Tin trong tỉnh

Chặn xe khách trá hình, gian nan như... đánh án

Kể từ khi bến xe Vinh chuyển ra ngoài khu vực ngoại thành, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nở rộ loại hình xe ô tô con 7 chỗ núp bóng xe gia đình chuyên chạy dù bắt khách.

CSGT mất nhiều thời gian xử lý 1 xe ô tô con cá nhân, gia đình trá hình chạy chở khách

Gian nan như… “đánh án”

13h10 ngày 15/10, tại Km 464 + 600 QL1, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ TTKS, Công an TP Vinh phát hiện xe con BKS 37A - 464.42 đang trá hình chạy khách. Ngay lập tức, chiếc xe được “mời” về bến xe Bắc Vinh để xử lý. Phải mất rất nhiều thời gian đấu tranh, đưa ra những bằng chứng thuyết phục nhất, tài xế Vi Văn Hương (SN 1985, trú ở xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) mới chấp nhận ký vào biên bản vi phạm hành chính của lực lượng CSGT.

Trung tá Trần Đức, Đội phó Đội CSGT Công an TP Vinh cho hay, xe này hành khách hợp tác với Tổ TTKS nên mọi việc thuận lợi; chứ nếu hành khách “đồng lòng” với tài xế thì gian nan lắm. Đúng như lời Trung tá Đức, khoảng 14h30’ sau một thời gian theo dõi, Tổ TTKS phát hiện xe ôtô con BKS 37A-133.32 đang trả khách (1 người lớn, 1 trẻ em) trên đường Nghệ An - Xiêng Khoảng. Tổ TTKS lập tức áp sát, yêu cầu chiếc xe về bến xe Bắc Vinh để kiểm tra, làm rõ. Tại hội trường tầng 2, sau gần 1 giờ căng thẳng, tài xế Trần Minh Tú (SN 1975, trú ở xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) vẫn một mực phủ nhận việc chạy khách thu tiền, còn hành khách SN 1996 liên tục khẳng định: “Chú Tú có việc xuống Vinh nên em và dì em xin đi xe cùng…”.

Tuy nhiên, nhờ việc tách riêng các hành khách để khai thác thông tin, Tổ TTKS thu thập được chứng cứ tài xế Tú đã lấy tiền của một hành khách với giá 50.000 đồng cho chặng Đô Lương - Vinh. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, vị khách SN 1996 thú nhận mình được tài xế dặn nói như thế trước khi lên xe. Lúc này, tài xế Tú mới chấp nhận ký vào biên bản vi phạm hành chính với lỗi không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định.

Trung tá Trần Đức, Đội phó Đội CSGT Công an TP Vinh tiết lộ: Xe gia đình trá hình chở khách rất khó phát hiện. Khi xử lý vi phạm này, lực lượng công an phải sử dụng hàng loạt biện pháp nghiệp vụ như dựa vào kinh nghiệm, khai thác các mối quan hệ để lấy nguồn tin, khai thác thông tin từ hành khách, cử người hóa trang bí mật ghi hình…

“Tuy nhiên, khó khăn nhất là sự bao che của hành khách đối với các xe gia đình trá hình chở khách, khiến các Tổ TTKS phải vất vả thu thập chứng cứ, xử lý”, Trung tá Đức nói.

Thật giả lẫn lộn, hậu quả khôn lường

Sáng 15/10, ghi nhận một số tuyến đường: Nguyễn Phong Sắc đoạn qua Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An; Tôn Thất Tùng đoạn trước mặt Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An; Đại lộ Lê Nin đoạn qua cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An… thường xuyên xuất hiện xe ô tô con 7 - 9 chỗ ngồi, chở người dân từ Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Đô Lương, Hoàng Mai... lên TP Vinh. Giá xe đắt hơn xe buýt từ 5.000-10.000 đồng nhưng bù lại được đưa đón tận nơi nên khách rất ưa chuộng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Nghệ An bức xúc: Các cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khách, vận tải hàng hóa đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Xe gia đình trá hình chạy khách gây thất thu thuế cho Nhà nước, tạo cạnh tranh không lành mạnh cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây mất TTATGT khi đưa đón khách trong khu vực nội thành. Hành khách khi đi xe gia đình trá hình cũng không được bảo hiểm khi có các sự cố xảy ra.

“Chúng tôi đã kiến nghị cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, nếu không xử lý triệt để thì phải có chế tài quản lý loại xe này như một loại hình vận tải, nếu không doanh nghiệp chân chính không thể hoạt động được”, ông Hùng nói.

Ông Võ Minh Đức, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết, xe gia đình trá hình chạy khách tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm vì hầu hết tài xế: Không quen đường; chạy xe nhiều giờ liên tục. “Trong các văn bản chỉ đạo, Ban ATGT tỉnh cũng thường xuyên yêu cầu các lực lượng CSGT, TTGT tăng cường kiểm tra, xử lý loại xe này, nhưng hiệu quả rất thấp”, ông Đức nói.

Thượng tá Hoàng Duy Hà, Phó trưởng Công an TP Vinh cho biết: Từ đầu tháng 10 tới nay, lực lượng CSGT Công an thành phố đã chỉ đạo lực lượng CSGT vào cuộc quyết liệt, xử lý được gần 20 trường hợp xe trá hình. Tuy nhiên, do mức phạt tại Nghị định 46 chỉ là phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng, không kèm hình thức phạt bổ sung như: Tước GPLX, tạm giữ phương tiện nên không có tính răn đe. Vì thế, muốn xử lý được triệt để loại xe trá hình này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của Công an thành phố, công an các huyện, còn cần phải điều chỉnh hình thức xử phạt bổ sung.

Tác giả: Sỹ Hòa - Văn Thanh

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP