Tại ngôi nhà của bà Đỗ Thị Cúc (48 tuổi ở làng Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam), những chiếc tiểu nhỏ nằm chồng chất bên góc nhà, phảng phất một không khí u tịch đến rợn người.
Chị Cúc cho biết, những chiếc tiểu ấy dùng để đựng các hài nhi bị bố mẹ bỏ lại tại bệnh viện hoặc vứt đi khi từ bỏ giọt máu của mình.
Vẫn như thường ngày, hôm nay bà Cúc lại đi tới các bệnh viện để nhặt xác thai nhi bị bỏ rơi rồi quấn gói cẩn thận. Mỗi tháng trung bình bà nhặt được hơn 300 hài nhi bị bỏ rơi rồi gói ghém để chôn cất cẩn thận.
Bà Cúc kể, bà đã làm công việc nhặt các xác thai nhi bị bỏ rơi rồi đem đi chôn cất khoảng 10 năm nay. Công việc như 1 định mệnh đến với bà, bà như mắc nợ những sinh linh xấu số không bao giờ được chào đời.
Bà nhớ lại, trong một lần đi nhặt rác (công việc thường ngày của bà), bà phát hiện một bịch nilon. Theo phản xạ "nghề nghiệp", bà Cúc mở bọc nilon ra xem có đồ gì người ta bỏ đi mà mình thu lượm được không. Tuy nhiên, khi mở bọc bà kinh hãi phát hiện trong đó là 7 thi nhi bị người ta vứt đi.
Hình ảnh bà Cúc thắp hương tại mộ các thai nhi đã được chôn cất. |
Quá xót thương cho các sinh linh bé nhỏ chưa được chào đời, bị bố mẹ nhẫn tâm ruồng bỏ hay vì một lý do gì đó mà người ta phải bỏ, bà Cúc đem tất cả về chôn cất tử tế.
Đó là lần đầu tiên bà làm việc này, nó vừa khiến bà thấy kinh sợ, rợn tóc gáy nhưng lại vừa khiến bà thấy an lòng vì đã làm hết lương tâm của mình.
Bà nhớ lại: "Đợt đấy là lần đầu tiên tôi làm việc này, chưa có kinh nghiệm nên hôm đó trên đường về tôi chỉ kịp mua một ít khăn trắng để gói các con rồi mấy hộp nhựa để chôn cất”.
Bà tỏ ra chưa hài lòng với việc an táng các thai nhi, song lại thở dài tự nhủ: "như vậy cũng là tốt lắm với các con rồi, còn hơn chúng phải nằm trong bọc nilon vứt ngoài bãi rác."
"Mới đầu, nhiều người cho rằng tôi làm việc này là để hưởng lợi từ các nhà hảo tâm rồi kỳ thị, xa lánh, lời ra tiếng vào. Thậm chí, sau này tôi đến các các phòng khám trong và ngoài tỉnh để xin xác hài nhi xấu số về chôn cất cũng gặp rất nhiều khó khăn, cùng với nhiều lời gièm pha, dị nghị" - bà Cúc kể về những khó khăn những ngày đầu làm việc khác người.
Sau này, khi các bác sĩ, bệnh viện, phòng khám đã quá quen mặt bà và hiểu được việc làm của bà Cúc thì mọi người mới gỡ bỏ bức rèm cảnh giác với việc làm "khác người" của bà.
Bà chia sẻ, rất may việc làm của bà lại được gia đình ủng hộ nên cũng có động lực để làm. Dù vậy, mỗi lần có người dân hay bệnh viện báo có xác thai nhi bị bỏ, bà đều hỏi ý kiến gia đình trước khi đem các sinh linh về để an táng.
Suốt 10 năm làm "việc bao đồng", chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp đau lòng. Bà Cúc luôn mong có 1 ngày mình không có việc để làm nữa, bởi khi đó, không còn trường hợp nạo phá thai. Trong quá trình làm việc, bà chia sẻ rằng đã khuyên nhủ thành công nhiều trường hợp có ý định phá thai.
Ngoài việc chôn cất hài nhi, hiện nay bà Cúc đang nuôi nấng 3 đứa bé bị bỏ rơi.
Bà Cúc chia sẻ: “Lúc đầu, mẹ các con định bỏ đi nhưng sau tôi khuyên ngăn mãi nên giữ lại. Sau khoảng 5 tháng, mẹ chúng nó lại muốn phá đi nhưng tôi bảo cố giữ thêm mấy tháng cho các bé được ra, sau không nuôi được thì tôi nuôi cho. Và tôi nhận 2 bé song sinh về nuôi.
Đến bây giờ, chúng nó đều đã lớn cả rồi nhưng 2 đứa mắt bị lé bẩm sinh nên không chữa được. Nhiều lúc tôi trêu chúng nó ‘mẹ đen thế, vớ ngay phải 2 đứa mắt lé’ thì chúng nó leo lẻo miệng ‘con đâu có bị lé đâu, vẫn nhìn được đó’. Có chúng trong nhà thấy vui hẳn."
Bé Ân ngoan trong vòng tay của mẹ Cúc. |
Còn cháu bé thứ 3 là Đỗ Thị Hồng Ân, bà nhặt được vào buổi tối trên một triền đê khi bà đi chôn thai nhi về. Khi đó, đang đi trên đê, bà thấy vật gì trắng trắng trong màn đêm tĩnh mịch. Liều mình tiến lại gần, bà phát hiện đó là 1 bé sơ sinh bị bỏ rơi, trên người chỉ quấn vải xô trắng mỏng tang, một bộ quần áo lọt lòng và không có giấy tờ gì cả. Sau đó, bà cởi áo chống nắng quấn lấy bé rồi mang về nhà. Thấm thoát đến bây giờ bé Ân đã 10 tháng tuổi, bụ bẫm và rất ngoan.
Chia sẻ về công việc "kỳ dị" bà làm trong suốt 10 năm qua, bà Cúc cho biết nó như một duyên nợ của đời bà, chừng nào còn sức, bà sẽ tiếp tục công việc này. Nhưng mong mỏi lớn nhất của người phụ nữ 10 năm đi chôn xác thai nhi không phải là làm việc "rợn tóc gáy" này mãi mãi. Bà mong qua câu chuyện của mình, giới trẻ ngày nay sẽ ý thức hơn về việc dùng các biện pháp tránh thai an toàn, khoa học và hiệu quả để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bà thở dài: "Tôi mong một ngày không còn hài nhi bị bỏ rơi để mình phải đi chôn cất."
Tác giả: Quang Thịnh
Nguồn tin: Báo Kiến thức