Nhân ái

Câu chuyện đẹp về hai phận đời cơ nhỡ

Hai con người trước đây không hề quen biết nhau, nhưng có chung nghề bán vé số và lượm ve chai. Rồi cuộc đời run rủi, tai nạn đưa đẩy họ sống nương tựa vào nhau, dù không cùng máu mủ, để sống tiếp quãng đời còn lại của tuổi già.

Nhân nghĩa giữa đời thường

Đó là câu chuyện đầy ắp tình người và hết sức cảm động giữa bà Trần Thị Anh (87 tuổi, quê xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) và bà Nguyễn Thị Quế (77 tuổi, quê xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Hiện hai bà tạm trú tại nhà trọ hẻm 250/36 Nguyễn Công Trứ (tổ 15, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).

Cách đây hơn 6 năm, bà Anh một thân một mình lặn lội từ quê ra Đà Nẵng bán vé số và lượm ve chai, mong sao đổi lấy miếng cơm manh áo, chỗ ngủ qua ngày.

Rủi ro, trong lúc bán vé số trên vỉa hè đường Nguyễn Công Trứ, bà bị 2 thanh niên đi xe máy tông mạnh làm gãy chân trái, phải chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu.

Do tuổi cao, sức yếu lại có vấn đề về tim mạch nên bác sĩ không thể phẫu thuật, bà Anh chỉ có thể bó bột rồi nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người trợ giúp. Cũng may, trong thời gian nằm viện, có bà Quế hàng ngày bên cạnh giúp đỡ.

Bà Quế kể về cơ duyên gặp bà Anh: “Trong một lần đi bán vé số và lượm ve chai ở chợ An Cư 2 (phường An Hải Đông), tôi thấy bà Anh ban đêm nằm co ro nơi góc chợ tối tăm, chạnh lòng thương người cùng cảnh ngộ, nên tôi đưa bà Anh về ở chung nhà trọ với mình”.

Hàng ngày, bà Nguyễn Thị Quế chăm sóc bà Trần Thị Anh chẳng khác gì người thân ruột thịt

Đến thăm phòng trọ của 2 bà trong những ngày giáp tết, bà Quế đang chăm sóc bà Anh bệnh tật trong căn phòng chật chội, tối om lại ẩm thấp, diện tích chưa đầy 15m2. Bên trong có chiếc ti vi và tủ lạnh cũ, nhưng đó là của người thanh niên thuê chung phòng trọ, còn 2 bà chẳng có vật dụng gì ngoài chiếc túi đựng vài bộ đồ cũ mòn…
Nhìn bà Anh nằm đó với nỗi đau bệnh tật, tuổi già, nghèo khổ và nhìn sang bà Quế cũng tuổi cao sức yếu, mọi người không cầm được nước mắt, xót xa, thương cảm cho 2 cảnh đời khốn khó này.

“Bà Anh ở Quế Lộc, ở quê người thân, họ hàng, bà con chẳng còn ai. Từ lúc bà bị tai nạn đến giờ, mỗi ngày tôi phải tranh thủ dậy sớm để đi bán vé số, lượm ve chai kiếm tiền nuôi 2 thân già, thuốc thang cho bà Anh nữa. Không ruột rà, máu mủ nhưng tình đồng loại đã khiến tôi và bà gắn bó, nương tựa vào nhau mưu sinh trên đất khách quê người”, bà Quế ngậm ngùi trải lòng.

Cần lắm những sẻ chia

Bà Quế tâm sự, quê bà ở Đại Thạnh, cuộc sống nghèo khó, lay lắt bữa đói, bữa no, không nương tựa được ai nên phải một mình ra Đà Nẵng để tự kiếm sống qua ngày.

Nói đến đây hai dòng nước mắt bà Quế lăn dài trên đôi má gầy gò, giọng nói như nghẹn lại: “Nhiều đêm trái gió trở trời, bà Anh lên cơn sốt, rên rỉ, gào khóc do vết thương hành hạ, tôi phải thức trắng đêm chăm bà Anh. Có lúc tôi cũng muốn buông xuôi, song nhìn bà ấy lại không đành lòng”.

Bà Quế cho biết, mỗi tháng 2 bà phải trả tiền trọ là 1,2 triệu đồng. Chính quyền sở tại, bà con chòm xóm, tổ dân phố cũng thường xuyên đến hỏi thăm, động viên, giúp đỡ tinh thần lẫn vật chất. Nhiều khi trong nhà hết gạo, hết thức ăn, hết tiền thì bà con mang qua cho.

Trước đây khi chưa bị tai nạn, các chi phí cho cuộc sống của 2 bà đều được chia đôi, bây giờ mọi sinh hoạt đều dựa cả vào số tiền mà bà Quế bươn chải kiếm được mỗi ngày. Suốt hơn 3 năm qua, một mình bà Quế cáng đáng hết mọi việc.

Chứng kiến cảnh bà Quế vừa nhẹ nhàng lau người cho bà Anh, vừa ân cần trò chuyện, những người xung quanh đều cảm động và khâm phục.

Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Hữu Hùng, Tổ trưởng Tổ 15 phường An Hải Đông, cho biết: “Cảnh đời của bà Anh và bà Quế khốn khổ trăm bề. Hai bà sống bằng công lao động lương thiện, bữa có, bữa không. Bà con trong tổ dân phố cũng như ngoài cộng đồng thường xuyên cưu mang, san sẻ, giúp đỡ, nhưng sự hỗ trợ đó cũng có hạn. Qua đây, tôi rất mong cộng đồng mở rộng vòng tay nhân ái quan tâm, sẻ chia cảnh đời không may mắn của 2 bà”.

Mọi sự san sẻ yêu thương xin gửi về bà Nguyễn Thị Quế (theo địa chỉ tạm trú nêu trên); ĐT: 0794.652.879. Hoặc để biết thêm thông tin về cảnh đời bất hạnh, thương tâm này, xin liên hệ anh Trần Hữu Hùng, ĐT: 0394.836.912.

Tác giả: Thanh Nguyên

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP