NSND Anh Tú, PGĐ Nhà hát kịch Việt Nam vừa qua đời do biến chứng bệnh tiểu đường sau nhiều tháng điều trị. Đây là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới và ngày càng tăng nhanh.
Cứ 6 giây có 1 người tử vong
Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), hiện toàn thế giới có trên 415 triệu người bị tiểu đường (đái tháo đường), con số này dự kiến sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040.
Theo đó cứ 11 người trưởng thành sẽ có 1 người bị đái tháo đường và mỗi năm có hơn 5 triệu người tử vong, tương đương cứ mỗi 6 giây có 1 người chết vì căn bệnh này. Gánh nặng bệnh tật của đái tháo đường cao gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người bị tiểu đường, gấp 10 lần so với 10 năm trước đây và dự báo con số này sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Trong 10 năm, tỉ lệ tiền tháo đường cũng tăng từ 7,7% lên 14%.
Tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến tiểu đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.
Bệnh tiểu đường gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 ở Việt Nam |
Dù số lượng người mắc rất lớn, song PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, chỉ có gần 30% bệnh nhân được chẩn đoán, 70% còn lại không biết mình mắc bệnh do người dân chưa có thói quen đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Do đó có tới 85% các trường hợp tiểu đường được phát hiện ở nước ta khi bệnh đã có biến chứng nguy hiểm như tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường, biến chứng võng mạc...
Có đến 80% người bệnh đái tháo đường chết do biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần.
20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận...
Theo chương trình Sức khoẻ Việt Nam, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có ít nhất 50% bệnh nhân tiểu đường được phát hiện bệnh và tiếp tục tăng lên 70% vào năm 2030, đồng thời tăng tỉ lệ bệnh nhân được quản lý tại các cơ sở y tế lên 30-40% trong 10 năm tới, tuy nhiên đây là mục tiêu cần nhiều nỗ lực.
Trẻ em cũng mắc tiểu đường type 2
Có 4 loại đái tháo đường gồm type 1 (chủ yếu là trẻ em), type 2, thai kỳ và nguyên nhân khác. Trong đó, đái tháo đường type 2 chiếm hơn 90% và ngày càng tăng nhanh.
Theo TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc BV Nội tiết TƯ, sở dĩ số bệnh nhân tiểu đường type 2 tăng chóng mặt do chế độ ăn uống, sinh hoạt không điều độ. Cụ thể, ăn nhiều đồ ăn nhanh, nhiều thịt, ít rau, lười hoạt động thể lực, hút thuốc, lạm dụng rượu bia.
Hiện có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc; 1/4 nam giới uống rượu ở ngưỡng gây nguy hại; gần 60% người dân ăn thiếu rau xanh và trái cây; gần 30% người dân thiếu các hoạt động thể lực...
Chỉ tính riêng lượng dầu, mỡ, TS Dương dẫn chứng, năm 1985, trung bình mỗi người Việt sử dụng 12g/ngày, đến năm 2000 đã tăng lên gần 25g và tiếp tục tăng lên 37,7g vào năm 2010, là yếu tố thúc đẩy thừa cân, béo phì.
Đáng lưu ý, trước đây bệnh nhân tiểu đường type 2 phổ biến 40 – 50 tuổi. Nhưng nay, tại BV Nội tiết TƯ, bác sĩ đã khám và điều trị cho nhiều trẻ 12 - 13 tuổi mắc đái tháo đường type 2. Nguyên nhân chủ yếu lối sống thiếu cân bằng, ăn nhiều đạm dẫn đến béo phì, lười vận động, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, uống nhiều nước ngọt có ga, xem tivi quá nhiều, nghiện game...
Trong khi đó, việc điều trị bệnh cho trẻ đái tháo đường type 2 không hề đơn giản. Thông thường, người mắc đái tháo đường type 2 ngoài dùng thuốc còn phải tuân theo một chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt.
Dễ dàng phòng ngừa
Bệnh tiểu đường diễn tiến âm thầm và dẫn đến các biến chứng mạn tính trong nhiều năm, tuy nhiên tiểu đường, đặc biệt tiểu đường type 2 hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu áp dụng chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh cũng như thường xuyên khám sức khoẻ, phát hiện sớm bệnh và tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Theo đó, nếu bị thừa cân (BMI>23 ) hoặc béo phì cần duy trì giảm cân đều đặn, tránh lối sống tĩnh tại, thay vào đó tập thể dục ít nhất 30 phút, ít nhất 4-5 lần/tuần.
Thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là cách đơn giản dự phòng đái tháo đường type 2 |
Song song đó cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, giảm tinh bột, đường, giảm muối. Hiện tại, mỗi ngày 1 người dân Việt chỉ ăn 170-200g, chưa được 1/2 so với khuyến cáo của WHO.
Theo WHO, nếu một người ăn hơn 5 suất rau, tương đương 400 gam rau xanh và quả chín mỗi ngày có thể giúp giảm 2 lần nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và tăng khả năng dự phòng với các bệnh không lây nhiễm khác.
Mỗi suất rau hoặc trái cây tương đương 80g phần ăn được, lượng này tương đương với 1 trái chuối, táo, kiwi cỡ vừa hay một bát rau xanh, nửa cốc nước ép rau quả.
Các loại nước uống không lành mạnh như rượu, bia, nước ngọt có gas, thuốc lá... cũng cần phải hạn chế. Tránh stress cũng góp phần giảm nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân có nguy cơ bị đái tháo đường.
Ở một số người có nguy cơ đái tháo đường cao như béo phì, có rối loạn dung nạp glucose, tiền sử đái tháo đường thai kỳ, có hội chứng buồng trứng đa nang, ngoài can thiệp lối sống, có thể uống thuốc metformin để điều trị phòng ngừa đái tháo đường type 2.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet