Tin trong tỉnh

Cây trồng ở Nghệ An ‘khát’ một cơn mưa vàng

Nghệ An đang quay cuồng trong đợt nắng hạn dài ngày, nền nhiệt cao hầm hập làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, xen kẽ là tình trạng cây trồng 'khát' nước tưới cùng cực.

Nắng nóng gay gắt kéo dài đe dọa nhiều diện tích lúa hè thu - mùa của Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh

Lúa non quay quắt trong nắng hạn

Ngay từ đầu năm Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ đã dự báo nhiệt độ trung bình của Nghệ An cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 1,0 - 1,50C, nắng nóng có khả năng đến sớm và lập đỉnh trong quãng tháng 5 - 7…, hàng loạt yếu tố bất thuận kéo theo tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, đặc biệt là thiếu nước tưới trầm trọng trên diện rộng.

Mực nước tại nhiều hồ, đập trên địa bàn Nghệ An đang cạn kiệt. Ảnh: Ngọc Linh.

Với diễn biến trong những ngày qua, lo ngại trên không thừa. Nghệ An đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt hiếm gặp, nền nhiệt duy trì ở mức cao suốt nhiều ngày liền làm đảo lộn tứ tung sinh hoạt thường nhật của người dân. Với lĩnh vực nông, lâm nghiệp tác động càng rõ rệt hơn, trước mắt nhiều diện tích cây trồng đang trong tình cảnh 'khát' nước tưới trầm trọng.

Lo ngại thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu, kế hoạch thời vụ, trực tiếp lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Sở NN-PTNT cùng các đơn vị liên quan đã gấp rút tiến hành kiểm tra thực tế, từ đó họp bàn để đưa ra những chỉ đạo ứng phó mang tính sát sườn. Trách nhiệm đã được thể đúng lúc, dù vậy để đảm bảo mọi thứ không chệch đường ray cần thêm yếu tố “thiên thời, địa lợi”.

Đồng ruộng khô cằn, nứt nẻ vì thiếu nước tưới. Ảnh: Ngọc Linh.

Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam tình hình lúc này thực sự cam go, mực nước trên các con sông cùng nhiều hồ đập, nhất là hệ thống công trình thủy nông thuộc quản lý của Công ty TNHH Thủy lợi Nam Nghệ An đang khô khát trầm trọng, thậm chí nhiều điểm không đủ nguồn nước để vận hành hệ thống bơm tưới. Điều này báo hại nhiều vùng trồng trên tuyến đang “dài cổ” trông ngóng, tình cảnh hệt như trẻ nhỏ chờ nguồn sữa mẹ.

Di chuyển dọc tuyến đường N5 qua các huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp như Nghi Lộc, Đô Lương, đập vào mắt là những bờ vùng, bở thửa khô cằn, nứt nẻ toang hoác. Nhìn những cây lúa non xanh, yếu ớt nằm lọt thỏm giữa những khoảnh ruộng bạc phếch mà xót thương cho công sức hèn mọn của nhà nông.

Bà Ngô Thị Thắng tận dụng lượng nước ít ỏi để "tưới tắm" cho những diện tích lúa mới cấy. Ảnh: Ngọc Linh.

Trong cái nóng như thiêu như đốt, bà Ngô Thị Thắng, trú tại xóm Đồng Xuân, (xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương) vẫn đánh vật trên đồng nhằm tận dụng chút nước ít ỏi còn sót lại. Bà Thắng năm nay đã ngoài 60, bản thân nhận thấy sức khỏe ngày một giảm sút nhưng chẳng dám lơ là khi sinh kế của gia đình trông cậy cả vào mấy sào ruộng.

“Nhiều bận túc trực cả đêm, hì hục mãi mới dẫn được ít nước vào ruộng nhưng đến trưa hôm sau đã bốc hơi sạch lì. Vụ này gia đình dự kiến gieo cấy 5 sào nhưng xem ra bất thành, trong đó gần phân nửa xuống giống chưa được bao lâu thì bị ốc vàng ăn sạch, diện tích còn lại chỗ được chỗ không, nham nhở đến não lòng. Thiếu nước thành thử bón phân bao nhiêu cũng vô tác dụng, cây lúa chẳng hấp thụ được dưỡng chất nên còi cọc, vàng vọt và chậm phát triển thấy rõ”, bà Thắng nói trong âu lo.

Nếu thời tiết không chuyển biến trong ít ngày tới, kế hoạch, chỉ tiêu vụ hè thu - mùa 2024 của Nghệ An chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An phấn đấu đạt 410.270 tấn lương thực trong vụ hè thu - mùa 2024, muốn hoàn thành mục tiêu trên chí ít phải lấp đầy được 79.500ha lúa cùng 12.000ha ngô, 2 cây trồng chủ lực trong cơ cấu mùa vụ. Ngặt nỗi với hàng loạt yếu tố bất thuận vây quanh, trong đó thời tiết “đỏng đảnh” như thể trêu ngươi người làm, thật không dễ gì cán đích.

Cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Nắng nóng đặc biệt gay gắt kết hợp ẩm độ trong không khí thấp khiến nguy cơ cháy rừng có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Ý thức được mối nguy tiềm tàng, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An đã đưa ra cảnh báo cháy rừng từ Cấp IV - Cấp nguy hiểm đến Cấp V - Cấp cực kỷ nguy hiểm, thời gian kéo dài từ ngày 17/6 đến 23/6.

Lường trước được hệ lụy tiềm tàng, tỉnh Nghệ An chủ động nâng cảnh báo cháy rừng từ Cấp IV - Cấp nguy hiểm đến Cấp V - Cấp cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: Ngọc Linh.

Ban Chỉ đạo yêu cầu UBND các huyện, thành, thị; lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện nghiêm túc các Nghị định, Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh Nghệ An về các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bên cạnh công tác cảnh báo, dự báo sớm, các bên phải kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát hành vi sử dụng lửa trong rừng, gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, đồng thời tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì.

Trong thời gian nắng nóng phải phân công lực lượng ứng trực 24/24, chủ động bố trí chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, đặc biệt có nguy cơ cháy cao như khu mộ bà Hoàng Thị Loan, lăng mộ Vua Mai Hắc Đế, khu vực lâm viên núi Quyết, Đền Cuông...

Con người, phương tiện chữa cháy luôn trong thế sẵn sàng. Ảnh: Ngọc Linh.

Tác giả: Việt Khánh - Ngọc Linh

Nguồn tin: nongnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP