung công văn, ông Ngọc tiếp tục yêu cầu tòa soạn Hòa Nhập phải “gửi kèm đơn, các hợp đồng góp vốn của công dân và các nội dung công dân phản ánh” cho Sở thì mới cung cấp tài liệu theo yêu cầu. Yêu cầu này của ông Ngọc, đã vi phạm điều 38 và 39 luật Báo chí. Vấn đề đặt ra là: Ai tham mưu và soạn thảo cho lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Nghệ An ký công văn số 5639/STNMT-VP ngày 08/10/2019? Đằng sau sự vòng vo, trốn tránh trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho báo chí là gì? Phải chăng Sở TNMT tỉnh Nghệ An đang bao che cho các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm luật Đất đai?

Nếu những công chức đang cố tình gây khó khăn cho dân, cho doanh nghiệp, cho báo chí khi đến làm việc không được chấn chỉnh, xủ lý nghiêm túc, thì hiệu quả cải cách thủ tục hành chính mà lãnh đạo tỉnh Nghệ An kêu gọi sẽ vẫn tiếp tục chỉ nằm trên giấy. Theo đó, môi trường đầu tư, kinh doanh, vẫn tiếp tục tồn tại hình ảnh “trên rải thảm, dưới rải đinh” như than phiền của người dân lâu nay.

Mục 4, điều 38 Luật Báo chí quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc Điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

Tác giả: Trần Cường

Nguồn tin: hoanhap.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP