Tuổi thơ bất hạnh
Sau gần một năm gồng mình sống chung với căn bệnh ung thư máu, sức khỏe của em Nguyễn Đức Trọng (11 tuổi, ngụ xóm 19 - Sơn Hải, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) ngày càng tiều tụy. Em ngồi trên giường bệnh, dáng người nhỏ thó, da bủng beo, mái đầu trọc lóc. Dù cơ thể đang truyền hóa chất nhưng em vẫn ráng ăn mấy thìa cơm mẹ đút với hi vọng sớm khỏe mạnh để trở về nhà tiếp tục đi học.
Mới 11 tuổi, Trọng đã gánh chịu bất hạnh vì mắc bệnh hiểm nghèo - Ảnh: Mai Mai |
Ngồi bên cạnh đút cơm cho con ăn, khuôn mặt chị Nguyễn Thị Khuyên (39 tuổi, mẹ của em Trọng) nhòe lệ khi nghĩ về chặng đường đầy khó khăn phía trước mà con trai sắp phải trải qua.
Chị kể trong nước mắt, gần một năm về trước, Trọng thường xuyên than đau nhức ở 2 chân, mệt mỏi, kém ăn, thường xuyên lên cơn sốt. Người mẹ đưa con đi khám thì quỵ ngã khi bác sĩ kết luận bị ung thư máu.
Trọng ngày càng tiều tụy sau gần một năm sống chung với bệnh ung thư máu - Ảnh: Mai Mai |
“Tôi đã đưa con đến mấy bệnh viện khác kiểm tra với hi vọng có sự nhầm lẫn nhưng rồi ở đâu cũng đều cùng một kết quả. Cũng từ đó, con tôi phải nghỉ học để nhập viện điều trị. Căn bệnh khiến con ngày càng tiều tụy, héo úa. Giá như tôi có thể gánh thay con thì cũng cam lòng”, chị Khuyên nghẹn ngào.
Bình quân mỗi tháng, Trọng phải nhập viện điều trị 2 lần, mỗi lần kéo dài khoảng một tuần lễ. Xuất viện trở về, dù mệt mỏi nhưng em không chịu nghỉ ngơi, cứ đòi cha mẹ chở đi học.
Dù bệnh tật nhưng em vẫn lo nghỉ học nhiều sẽ không theo kịp bạn bè - Ảnh: Mai Mai |
“Năm nay em học lớp 5 rồi nhưng vì bệnh tật mà em phải xin nghỉ học suốt, sợ không theo kịp bạn bè. Em chỉ ước sớm khỏi bệnh để về đi học thôi”, Trọng mệt mỏi chia sẻ.
“Nếu bán nhà, cả nhà mình sẽ ở đâu hả mẹ?”
Vợ chồng chị Khuyên và anh Nguyễn Văn Quy (40 tuổi) sinh được 4 người con trai (đứa lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất 2 tuổi). Trọng là con thứ 2 trong gia đình. Vì còn đàn con nhỏ, bệnh tật nên chị Khuyên không làm được gì kiếm thu nhập. Kinh tế của cả gia đình trông chờ vào nghề phụ hồ của anh Quy.
Căn nhà cấp 4 của gia đình chị Khuyên - Ảnh: Mai Mai |
“Trước đây, khi con chưa đau ốm, tôi xa nhà đi làm phụ hồ bên Lào. Nay con bệnh tật tôi đành về xin làm ở các công trình xây dựng gần nhà để phụ vợ chăm sóc con. Ngày nắng ráo thì làm, mưa gió lại thất nghiệp. Ngày nào may mắn lắm thì nhận được khoảng 250 nghìn tiền công, đủ để gia đình chi tiêu một cách tằn tiện và trang trải học hành cho con cái.
Từ ngày con trai mắc trọng bệnh, vợ chồng tôi đã nhờ anh em nội ngoại vay mượn hết 150 triệu rồi. Tài sản có giá trị nhất là con trâu cũng đã bán để lấy tiền chữa bệnh cho con. Giờ nhìn con ngày càng yếu mà tôi không biết bấu víu vào đâu để vay mượn tiếp”, anh Quy chia sẻ trong tiếng thở dài.
Chị Khuyên nghĩ đến việc bán nhà vì không còn khả năng vay mượn để tiếp tục giành lại sự sống cho con - Ảnh: Mai Mai |
Không đành nhìn con phó mặc số phận, nhưng cũng không biết tìm đâu để vay mượn tiếp, vợ chồng chị Khuyên nghĩ đến việc bán nhà để lấy tiền chữa bệnh cho con. Nghe mẹ bàn đến việc bán nhà, Trọng hướng đôi mắt mệt mỏi về phía mẹ rồi hỏi: “Nếu bán nhà thì cả gia đình ta sẽ ở đâu hả mẹ?".
Nghe con trai hỏi, chị Khuyên chỉ biết ôm con an ủi: “Cố gắng lên con trai. Con phải sớm khỏe mạnh để trở về, tiếp tục đi học. Để cứu con, dù cả nhà dắt nhau ra đường cha mẹ cũng cam lòng”.
Mới 11 tuổi, Trọng đã phải gánh chịu bất hạnh vì mắc bệnh hiểm nghèo, tương lai mờ mịt. Hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Sự sống của em cần lắm sự sẻ chia, giúp đỡ của mọi người.
Tác giả: Mai Mai
Nguồn tin: phunusuckhoe.vn