Ảnh minh họa từ internet. |
Gần đây các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội đã tiếp nhận, cấp cứu cho một bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc trắng da. Thời điểm nhập viện, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị sốc phản vệ, tình trạng rất dễ chuyển nặng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Ngay lập tức, bệnh nhân được xử trí sốc phản vệ theo phác đồ. Nhờ được can thiệp, xử trí kịp thời sức khỏe của bệnh nhân dần ổn định, tỉnh táo.
TS.BS Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương giải thích, bản chất của tắm trắng là lột lớp tế bào sừng của da khiến da bóng hơn, mịn màng hơn nên người ta tưởng là trắng lên. Nhưng hậu quả là da sẽ mất đi lớp sừng bảo vệ, da non sức chịu đựng sẽ kém đi dưới ánh nắng mặt trời. Ngay cả với viên uống trắng da, bản chất cũng là hạn chế sự phát triển của các sắc tố trên da phát triển. Trong khi đó đây là lớp giúp chống đỡ lại tia nắng mặt trời, tia UV để bảo vệ da.
Bác sĩ Kiêm cảnh báo đây là cách làm trắng phản khoa học, bởi lẽ, khoảng 4 tuần lớp da ngoài mới già, nếu lột, tẩy liên tục sẽ khiến da sẽ trở nên rát, đỏ ứng, dễ bị kích ứng. Hơn nữa, da trắng hay đen là do cấu trúc tự nhiên của gen nên dùng thuốc không thể thay đổi được màu sắc của da. Việc tác động từ bên ngoài chỉ có tác dụng rất hạn chế. Tắm trắng thực chất là sử dụng mỹ phẩm để lột bỏ lớp da chết bên ngoài trong thời gian nhất định chứ không thể làm thay đổi số lượng sắc tố trong da.
Để làm da sáng hơn, bác sĩ Kiêm chia sẻ, tốt nhất mọi người sử dụng phương pháp tắm dưỡng da đúng hơn là tắm trắng. Qua một quá trình, da được nuôi dưỡng tốt hơn, khỏe mạnh hơn sẽ có tác dụng chống lại tác nhân môi trường, sẽ đỡ đen hơn. Đồng thời, kết hợp với việc bảo vệ da đúng cách như uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh sẽ giúp da bóng khỏe, bôi kem chống nắng, dùng mũ rộng vành, quần áo che chắn khi ra ngoài trời nắng,…
Theo tư vấn của TS Kiêm việc tẩy tế bào chết cũng chỉ nên thực hiện 1 lần/tuần là đủ để không gây lột tẩy hết lớp tế bào sừng, lộ vùng da non rất dễ bị bắt nắng, xấu da và gây hại cho da. Người dân có thể dùng một số sản phẩm có tính chất lột nhẹ để loại bỏ lớp tế bào sừng ở vùng mặt, thân nhưng phải rõ nguồn gốc, axit có nguồn gốc từ hoa quả thì sẽ có độ an toàn cao hơn.
Tác giả: Mai Linh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam