Bạn cần biết

Cần làm gì nếu có người Việt Nam mắc virus corona từ Trung Quốc?

Trước nguy cơ cao lây nhiễm dịch viêm phổi cấp từ Trung Quốc, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời, giám sát và phòng, chống bệnh khi có người Việt mắc bệnh.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, qua hệ thống giám sát từ tháng 12/2019 đến ngày 19/1, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona. Ngày 14/1, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Đà Nẵng đã phát hiện hai trường hợp có sốt đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thông qua đo thân nhiệt từ xa.

Sau kiểm tra, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, xác nhận với kết quả xét nghiệm âm tính, hai bệnh nhân này không mắc bệnh viêm phổi lạ ở Vũ Hán mà chỉ là sốt siêu vi do virus thông thường.

Trẻ em đeo khẩu trang đến trường trong vùng nghi ngờ dịch bệnh. Ảnh: The New York Times.

Tuy nhiên, tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, kết quả đánh giá nguy cơ của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam ngày 7/1 cho thấy bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam, có khả năng bùng phát thành dịch tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

Theo Hướng dẫn tạm thời, giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) của Bộ Y tế, trong tình huống chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam yêu cầu giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ đầu tiên, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, khoanh vùng và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, không để lây lan.

Phương thức giám sát trong tình huống này của Bộ Y tế là điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc diện giám sát (theo định nghĩa trường hợp bệnh nghi ngờ). Giám sát tại cửa khẩu, cơ sở điều trị và tại cộng đồng, trong đó chú trọng giám sát tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt, quan sát thực tế và các biện pháp khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong tình huống xuất hiện trường hợp bệnh xác định xâm nhập vào Việt Nam, cần phát hiện sớm để cách ly, theo dõi, xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan ra cộng đồng.

Phương thức giám sát trong tình huống này cụ thể như sau:

- Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ theo định nghĩa

- Giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng

- Tiếp tục thực hiện giám sát tại cửa khẩu, cơ sở điều trị và tại cộng đồng

Trong tình huống, dịch lây lan trong cộng đồng, cần phát hiện sớm các trường hợp bệnh mắc mới trong cộng đồng, thiết lập khu vực hạn chế (vùng dịch), xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng.

Phương thức giám sát trong tình huống này cụ thể như sau:

- Ở các địa phương chưa ghi nhận trường hợp bệnh: Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ theo định nghĩa trường hợp bệnh.

- Ở các ổ dịch đã được xác định: Giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 3-5 trường hợp bệnh phát hiện đầu tiên.

- Điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm những bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính nặng nhập viện.

Theo Bộ Y tế, ở cả 3 tình huống, tất cả trường hợp tử vong nghi do mắc nCoV đều phải được điều tra, báo cáo và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Bệnh nhân phải tiếp tục duy trì việc giám sát tại cơ sở điều trị và tại cộng đồng.

Tác giả: Tuệ Anh

Nguồn tin: zing.vn

  Từ khóa: viêm phổi cấp , virus corona

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP