Giáo dục

Chấm thi THPT quốc gia được thực hiện ra sao?

Ngay từ chiều 27-6, các hội đồng thi THPT quốc gia trên cả nước bắt đầu tiến hành làm phách bài thi. Sau khi làm phách xong ban chấm thi sẽ làm việc và tiến hành chấm thi.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018 môn toán tại điểm thi Trường THPT Thủ Thiêm, .2, TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Ngoại trừ môn văn, tất cả các môn thi còn lại sẽ được chấm bằng máy. Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 10-7 các hội đồng thi phải hoàn thành công tác chấm thi.

Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, việc chấm thi được thực hiện theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD-ĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

Quy trình chấm bài thi tự luận

Ban Thư ký hội đồng thi giao túi bài thi đã làm phách và phiếu chấm cho trưởng môn chấm thi. Ông Nam Nhật Minh - phó trưởng phòng quản lý thi và tuyển sinh, Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, cho biết: "Trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận mỗi môn để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm; sau đó, tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt".

Lần chấm thứ nhất: trưởng môn chấm thi tổ chức bốc thăm nguyên túi cho cán bộ chấm thi, giao riêng cho từng người; Trước khi chấm, cán bộ chấm thi kiểm tra từng bài đảm bảo đủ số tờ, số phách và gạch chéo tất cả những phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết. Không chấm những bài làm trên giấy khác với giấy dùng cho kỳ thi.

Trong trường hợp phát hiện bài làm không đủ số tờ, số phách; bài làm trên giấy nháp; bài làm trên giấy khác với giấy dùng cho kỳ thi; bài làm có chữ viết của hai người, viết bằng hai thứ mực khác nhau trở lên, viết bằng mực đỏ, bút chì hoặc có viết, vẽ những nội dung không liên quan nội dung thi; bài làm nhàu nát hoặc nghi vấn có đánh dấu, cán bộ chấm thi có trách nhiệm giao những bài thi này cho trưởng môn chấm thi xử lý.

Lần chấm thứ hai: sau khi chấm lần thứ nhất, thành viên ban thư ký hội đồng thi rút các phiếu chấm thi ra rồi giao túi bài thi cho trưởng môn chấm thi để bốc thăm cho người chấm lần thứ hai, không giao trở lại túi bài thi đã chấm cho chính người đã chấm lần thứ nhất.

Cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh và ghi vào phiếu điểm.

Thành viên ban thư ký hội đồng thi, trưởng môn chấm thi, cán bộ chấm thi của hội đồng thi so sánh kết quả chấm thi và xử lý. Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm): dưới 1 điểm với bài thi ngữ văn, hai cán bộ chấm thi thảo luận thống nhất điểm;

Lệch nhau từ 1 đến 1,5 điểm, hai cán bộ chấm thi thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm. Nếu không thống nhất được thì trưởng môn chấm thi quyết định điểm.

Nếu lệch nhau trên 1,5 điểm, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng mực màu khác.

Chia sẻ về hướng xử lý kết quả 3 lần chấm ông Minh cho biết thêm: "Nếu kết quả 2 trong 3 lần giống nhau trưởng môn chấm thi lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức, rồi ghi điểm, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.

Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất đến 2,5 điểm, trưởng môn chấm thi lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức.

Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất trên 2,5 điểm, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm tập thể. Các cán bộ chấm thi và trưởng môn chấm thi ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài thi của thí sinh. Điểm chấm lần này là điểm chính thức của bài thi".

Chấm bài thi trắc nghiệm

Chấm thi trắc nghiệm tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Tại khu vực chấm thi có một Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm do chủ tịch hội đồng thi thành lập và chịu sự điều hành trực tiếp của trưởng ban chấm thi.

Thành phần tổ xử lý bài thi trắc nghiệm gồm tổ trưởng là lãnh đạo ban chấm thi; các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên; bộ phận giám sát gồm công an do chủ tịch hội đồng thi phân công và cán bộ thanh tra.

"Các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp", ông Nghĩa cho biết.

Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, trong quá trình chấm thi, phải bố trí bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục từ khi mở niêm phong túi đựng phiếu trả lời trắc nghiệm đến khi kết thúc chấm thi. Các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu v của thí sinh với bất kỳ lí do gì.

Mọi hiện tượng bất thường đều phải báo cáo ngay cho bộ phận giám sát và Tổ trưởng để cùng xác nhận và ghi vào biên bản. Tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm sau khi đã quét và phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại sở GD-ĐT.

Sau khi quét, phải tiến hành kiểm dò để đối chiếu và sửa hết các lỗi kỹ thuật (nếu có) ở quá trình quét. Dữ liệu quét (được xuất từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT) được ghi vào hai đĩa CD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của thanh tra và công an.

Một đĩa giao cho chủ tịch hội đồng thi lưu giữ, một đĩa gửi chuyển phát nhanh về Bộ GD-ĐT, chậm nhất ngày 4-7.

Chỉ sau khi đã gửi đĩa CD dữ liệu quét về Bộ GD-ĐT, tổ xử lý bài thi trắc nghiệm mới được mở niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu chấm dưới sự giám sát của công an và thanh tra để tiến hành chấm điểm.

Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Ngay sau khi kết thúc quá trình chấm, phải lưu các tệp dữ liệu xử lý và chấm thi trắc nghiệm chính thức (được xuất ra từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT) vào hai đĩa CD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của thanh tra và công an; một đĩa giao cho chủ tịch hội đồng thi lưu giữ, một đĩa gửi chuyển phát nhanh về Bộ GD-ĐT trước ngày 7-7.

Xử lý bài thi vi phạm thế nào?

Theo Bộ GD-ĐT, các bài thi vi phạm quy chế thi được xử lý theo quy định tại điều 49 của quy chế. Riêng bài thi tổ hợp chỉ trừ điểm của môn thành phần nào mà thí sinh vi phạm kỷ luật (mức độ khiển trách 25% điểm, cảnh cáo trừ 50% điểm), không trừ điểm môn thành phần mà thí sinh không vi phạm kỷ luật.

Đối với chấm trắc nghiệm, quá trình xử lý sẽ được thực hiện theo 4 pha: pha 1 quét ảnh bài thi, pha 2 đọc ảnh (còn gọi là xử lý ảnh hay nhận dạng ảnh), pha 3 sửa lỗi của thí sinh và pha 4 chấm bài thi.

Sau khi thực hiện xong ba pha trên, hội đồng thi mới được sử dụng đáp án do Bộ GD-ĐT cung cấp để chấm điểm.

Kết quả chấm và phân tích được xuất ra đĩa CD2 để báo cáo Bộ GD-ĐT. Nếu chưa thực hiện pha thứ 3, khi phát hiện còn lỗi chưa sửa thì phần mềm sẽ chặn, không cho phép thực hiện pha thứ 4.

Tác giả: TRẦN HUỲNH

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ Online

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP