Pháp luật

Chân tướng 'trùm xã hội đen miệt vườn' chủ mưu đốt nhà Đội trưởng Cảnh sát hình sự

Trước khi bị Công an TP.Cần Thơ phối hợp Bộ Công an bắt giữ do liên quan vụ đốt nhà Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.Thốt Nốt, Trần Công Xuân được cho là “trùm bảo kê” việc bốc vác ở thủ phủ kinh doanh lúa gạo miền Tây.

Chín Xuân bị bắt tối 26.3

Theo Công an TP.Cần Thơ, ngày 30.9.2020, tại P.Trung Kiên, Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ), nhà của thiếu tá Hồ Đình Huyên, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an Q.Thốt Nốt, bị đốt cháy gây xôn xao dư luận địa phương. Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng điều tra trích xuất toàn bộ camera an ninh để truy tìm hung thủ, nhưng do vụ cháy xảy ra ban đêm nên hình ảnh trích xuất không được rõ.

Tuy nhiên, bằng các nghiệp vụ, cơ quan điều tra Công an TP.Cần Thơ đã khởi tố vụ án hình sự để truy tìm hung thủ.

Hiện trường nhà Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an Q.Thốt Nốt bị đàn em Chín Xuân đốt ngày 30.9.2020. ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

Hành xử ngông cuồng

Qua quá trình truy xét, ngày 14.3, cơ quan điều tra bắt tạm giam Hồ Thanh Hải (33 tuổi), Nguyễn Quốc Tài Nguyên (21 tuổi, cùng ngụ Q.Thốt Nốt), là đàn em Trần Công Xuân (Chín Xuân, 52 tuổi, ngụ P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt). Đến ngày 22.3, cơ quan điều tra triệu tập một đàn em khác của Xuân là Trịnh Thanh Tú (Tú “hí”, 30 tuổi, ngụ Q.Thốt Nốt). Ngày 24.3, trong lúc làm việc với điều tra viên, Tú xin phép ra phía sau đi vệ sinh. Lúc đi ra, thấy con dao để trong bếp nhà ăn, Tú lấy và tự đâm gây thương tích nhằm cản trở việc lấy lời khai. Ngay sau đó, Tú được đưa vào bệnh viện điều trị với vết thương nhẹ, chỉ khâu 2 mũi.

Như Thanh Niên đã thông tin, tối 26.3, thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP.Cần Thơ, trực tiếp chỉ huy hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Công an TP.Cần Thơ phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tiến hành thực hiện quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để điều tra đối với Trần Công Xuân về tội “hủy hoại tài sản”. Xuân bị cáo buộc là chủ mưu trong vụ đổ xăng đốt nhà Đội trưởng Đội CSHS Công an Q.Thốt Nốt.
Khám xét nơi ở của Xuân, cơ quan điều tra thu giữ nhiều hung khí nguy hiểm và tài liệu quan trọng có liên quan đến vụ án.

Riêng Hải và Nguyên, tại cơ quan điều tra bước đầu khai là người đổ xăng đốt nhà Đội trưởng Đội CSHS theo chỉ đạo của Xuân. Cụ thể, ngày 30.9.2020, lợi dụng đêm khuya, Hải và Nguyên đem can xăng gần 10 lít đến trước cửa nhà thiếu tá Huyên đổ rồi phóng hỏa đốt nhà.

Về nguyên nhân Xuân cho đàn em đốt nhà thiếu tá Huyên, theo lời khai của Hải và Nguyên, trước đó đàn em của Xuân là T. đi nhậu tại một quán ở Q.Thốt Nốt. Trong lúc nhậu, giữa T. và một thanh niên trong quán xảy ra mâu thuẫn và T. đã dùng ly uống bia đập vào mặt người thanh niên này gây thương tích 27%. Sau khi biết T. gây thương tích cho người khác, Xuân huy động đàn em đến nhà nạn nhân xin lỗi, bồi thường tiền thuốc cùng lời hăm dọa nhằm buộc nạn nhân rút đơn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T. Do lo sợ nên nạn nhân đã đồng ý rút đơn.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng với thương tích giám định đến 27% và hành vi đập ly vào mặt nạn nhân là côn đồ nên đã khởi tố, bắt giam T. Từ đó, Xuân cho rằng cơ quan điều tra Q.Thốt Nốt, cụ thể là thiếu tá Hồ Đình Huyên, đã “xử ép”, cố tình khởi tố đàn em của mình, dù nạn nhân đã rút đơn truy cứu.

Lực lượng công an được huy động để bắt giữ Chín Xuân tối 26.3

Bóc lột sức lao động công nhân bốc vác

Q.Thốt Thốt được mệnh danh là thủ phủ của ngành chế biến, kinh doanh gạo xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại miền Tây, với gần 100 kho bãi, nhà máy chế biến gạo. Từ đó, Xuân lập và nắm giữ lực lượng bốc vác tại các kho bãi nhằm thu lợi từ sức lao động của công nhân bốc vác.

Theo nguồn tin riêng của PV Thanh Niên, dù không nằm trong nghiệp đoàn bốc vác tại địa phương, nhưng để thực hiện ý đồ này, Xuân buộc hầu hết nhà máy chế biến lúa gạo phải ký hợp đồng bốc vác với mình, không được ký với ai khác. Đồng thời, không cho phép lực lượng bốc vác nào được tự tiện ký hợp đồng với chủ cơ sở trên địa bàn Xuân “quản lý”. Do sợ thói côn đồ của Xuân, nhiều chủ cơ sở lúa gạo tại Q.Thốt Nốt đã phải ký hợp đồng bốc vác với Xuân để được yên thân làm ăn.

Sau khi có hợp đồng bốc vác với các cơ sở chế biến gạo, Xuân khoán lại cho đàn em giá rẻ hơn để hưởng chênh lệch. Hiện nay, Xuân còn “vươn vòi” bóc lột sức lao động của người bốc vác tại các nhà máy, kho bãi vùng lân cận như Đồng Tháp, An Giang.

Theo tính toán của một số công nhân bốc vác, Xuân thường ăn chênh lệch khoảng 5.000 đồng/tấn hàng hóa. Qua các hợp đồng đã ký với hàng trăm nhà máy, kho bãi trên địa bàn Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) và 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, vào những ngày vô vụ, với hàng vạn tấn lúa, gạo được bốc xếp mỗi ngày thì Xuân ngồi không cũng hưởng chênh lệch số tiền hàng trăm triệu đồng.

Còn theo người dân địa phương, do nắm giữ trong tay hàng ngàn công nhân bốc xếp trên địa bàn nên hầu hết các chủ cơ sở chế biến gạo đều sợ Xuân. Chỉ cần làm việc nào đó không vừa lòng Xuân, như không cho ứng tiền bốc xếp (mỗi lần hàng trăm triệu đồng), là Xuân chỉ đạo đàn em ngăn cản việc bốc xếp hàng hóa cho nhà máy, dẫn đến doanh nghiệp đình đốn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Chính từ việc ngồi không thu lợi bất chính mỗi ngày rất lớn, cộng với sự e sợ của các cơ sở kinh doanh chế biến gạo trên địa bàn, mà Xuân ngày càng tỏ ra ngạo mạn, xem thường pháp luật, hành xử ngông cuồng như nói trên.

Hiện Công an TP.Cần Thơ đang điều tra mở rộng để làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của Chín Xuân và đồng bọn.

Tác giả: Mai Trâm

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP