Đến nay Bộ và các Sở GD-ĐT đã ban hành không ít văn bản liên quan đến việc dạy thêm, học thêm. Thông tư số 17/2012 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm - học thêm quy định giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Bản thân là giáo viên, dù không đi dạy thêm nhưng tôi cảm nhận được một điều rằng tất cả các thầy cô giáo có dạy thêm đang bị cả xã hội xếp chung vào một nhóm và xem như là một loại “dịch bệnh” cần ngăn chặn!
Thực tế cho thấy, không phải giáo viên môn học nào cũng có thể dạy thêm và không phải thầy cô nào cũng ép học sinh của mình đi học thêm, không học sẽ bị “đì”. Số các thầy cô ép học sinh của mình phải học thêm chỉ là số ít, là “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi.
Phụ huynh đâu phải là trẻ con để cho thầy cô muốn ép thế nào thì ép. Rất nhiều phụ huynh cho con đi học thêm không phải vì sợ bị “ép” hay “đì” mà xuất phát từ chính nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của gia đình nhằm nâng cao trình độ học vấn cho con, kèm cặp và củng cố thêm kiến thức, thậm chí là dùng việc học thêm để quản lí thời gian rảnh rỗi của con.
Con gái tôi đang học ở một trường tiểu học công lập. Giáo viên chủ nhiệm lớp 1 của con tôi học kỳ 1có dạy thêm ở nhà nhưng tôi không cho con đi học. Cô giáo chưa một lần nhắc tôi về chuyện đó và kết thúc năm lớp 1 con tôi vẫn được xếp loại Xuất sắc. Gần nhà tôi có một số bé học cùng trường với con tôi cũng không đi học thêm và các bé cũng không hề bị giáo viên gây khó dễ gì. Trường của con tôi dạy theo mô hình VNEN và có rất nhiều em lực học yếu vô cùng vất vả để theo kịp chương trình, bố mẹ thì lại không có đủ khả năng để dạy cho con mình nhưng lại không có thầy cô nào nhận dạy thêm để có thể gửi con đi học.
Công bằng mà nói, việc dạy thêm của giáo viên, nhất là những giáo viên giỏi chuyên môn mang lại những lợi ích nhất định cho học trò giúp các em đương đầu với chương trình học quá tải, với áp lực thi cử. Dạy thêm cũng chính là một cách thức lao động chân chính của nhà giáo nhưng dường như nhiều người lại làm cho nó trở nên chua cay vô cùng.
Tôi cho rằng cần xử lý nghiêm những giáo viên nào ép buộc học sinh phải học thêm, thậm chí có thể buộc thôi việc nhưng với những thầy cô được phụ huynh tin tưởng, lựa chọn để gửi gắm kèm cặp con em mình thì cần được phép dạy thêm.
Dư luận xã hội không nên nhìn tất cả những giáo viên dạy thêm bằng ánh mắt nghi ngờ, khó chịu, thậm chí căm ghét. Chỉ cần các vị phụ huynh đừng vừa muốn thầy cô dạy thêm để quản lý con mình nhưng cũng vừa kêu ca “không đi học thầy cô cho điểm thấp thì chết” là đủ để những nhà giáo chân chính yên tâm làm tốt công việc của mình.
Tác giả: Lại Thị Ngọc Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí