Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) với nhiều nội dung đáng chú ý. Một trong số đó là cơ quan soạn thảo tiếp tục bảo lưu việc xin giao quyền điều tra, khởi tố các hành vi có dấu hiệu tội phạm về thuế.
Theo ban soạn thảo, việc điều tra quy định bổ sung trong Luật quản lý thuế bản chất là công tác điều tra ban đầu, không chồng chéo với công tác điều tra chuyên sâu của các cơ quan chức năng khác.
Bộ Tài chính cho rằng quy định này “tốt cho toàn hệ thống quản lý của nhà nước Việt Nam”, tăng cường sự phối kết hợp với các ban ngành có liên quan, tiết kiệm nguồn nhân lực cho hệ thống điều tra hiện hành và “đảm bảo tránh phiền hà” cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nhiều ý kiến lo ngại khi trao quyền điều tra khởi tố cho cán bộ thuế. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, theo cơ quan soạn thảo, việc giao quyền điều tra thuế cho cơ quan thuế giúp “giảm tải khối lượng công việc cho cơ quan điều tra chuyên trách”, giúp cho cơ quan điều tra chuyên trách thực hiện điều tra tội phạm trong lĩnh vực thuế hiệu quả hơn.
Đồng thời phát huy nguồn lực sẵn có của cơ quan thuế với đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên môn chuyên sâu về nghiệp vụ thuế; Tránh kéo dài thời gian xác minh hành vi vi phạm pháp luật về thuế; Tránh để loạt tội phạm trong lĩnh vực thuế, đem lại công bằng cho các đối tượng nộp thuế.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cơ quan thuế, được thể hiện tại Chương XIII Phòng, chống vi phạm pháp luật, trốn thuế dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) gồm có 3 Điều.
Cụ thể là, trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế, trưởng đoàn kiểm tra, trưởng đoàn thanh tra, chi cục trưởng, Cục trưởng có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm. Trình tự, thủ tục tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
“Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự”, dự thảo nêu rõ.
Lý giải cho đề xuất này, Ban soạn thảo cho rằng: Ở nước ta, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán...
Bộ Tài chính cho rằng cơ quan công an do “hạn chế về lực lượng”, “không chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế”, không trực tiếp quản lý thông tin về lĩnh vực này nên quá trình điều tra, trưng cầu giám định thường “bị chậm trễ”. Điều này dẫn đến truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời, tác dụng răn đe ngăn chặn các hành vi vi phạm về thuế bị hạn chế.
Trước đó, chia sẻ với PV, nhiều chuyên gia, tổ chức đã bày tỏ một số băn khoăn liên quan việc trao quyền điều tra cho cơ quan thuế.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
VCCI đề nghị cân nhắc việc bổ sung chức năng điều tra cho Cơ quan thuế thì cùng 1 cơ quan, cùng 1 bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế. Việc này sẽ có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng bày tỏ không sự đồng tình vì hiện nay chức năng điều tra theo quy định hiện hành không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế. Trong một số trường hợp thì cơ quan quản lý thuế cũng là đối tượng điều tra thuế, vì vậy, việc điều tra thuế nên để một cơ quan độc lập thực hiện.
Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, góp ý: Dùng biện pháp cưỡng chế thuế như thêm quyền điều tra khởi tố “chỉ tạo dễ dàng cho thực thi công vụ nhưng chưa chắc giải quyết được các vấn đề về thuế”.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) với nhiều nội dung đáng chú ý. Một trong số đó là cơ quan soạn thảo tiếp tục bảo lưu việc xin giao quyền điều tra, khởi tố các hành vi có dấu hiệu tội phạm về thuế.
Theo ban soạn thảo, việc điều tra quy định bổ sung trong Luật quản lý thuế bản chất là công tác điều tra ban đầu, không chồng chéo với công tác điều tra chuyên sâu của các cơ quan chức năng khác.
Bộ Tài chính cho rằng quy định này “tốt cho toàn hệ thống quản lý của nhà nước Việt Nam”, tăng cường sự phối kết hợp với các ban ngành có liên quan, tiết kiệm nguồn nhân lực cho hệ thống điều tra hiện hành và “đảm bảo tránh phiền hà” cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tác giả: Lương Bằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet