Nhân ái

Cha mẹ nghèo bất lực nhìn con quặt quẹo vì 2 lần tai nạn giao thông "hút chết"

Trong một lần mang đồ đến bệnh viện cho người thân, Tài không may bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não. Chưa dừng lại đó, lần khác khi đi làm ăn xa về quê, Tài tiếp tục bị tai nạn giao thông vỡ hộp sọ. Giữa lúc khó khăn nhất, vợ bỏ đi, Tài bất lực đưa con về ở với bố mẹ đẻ sống quặt quẹo từng ngày...

Lần theo đơn khẩn cầu, chúng tôi tìm đến gia đình anh Lê Ngọc Tài (SN 1990, thôn 2, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa). Căn nhà cấp bốn chật chội chẳng có một thứ gì đáng giá. Trên chiếc giường đặt giữa nhà, Tài nằm bên bà nội đã gần 100 tuổi, một nửa đầu lõm sâu, giọng ú ớ như kiểu muốn chào khách nhưng không thể nào nói được.

Hai lần bị tai nạn chấn thương và vỡ hộp sọ khiến Lê Ngọc Tài bị liệt nửa người.

“Tài là con trai đầu, sau nó còn 2 em trai nữa. Không ai ngờ nó có thể sống được đến ngày hôm nay vì hai lần bị tai nạn giao thông đều chấn thương sọ não”, ông Lê Ngọc Nhất (55 tuổi, bố Tài) cho biết.

Nhìn con trai, khẽ lau nước mắt, bà Phạm Thị Hạnh (50 tuổi) kể: “Năm 2012, nó lập gia đình và năm 2013 sinh được cháu Lê Ngọc Bảo Long. Đến Tháng 10/2014, gia đình bên ngoại có người bị tai nạn giao thông, nó mang đồ đến viện, trên đường đi không may bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não phải điều trị gần 3 tháng trời ở bệnh viện”.

Trong lúc khó khăn nhất, vợ bỏ đi để lại đứa con thơ và người chồng sống quặt quẹo.

Vừa ra viện đi làm chưa được bao lâu, năm 2015, trong một lần đi làm ăn xa về quê chơi, Tài tiếp tục bị tai nạn giao thông vỡ hộp sọ.

Con bị tai nạn, trong gia đình có thứ gì bán được vợ chồng ông Nhất cũng đã bán hết, cộng với vay mượn người thân để điều trị cho con. Mặc dù được chạy chữa tốn kém, song tình trạng chấn thương sọ não của Tài vẫn không thuyên giảm. Hiện Tài bị liệt nửa người, không còn khả năng tự đi lại.

Bao nhiêu năm qua, vợ chồng ông Nhất khánh kiệt vì phải dồn tất cả cho con chạy chữa.

Trong lúc khó khăn nhất của cuộc đời, người vợ trẻ sau một thời gian gắn bó cũng bỏ đi lấy người khác, để lại đứa con thơ dại và người chồng sống quặt quẹo. Từ ngày con trai không còn khả năng lao động, mọi gánh nặng đều dồn lên vai vợ chồng ông Nhất.

Nhắc đến con dâu, bà Hạnh thở dài: “Sau lần thứ hai Tài bị tai nạn, vợ xin gia đình đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Ngày vợ Tài đi lao động, cháu Long mới hơn một tuổi. Trong thời gian đi lao động ở nước ngoài, có quen một người đàn ông khác và về xin gia đình cho ly hôn chồng. Năm 2018, vợ Tài bỏ chồng con đi lấy người khác”.

Bà Hạnh đau đớn mỗi khi nhìn con trai bệnh tật, cháu nhỏ sống trong cảnh thiếu thốn.

Gia đình ông Nhất như điêu đứng sau khi con hai lần bị tai nạn hút chết. Bố mẹ phải bỏ công việc ruộng vườn, chăn nuôi, mải mê theo chăm sóc con tại các bệnh viện.

Qua hai lần bị tai nạn giao thông, số tiền điều trị cho Tài cũng hết hơn nửa tỷ đồng. Mặc dù vậy, đến giờ, Tài vẫn chưa làm chủ được bản thân, bị liệt nửa người, mọi sinh hoạt đều phải do bố mẹ chăm sóc.

Trong nhà có tài sản gì đáng giá đều đã bán để lo tiền viện cho con, cộng thêm vay mượn họ hàng, bạn bè, ngân hàng, thời gian vợ Tài đi lao động ở nước ngoài có gửi về cho gia đình khoảng 60 triệu đồng. Nhưng đến nay, gia đình ông Nhất như đã khánh kiệt, cộng thêm khoản nợ ngân hàng khoảng 100 triệu đồng.

Bị thoái hóa khớp nhưng vì khó khăn, không có tiền mua thuốc, còn phải lăn ra làm nên bà Hạnh chỉ biết cắn răng chịu đựng.

Nhắc đến số tiền lớn đối với người nông dân quanh năm chỉ gắn với ruộng vườn, thu nhập chẳng đáng là bao, bà Hạnh chỉ thở dài, nhìn chồng rồi lại nhìn vào khoảng không vô định mà ứa nước mắt.

“Nhiều khi lấy sữa cho cháu uống, thằng Tài nó cũng đòi uống mà rơi nước mắt. Biết làm sao được khi điều kiện không có để mua sữa cho cả hai bố con nó. Thương con trai, giận con dâu, nhưng nghĩ lại con mình bị mình phải chịu chứ biết làm sao”, bà Hạnh nghẹn ngào.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phần não của Tài không được nuôi cấy nữa.

Ôm đứa cháu nội vào lòng, nghĩ về tương lai của con và cháu, lòng bà Hạnh như có dao cứa: “Ban đầu khi phẫu thuật hộp sọ xong, có gửi mẫu nuôi ở Hà Nội, nhưng vì điều kiện không có nên nuôi được một thời gian thì bỏ không nuôi nữa.

Bác sĩ nói do hai lần bị tai nạn, bị giãn trong não rồi nên khó phục hồi. Nếu gia đình có điều kiện đi ghép não nhưng cơ hội cũng chỉ 50/50. Gia đình mong có điều kiện đưa con đi Hà Nội kiểm tra, ghép não, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn nên đành chấp nhận”.

Xác nhận của chính quyền địa phương về hoàn cảnh gia đình ông Lê Ngọc Nhất.

Bản thân bà Hạnh cũng bị thoái hóa khớp nhưng vì khó khăn, không có tiền mua thuốc, còn phải lăn ra làm và chỉ biết cắn răng chịu đựng.

Ngoài việc lo cho con trai mang bệnh, gia đình ông Nhất còn phải cáng đáng để nuôi cháu nhỏ. Cuộc sống gia đình đang rơi vào cảnh bế tắc, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Ông Lê Ngọc Nhất, thôn 2, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa

Số ĐT: 0327.55.66.14

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: Cha mẹ nghèo , bất lực

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP