Trong nước

Cảnh giác với chiêu trò “chính trị hóa” các vụ án hình sự

Một số vụ án đơn lẻ bị chúng thổi phồng, suy diễn lái vụ việc sang hướng khác rồi quy kết thành những vấn đề chính trị của đất nước.

Pháp luật nói chung, việc xét xử các vụ án hình sự nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc duy trì pháp luật, xét xử các vụ án hình sự dẫu không ai mong muốn song nó là công cụ không thể thiếu để bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của mỗi một xã hội. Thực tiễn những năm qua, việc xét xử các vụ án hình sự ở Việt Nam luôn được thực hiện công tâm, khách quan, đúng người, đúng việc, rất nghiêm minh và cũng rất nhân văn, được nhân dân đồng tình, nhiều phạm nhân cũng phải “tâm phục khẩu phục”. Dẫu vậy, với bản tính chống phá quyết liệt, nhiều vụ án hình sự vừa qua đều bị các thế lực thù địch “chính trị hóa”, triệt để lợi dụng để chống phá. Chúng bẻ lái, xuyên tạc, áp đặt cho đó là “vi phạm nhân quyền”, “vi phạm dân chủ” “tranh giành quyền lực”, “thanh trừng phe nhóm”, “lỗi do độc đảng”...

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh công bố các Quyết định và Lệnh đối với Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: Công an Thái Bình)


Để tăng độ “hot”, nhất là tạo “niềm tin” cho giới trẻ, hướng tới mục tiêu lớn hơn là tập hợp và kích động chống đối, chúng thường dùng ngôn ngữ gây sốc, tạo cảm giác gấp gáp, như: “Biến căng”, “Bộ Chính trị vào cuộc”, “đã toang”, “cực nóng”... Tiếp đó, để người xem, người nghe tin là thật, chúng khoe dẫn nguồn từ nhân vật bí mật này, đáng tin cậy kia, thậm chí là nguồn của nhà báo, quan chức cấp cao nào đó. Nó xưa cũ, kệch cỡm song bởi vẫn có người nhẹ dạ cả tin, a dua tán phát, bán tín bán nghi, nghĩa là vẫn còn hiệu quả chống phá nên chúng vẫn sẽ sử dụng.

Một số vụ án đơn lẻ bị chúng thổi phồng, suy diễn lái vụ việc sang hướng khác rồi quy kết thành những vấn đề chính trị của đất nước. Qua sự nhào nặn của các thế lực thù địch, một số mặt đang dần hoàn thiện của của chế độ luôn bị khuếch đại, những ưu việt chắc chắn sẽ bị ngó lơ. Chúng thường quy chụp, đồng nhất sai phạm đơn lẻ của một số kẻ thoái hóa với bản chất của Đảng, biến sự suy thoái của một vài cá nhân thành lỗi của cả hệ thống chính trị. Càng về thời gian gần đây, những chiêu trò này càng được chúng tận dụng triệt để hơn, ví dụ rõ nhất đó là trong vụ án liên quan đến ông Lưu Bình Nhưỡng.

Ngày 14/11/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, được quy định tại khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Từng là tiến sĩ luật, là Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật kinh tế, đã có tới 22 năm làm giảng viên của Đại học Luật Hà Nội, là Chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự, hẳn ông thừa biết pháp luật của Việt Nam, nhất là pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự là rất chặt chẽ, khi các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có quyết định xử lý nghĩa là họ phải có đủ các căn cứ. Ông là đại biểu Quốc hội, giữ tới chức vụ Phó Trưởng ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), lại được tiếng là “Vị đại biểu hiếm hoi dám nói thật, nói thẳng”, là người “hoạt ngôn”, “bạo miệng”, “đầy dũng khí”..., nếu có oan khuất, chắc chắn ông không để yên chuyện.

Vậy mà người trong cuộc thì cúi đầu nhận tội, tâm phục sám hối, báo chí trong nước cũng đã đưa tin khách quan, kịp thời song những kẻ thù địch, phản động ở bên ngoài lại ra sức lu loa, kêu thuê, khóc mướn. Hết Bauxite Việt Nam, BBC News Tiếng Việt, Diễn đàn thế kỷ, báo Tiếng Dân.. đến các trang Việt tân, Thoibao.de, VOA…đều thi nhau nổ. Chúng cố tình đánh tráo khái niệm, lật ngược bản chất vụ án, định hướng dư luận theo hướng tiêu cực, nào là việc bắt ông Lưu Bình Nhưỡng “xảy ra trong môi trường tư pháp không độc lập”, nào là “báo chí Việt Nam bị định hướng". Một số bloger, Facebooker còn cố tình tưởng tượng ra đủ thứ lí do để ông Nhưỡng bị bắt, đại loại như: “có ân oán với Bộ Công an”, “dám cả gan vạch trần Tòa án”, “dám vượt qua làn ranh đỏ”...; có kẻ còn khẳng định chắc nịch “phải là một mưu đồ chính trị đằng sau?”; có kẻ còn ngáo đá, phong cho ông Nhưỡng là “Anh hùng”; cố tình lái hướng dư luận theo hướng tiêu cực, mị dân “việc ông Nhưỡng bị bắt đồng nghĩa với việc người dân yếu thế mất đi một chỗ dựa”, “mất đi một nơi gửi đơn kêu oan”. Chúng suy diễn, biến một vụ án hình sự đang được điều tra thành một vụ “tấn công người bảo vệ công lý”, cho rằng Việt Nam “lợi dụng pháp luật để áp tội tùy tiện, trù dập những người khiến họ không hài lòng”, rằng “Đảng Cộng sản không cho phép phản biện, tất cả những người phản biện đều bị xem là … phản động”, và “sống dưới chế độ độc tài cộng sản thì không ai có quyền cất lên tiếng nói tự do ngôn luận”... Hơn ai hết, chính ông Nhưỡng cũng thừa hiểu các đối tượng tung hô ông chẳng phải chúng yêu quý gì ông mà đằng sau nó là cái gì rồi.

Đến ngày 26/12/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình lại ra quyết định bổ sung, khởi tố bị can Lưu Bình Nhưỡng thêm một tội danh nữa, được quy định tại khoản 4, điều 358 Bộ luật Hình sự thì mọi sự càng được sáng tỏ. Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, trong thời gian giữ chức vụ Phó trưởng ban Dân nguyện, ông Nhưỡng còn lợi dụng chức vụ để trục lợi số tiền 300.000 USD (hơn 7 tỷ đồng). Bước đầu ông Nhưỡng đã "thành khẩn thừa nhận" và người thân của ông đã ba lần nộp tiền khắc phục hậu quả.

Những luận điệu trên vốn dĩ không phải là thủ đoạn mới bởi từ trước đến nay, lợi dụng nhiều đối tượng bị bắt, các tổ chức, hội nhóm phản động như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, các hãng truyền thông hải ngoại thù địch với Việt Nam như RFA, RFI, VOA… đã đưa ra nhiều bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, cố tình công kích Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng.

Mời độc giả đón xem bài 2 trong loạt bài “Cảnh giác với chiêu trò chính trị hóa các vụ án hình sự” đăng trên VOV.VN ngày 18/1.

Tác giả: CTV Huy Tín

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP