Pháp luật

Chân dung 'bà trùm' Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Hải Hà Petro vừa bị bắt

Bà Trần Tuyết Mai là người đại diện theo pháp luật của "ông lớn" xăng dầu Hải Hà Petro. Bà Mai từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty CP Dược phẩm trung ương I (Pharbaco).

Ngày 22/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Hải Hà Petro và các đơn vị có liên quan; đồng thời ra quyết định và lệnh tố tụng đối với các đối tượng có liên quan.

Cụ thể, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Tuyết Mai, Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Hải Hà Petro; khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thị Huệ, kế toán trưởng Hải Hà Petro về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, ngày 9/1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 5 địa điểm là văn phòng làm việc, kho chứa xăng dầu và nơi ở của các đối tượng có liên quan tại tỉnh Thái Bình và TP. Hà Nội; thu giữ nhiều tài liệu, máy móc, thiết bị điện tử, phương tiện vận chuyển xăng dầu, cùng 1.288.406 lít dầu DO, 101.416 lít xăng A95 và 129.788 lít xăng A92.

Cuối 2023, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) bị "bêu tên" vì nợ thuế sau khi Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai (SN 1961), người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Petro.

Hải Hà Petro là một trong những doanh nghiệp xăng dầu lớn trên cả nước, trụ sở đóng tại tỉnh Thái Bình.

Doanh nghiệp này được thành lập tháng 9/2003 do ông Tô Văn Thọ (SN 1959) làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, vốn điều lệ ban đầu 180,44 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông ban đầu gồm 6 cá nhân, trong đó ông Tô Văn Thọ sở hữu 23,4%; bà Trần Tuyết Mai (là vợ ông Thọ) sở hữu 22,9%; ông Lê Phi Quang sở hữu 9,36%; bà Trần Thị Thu Hằng sở hữu 18,92%; bà Trần Thị An sở hữu 14,68% và ông Trần Văn Chín sở hữu 10,75%.

Vào tháng 6/2023, ông Thọ bất ngờ rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT, bà Trần Tuyết Mai lên ngồi ghế nóng. Bà Mai là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Petro.

Bà Trần Tuyết Mai còn từng là người đại diện theo pháp luật cho Công ty TNHH Xăng dầu Hải Hà Thái Bình (Hải Hà Thái Bình) - Công ty thành viên của Hải Hà Petro. Hiện tại, người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Thái Bình được thay đổi sang tên ông Nguyễn Mạnh Linh.

Sau nhiều lần tăng vốn, cơ cấu cổ đông Hải Hà Petro cũng biến động mạnh, chỉ còn lại 3 cổ đông tham gia góp vốn. Ông Tô Văn Thọ rút vốn, trong khi đó bà Trần Tuyết Mai nâng tỷ lệ sở hữu lên 69%; bà Trần Thị Thu Hằng sở hữu 21,3% và ông Ngô Thanh Vui sở hữu 9,7%.

Nữ doanh nhân Trần Tuyết Mai cùng chồng là ông Tô Văn Thọ vốn đã nổi danh ở đất Thái Bình khi sở hữu Hải Hà Petro.

Bà Mai và ông Thọ thường xuyên có những giao dịch đảm bảo tại ngân hàng, trong đó ghi nhận phần lớn là việc dùng cổ phần của Hải Hà Petro đi thế chấp.

Trong số các giao dịch đảm bảo của bà Tuyết Mai, cập nhật mới đây tháng 2/2023 ghi nhận bà Mai mang 47,8% vốn cổ phần tại Hải Hà Petro thế chấp tại ngân hàng.

Nhắc đến Hải Hà Petro phải đề cập đến mạng lưới kinh doanh xăng dầu đáng nể trên khắp cả nước. Không những thế, Hải Hà cũng lấn sân sang mảng bất động sản với việc đầu tư nghiên cứu quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí, khu cảng dịch vụ cảng, khu công nghiệp xã Thái Thượng có quy mô diện tích 993ha.

Là "ông lớn" trong ngành xăng dầu, song tình hình kinh doanh của Hải Hà Petro lại chìm ngập trong thua lỗ nhiều năm liền. Doanh thu thuần năm 2022 của Hải Hà Petro lên tới 30.060 tỷ đồng, tăng 58,8% so với năm 2021.

Tính riêng năm 2022, Hải Hà báo lỗ 2.574 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2022 lên 4.577 tỷ đồng. Kết quả là công ty âm vốn chủ sở hữu 4.122 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của Hải Hà Petro lên đến 17.142 tỷ đồng, tăng 3.982 tỷ đồng, tương đương 30,3% so với cuối năm 2021, cao gấp 1,3 lần tổng tài sản công ty.

Hồi cuối tháng 10/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã công khai thông tin 107 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước với số tiền là 2.199 tỷ đồng (tính đến 30/9/2023). Hải Hà Petro tiếp tục là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất với tổng số nợ trên 1.781 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu tiên Hải Hà Petro bị bêu tên nợ thuế tại Thái Bình. Trước đó, tại ngày 31/12/2022, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Hải Hà Petro đạt 1.375 tỷ đồng. Trong đó có 1.141 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác. Đứng sau là thuế giá trị gia tăng phải nộp (163 tỷ đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt (37,4 tỷ đồng), thuế xuất nhập khẩu (34 tỷ đồng).

Kinh doanh thua lỗ nhưng Hải Hà Petro còn khoản đầu tư vào công ty dược. Báo cáo tình hình quản trị của CTCP Dược phẩm Trung ương I Pharbaco (mã chứng khoán PBC) ghi nhận sự xuất hiện của cổ đông là Công ty Hải Hà.

Tháng 10/2020, Vận tải Hải Hà công bố thông tin mua thêm thành công 10,1 triệu cổ phiếu PBC, nâng tổng lượng sở hữu sau giao dịch lên 20 triệu đơn vị (tỷ lệ 22,22%).

Bà Trần Tuyết Mai đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT của Dược phẩm Trung ương I Pharbaco từ tháng 11/2020. Cũng trong năm 2020, ông Tô Thành Hưng được bầu vào HĐQT và hiện giữ chức Tổng Giám đốc công ty.

Tuy nhiên, tháng 3/2023, bà Tuyết Mai có đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT với lý do bận việc gia đình. Ông Tô Thành Hưng vẫn là Tổng Giám đốc công ty Pharbaco.

Tình hình kinh doanh của Pharbaco năm 2022 lãi tăng mạnh, đạt 60 tỷ đồng, doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng. Trước đó, từ 2018 đến 2020, lợi nhuận của Pharbaco chỉ từ 4-11 tỷ đồng.

Tác giả: Mai Anh

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP