Tin trong tỉnh

Chất lượng các trường đào tạo nghề trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp

Tại phiên thảo luận tại hội trường vào chiều nay 5/12, Giám đốc Sở LĐTB&XH Đoàn Hồng Vũ đã giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm.

Giám đốc Sở LĐTB&XH Đoàn Hồng Vũ trả lời tại phiên thảo luận hội trường chiều 5/12

Trả lời câu hỏi về chất lượng đào tạo nghề và đào tạo nghề chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, nhất là các huyện ở vùng nông thôn, miền núi, theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Đoàn Hồng Vũ đây là một nhận định hoàn toàn đúng. Hiện nay mạng lưới đào tạo nghề của tỉnh có 43 cơ sở đào tạo nghề và có tính chất tham gia đào tạo nghề; trong đó các trường cao đẳng và trung cấp mới đào tạo được hơn 21% quy mô đào tạo của toàn tỉnh. Chương trình đào tạo, khối lượng kiến thức tại các trường chỉ mới đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo chương trình do Bộ LĐTB&XH quy định. Vì vậy khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm cụ thể của từng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại.

Bên cạnh đó, lao động của tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông. Vì vậy các doanh nghiệp FDI khi tuyển lao động phổ thông phải đào tạo lại thì lao động mới đứng vào dây chuyền được.

Về cơ sở vật chất và giáo viên giáo dục nghề nghiệp, người đứng đầu ngành LĐTB&XH cho biết, thời gian qua tỉnh rất quan tâm, các Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực của Trung ương bổ sung và ngân sách tỉnh đều tập trung cho các trường, đồng thời bổ sung thêm được 147 giáo viên, nhân viên, cán bộ làm việc tại các trường theo cơ chế tự chủ. Đối với các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên chưa được thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn vừa rồi đều được đề xuất để được hưởng trong giai đoạn tới.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án 14-ĐA/TU về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An và quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp Trung ương phê duyệt. Bên cạnh đó, ngành đang tham mưu UBND tỉnh để đánh giá lại kết quả triển khai thực hiện Đề án 14-ĐA/TU về đào tạo nghề trong 5 năm qua và nhiệm vụ trong 5 năm tới.

Đối với nội dung phản ánh hiện nay việc tuyển dụng lao động thiếu cục bộ và khó khăn, nhất là việc tuyển dụng lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp FDI; tiền lương tối thiểu vùng của Nghệ An thấp… Giám đốc Sở LĐTH&XH Đoàn Hồng Vũ cho biết, do thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua tăng rất nhanh, mỗi doanh nghiệp cần hàng chục nghìn lao động, do vậy trong một thời điểm nào đó doanh nghiệp gặp khó khăn về tuyển dụng lao động. Việc này tỉnh rất quan tâm, đã tổ chức hội nghị để nghiên cứu và đưa ra các giải pháp tháo gỡ tình trạng trên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã quan tâm đến việc nâng cao thu nhập cho người lao động, nhằm giữ chân người lao động.

Hiện nay nhu cầu mỗi năm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần 40-50 nghìn lao động. UBND tỉnh đang tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về kết nối cung cầu lao động, giải quyết việc làm để phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh quan tâm thêm các điều kiện về nhà ở xã hội, phúc lợi cho người lao động.

Về tiền lương lao động tối thiểu, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Nghệ An đã được nâng một số địa bàn lên khu vực 2. Hiện nay tiền lương của lao động tại khu vực 2, khu vực 3, khu vực 4 là phù hợp với mặt bằng chung. Ngành sẽ tiếp tục kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để nâng cao hơn nữa đời sống của người lao động.

Tác giả: NPV

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP