Kinh tế

Cảnh báo tin nhắn giả mạo hack tài khoản Zalo và ngân hàng

Liên tiếp trong hai ngày 30 - 31.5, nhiều người dùng bỗng nhận được tin nhắn giả mạo ngân hàng, ngày kỷ niệm các doanh nghiệp...

Hàng loạt tin nhắn kèm link giả mạo gửi vào các nhóm Zalo. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Sáng 31.5, chị M.Hoa (quận 1, TP.HCM) đăng trên trang Facebook cá nhân của mình kêu gọi mọi người hãy cảnh giác với nhiều đường link có tên miền không rõ ràng được gửi đi cho nhiều người trong hai ngày qua. Đặc biệt là nhiều nhóm kết nối bằng Zalo đã nhận được những link này. Đã có người bạn của chị bị hack tài khoản Zalo và cả mật khẩu tài khoản ngân hàng. Theo chị, nhiều khả năng đó là link chứa virus để hacker lừa đảo chiếm đoạt tài khoản Zalo. Thậm chí khi một điện thoại di động nào đó đã bị hack mà người sở hữu không biết thì số điện thoại đó sẽ tự động gửi các link này đến các group khác trong danh bạ điện thoại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tin nhắn được phát tán chứa nội dung “Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Rolex. Quà tặng miễn phí cho tất cả mọi người. Bạn có cơ hội nhận được một đồng hồ Rolex”; Hay ghi “Kỷ niệm 6 năm thành lập Shopee! Gửi điện thoại di động... Shopee tặng quà cho bạn, hãy vào để nhận!”. Những tin nhắn này đều kèm theo đường link là các ký tự vô nghĩa và tên miền hoàn toàn xa lạ. Hơn nữa, mỗi tin nhắn dù có nội dung nhưng đường link đính kèm sẽ xuất hiện một dãy số hay chữ với tên miền khác nhau. Thử bấm vào đường link nêu trên thì được yêu cầu nhập rất nhiều thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ email, tài khoản ngân hàng… Nếu ai làm theo lời yêu cầu thì ngay lập tức mật khẩu tài khoản Zalo đã bị mất và ngay cả tài khoản ngân hàng nếu lưu trên máy cũng bị kẻ gian chiếm đoạt.

Tin nhắn giả mạo kèm link lừa đảo để đánh cắp tài khoản Zalo và ngân hàng. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Bên cạnh đó, nhiều người dùng cũng bất ngờ nhận được tin nhắn SMS gửi qua điện thoại có nội dung “ACB trân trọng thông báo, tài khoản của quý khách hiện tại đã bị khóa và hãy đăng nhập vào link http:www.online-vnacbs.cc để xác thực”. Thậm chí chị Lê Ánh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay chị không có tài khoản ngân hàng ACB mà cũng nhận được tin nhắn trên. Điều này cho thấy là “tin xạo”. Còn với những người cẩn thận thì chỉ cần nhìn vào đuôi tên miền .cc là biết ngay tin nhắn giả mạo. Do đó các chuyên gia công nghệ đều nhấn mạnh người dùng hết sức cảnh giác trước những tin nhắn từ người lạ hoặc các tin nhắn có đính kèm đường link. Không nên mở các link đính kèm đó và làm theo chỉ dẫn vì dễ dàng bị sụp bẫy, có thể mất luôn tài khoản ngân hàng.

Tác giả: Mai Phương

Nguồn tin: Báo Thanh niên

  Từ khóa: hack tài khoản , ngân hàng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP