Ngọc Anh chinh phục đỉnh Fansipan hồi tháng 2/2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Sau 15 phút lướt cáp qua ba tầng mây, Ngọc Anh bước ra khỏi nhà ga, bỏ lại xe lăn rồi vịn hai tay vào tường, cố đu người lên hơn 600 bậc đá cao 20 cm, rộng chừng 15 cm. Không quen với khí hậu khô và lạnh, Ngọc Anh mất sức ngay ở những bước đầu tiên vì... hăng quá.
Không khí ngày một loãng, lạnh, hít thở khó khăn, chàng trai xương thủy tinh quê Hải Phòng phải dừng lại, cố gắng điều hòa hơi thở, giảm một chút đau đớn nơi đầu gối và bàn tay, rồi tiếp tục vừa lết, vừa bò. Phần vải quần đầu gối của Ngọc Anh bị mài mòn, bên trong sưng đỏ, đau rát vì tiếp xúc nhiều với mặt đá cứng.
"Mỗi bước đi cảm giác như có nghìn viên đá dăm hằn sâu vào đầu gối, đau rát qua lớp vải quần bò mà tôi đã nghĩ nó có thể bảo vệ mình. 15 phút tôi phải dừng lại một lần để làm quen với thời tiết, và giảm bớt đau đớn", Ngọc Anh, 33 tuổi, nhắc đến chuyến chinh phục đỉnh Fansipan hồi tháng 2/2016.
Suốt hành trình, ngoài những ánh mắt tò mò, Ngọc Anh nhận được lời động viên từ người xa lạ. Đặt đầu gối lên "nóc nhà đông Dương", với Ngọc Anh không phải là công sức của bản thân, mà chính là sự cổ vũ và động viên của mọi người.
Ngọc Anh dùng đầu gối leo hơn 600 bậc thang tại đỉnh Fansipan. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Ngoài Fansipan, Ngọc Anh từng dùng đầu gối đi đến ba cực của tổ quốc. Tại cực Đông, anh xuyên rừng gập ghềnh, khúc khuỷu dài hơn 2,5 km, suýt nữa phải vào viện vì rách da. Lần ấy, anh lấy tay chống xuống đất làm trụ đỡ nâng đầu gối để di chuyển, những đoạn đá nhiều phải nhổ cỏ ven đường buộc vào đầu gối giảm ma sát cho đỡ đau.
Ở chuyến đi cực Bắc và cực Tây, dù có đồ bảo hộ, Ngọc Anh buộc phải bỏ ra giữa đường vì cản trở di chuyển.
"Duy chỉ có cực Nam là tôi đi một mình, và ngồi xe lăn vào tận nơi, các điểm còn lại tôi đều sử dụng đầu gối bò lên đỉnh", Ngọc Anh cho biết.
Đau đớn khi di chuyển, nhưng Ngọc Anh chưa một lần nghĩ đến chuyện từ bỏ. Với anh, khi đã bắt đầu thì phải đi đến cùng, không quan trọng là bao lâu, bởi đó không chỉ là trải nghiệm mà còn là sự chứng tỏ bản thân.
"Người ta đi bằng hai chân, bàn chân không thể đi được thì tôi đi bằng đầu gối, bằng tay... đi từ từ từng chút một", Ngọc Anh tâm sự.
Fansipan là điểm cuối cùng trong hành trình 4 cực và một đỉnh mà chàng trai xương thủy tinh này chinh phục trước khi kết thúc chuyến xê dịch nhiều năm liền. Cuối năm 2016, Ngọc Anh phải tạm gác lại những chuyến đi để về Hà Nội chăm sóc bố ốm.
Tuổi thơ gắn với bó bột
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, tháng thứ 8, Ngọc Anh bị gãy một tay và một chân khi tập đi. Tưởng chỉ gãy xương đơn thuần, nhưng không lâu sau khi vết thương vừa lành, Ngọc Anh tiếp tục gãy đúng chỗ cũ. Gia đình đưa anh đi viện, được chẩn đoán giòn xương, thiếu canxi, chạy chữa nhiều nơi nhưng không tiến triển, những lần gãy xương ngày một nhiều.
Thời điểm ấy, căn bệnh xương thủy tinh còn lạ lẫm với đa số người Việt Nam. Vài năm sau khi y học phát triển hơn, anh mới biết chính xác mình mắc bệnh gì. Từ ngày chập chững tập đi, đến năm lớp 8 là thời điểm Ngọc Anh bị gãy xương liên tục. Anh chẳng thể nhớ nổi bao nhiêu lần, chỉ biết mỗi lần như thế đều rất đau. Bố mẹ thậm chí không cho anh đứng lên vì sợ xương gãy.
"Tôi gãy một tay, một chân, rồi hai tay, hai chân, cứ va chạm mạnh là gãy", Ngọc Anh kể.
Hàng ngày, Ngọc Anh được bố cõng tới lớp và chỉ có thể ngồi tại chỗ nhìn các bạn chơi. Nhiều lúc ngứa ngáy chân tay, liều mình lao ra sân, Ngọc Anh lại thêm một lần bó bột.
Không thể đi lại bình thường, anh tập di chuyển bằng đầu gối đến sưng đau, bật máu. Năm lớp 4, anh di chuyển thành thạo bằng đầu gối mà không gây ảnh hưởng đến xương.
Lớp 9, Ngọc Anh được một tổ chức từ thiện tặng xe lăn nhưng anh không dùng vì ngại ánh mắt tò mò. Anh tập tễnh bước đi, bám vào bàn, nương mình theo mép tường, mỏi thì dừng. Một lần trong tiết học, cả lớp đứng lên chào cô giáo, lúc ngồi xuống, Ngọc Anh gãy luôn hai chân... Từ lúc một tuổi đến khi trưởng thành, anh trải qua gần 200 lần gãy xương, đôi chân vì thế không bước đi được nữa, phải sống nhờ xe lăn và chiếc đầu gối may mắn "còn dùng được".
Ngọc Anh chinh phục cột cờ Lũng Cú năm 2013. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Nhận giấy báo đỗ đại học, Ngọc Anh gấp lại cất đi, xin bố mẹ cho đi học nghề. 12 năm đi học, Ngọc Anh luôn có một người đi theo chăm sóc. Nếu Ngọc Anh học tiếp, bố sẽ phải theo lên thành phố, mẹ vất vả thêm nên anh quyết định không học đại học mà học nghề, nhanh chóng có việc phụ giúp gia đình.
Sau một năm học nghề, anh mở cửa hàng sửa điện thoại, máy tính tại nhà, sau đó xin bố mẹ lên Hà Nội kiếm việc. 10 năm bươn trải, Ngọc Anh trải qua 7-8 nghề, từ sửa điện thoại, máy tính, thiết kế đồ họa, quay phim chụp ảnh đến thiết kế website, marketing online và giờ là thành lập công ty vận chuyển hàng từ Mỹ về Việt Nam. Xuất phát điểm thấp, Ngọc Anh luôn nghĩ nếu người khác cố gắng 100%, anh phải nỗ lực gấp 200%, 300%. Anh luôn biết cách đặt bản thân vào những thử thách mới và động lực để cố gắng mỗi ngày.
Ngồi xe lăn nhưng Ngọc Anh luôn ước mơ tự mình đi tới nhiều vùng đất, thăm thú, tìm hiểu văn hóa. Bằng số tiền tích góp trong 5 năm làm việc, cùng chiếc xe lăn, Ngọc Anh đã chinh phục được 42 tỉnh, thành và 10 nước Đông Nam Á, châu Á.
4 năm sau chuyến đi cuối cùng đến Fansipan, Ngọc Anh bắt đầu trở lại với niềm đam mê xê dịch, khởi đầu bằng chuyến đi Phong Nha – Kẻ Bàng vào đầu tháng 7.
"Tôi chọn Quảng Bình để thử sức vì có nhiều địa điểm đẹp, cũng như kiểm tra giới hạn sức khỏe của bản thân trước khi chinh phục vùng núi Tây Bắc", Ngọc Anh nói.
Bên cạnh các kế hoạch mới cho công việc, Ngọc Anh dự định chinh phục Tây Bắc, vùng đất mà anh từng muốn khám phá nhưng phải dừng vì điều kiện sức khỏe. Ngoài ra, anh cũng muốn đẩy mạnh dự án tặng 1.000 chiếc xe lăn cho người khuyết tật tại Việt Nam.
Cuộc sống của Ngọc Anh bắt đầu gắn liền với chiếc xe lăn năm anh lớp 11. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Tác giả: Quốc Khánh
Nguồn tin: Ngoisao.net