Kinh tế

Chân dung ông chủ Tập đoàn Mường Thanh vừa bị truy tố

Ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh thường được gọi với biệt danh "đại gia điếu cày" vừa bị Viện KSND TP Hà Nội truy tố về tội lừa dối khách hàng.

Ông chủ Tập đoàn Mường Thanh là một trong những “ông trùm bất động sản” sở hữu hệ thống khách sạn Mường Thanh từ Nam ra Bắc cùng nhiều dự án bất động sản tai tiếng.

Ông Lê Thanh Thản sinh năm 1949, quê Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1974, sau khi tốt nghiệp xong cấp 3, ông dừng việc học và lên đường ra trận trong những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. sau chiến tranh, ông được cử lên Lai Châu và giữ chức phó chánh văn phòng huyện ủy.

Đảm nhận vị trí này, ông thường xuyên quản lý, tập hợp công nhân cho các dự án xây dựng các công trình của địa phương lúc bấy giờ.

Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh. (Ảnh: Internet)

Đến đầu những năm 90, ông Lê Thanh Thản thành lập Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu, sau đổi thành Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng số 1 Lai Châu và nay là Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên có trụ sở tại Điện Biên.

Năm 1993, khách sạn Điện Biên Phủ được xây dựng tại Điện Biên. Dự án này hoàn thành một năm sau đó, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Điện Biên.

3 năm sau đó, ông Thản nhận được lời đề nghị của tỉnh Lai Châu về việc đổi khách sạn Điện Biên Phủ để lấy một khu đất giá trị khác. Thương vụ này được ông Thản chấp nhận và khách sạn Mường Thanh ra đời trên nền khu đất đổi từ khách sạn Điện Biên Phủ đó. Khách sạn Mường Thanh lúc này là điểm khởi đầu cho sự ra đời và phát triển của thương hiệu Mường Thanh sau đó, gắn liền với sự nghiệp của ông Thản.

Sau một thời gian kinh doanh và tích lũy tại Lai Châu, khi đã có trong tay một số vốn, ông Thản bắt đầu tìm đường tiến về Thủ đô thông qua kinh doanh bất động sản.

Với chiến lược “mua rẻ để bán rẻ”, khu đất ở bán đảo Linh Đàm đã lọt vào mắt xanh của “đại gia điếu cày”. Những năm 90, đây chỉ là khu đất ngập nước kém phát triển, xa trung tâm Hà Nội nhưng lại đúng với chiến lược kinh doanh của ông Thản là mua đất ở những vùng xa trung tâm sau đó bán với giá cao khi quy hoạch đô thị. Ông dồn tiền mua những khu đất như vậy ở Hà Nội. Những lô đất mà ông mua ở thời điểm đó chỉ có giá vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng.

Những năm sau đó, Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu tiến hành một loạt các dự án xây dựng chung cư tại Xa La, Đại Thanh, Kim Văn Kim Lũ, Linh Đàm…

Để có giá cạnh tranh, ông Thản làm nhanh nhất có thể, tăng mật độ xây dựng, không dùng vốn vay, không tiếp thị quảng cáo… Nhờ vậy, mỗi căn hộ chung cư được ông Thản bán với giá khoảng 15 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng một căn hộ.

Triết lý kinh doanh này giúp ông Thản bán nhà một cách nhanh nhất, sớm thu hồi vốn và lãi "tiền tươi thóc thật". Tuy nhiên, nó cũng khiến ông Thản chịu nhiều chỉ trích và hiện tại đang vướng vòng lao lý.

Ngược với bất động sản, mảng khách sạn, nghỉ dưỡng của ông Thản lại được xây dựng với tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao. Giá phòng thấp nhất của chuỗi khách sạn theo niêm yết từ 40 USD - 2.000 USD/đêm.

Trước khi bị khởi tố năm 2019, ông Thản đã có động thái chuyển giao quyền điều hành tại các doanh nghiệp cho người thân.

Viện KSND TP Hà Nội vừa ra thông báo về việc truy tố bị can Lê Thanh Thản (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất, xuất nhập khẩu Bemes - Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) về tội lừa dối khách hàng.

Viện KSND TP Hà Nội cũng truy tố các bị can Nguyễn Duy Uyển, Bùi Văn Bằng, Đỗ Văn Hưng, Mai Quang Bài, Vương Đăng Quân và Nguyễn Văn Nam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tác giả: THÀNH LÂM (tổng hợp)

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP