Thế giới

Châu Âu “đau đầu” giữa lợi ích ở Iran và mối quan hệ đồng minh với Mỹ

Một mặt, châu Âu muốn khai thác tối đa lợi ích kinh tế với Iran, mặt khác, họ lại phải cân nhắc về khả năng vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Việc Mỹ quyết định khôi phục lại các biện pháp trừng phạt Iran đang tạo ra những cơn dư chấn mới đối với nền kinh tế toàn cầu khi mà hàng loạt các nước, thậm chí là các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ảnh minh họa: AP


Trước nguy cơ những hợp đồng có giá trị hàng trăm triệu USD bị đổ vỡ, Anh, Pháp và Đức đã liên tục có các hoạt động ngoại giao con thoi để tìm giải pháp tháo gỡ. Ngoại trưởng Anh, Đức và Pháp ngày 15/5 sẽ có cuộc gặp 3 bên tại Brussels, Bỉ để thảo luận các biện pháp bảo vệ những công ty châu Âu đang có hoạt động giao dịch với Iran.

Trước đó ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt trở lại đối với Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Ông Donald Trump cũng lớn tiếng đe dọa sẽ trừng phạt bất cứ công ty, tập đoàn nước ngoài nào có ý muốn làm ăn với Iran và sẽ “gây khó khăn lớn chưa từng có” cho Iran nếu nước này phát triển vũ khí hạt nhân.

Lệnh đe dọa trừng phạt này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Iran và còn được cho là một đòn giáng mạnh đến rất nhiều doanh nghiệp của châu Âu. Theo số liệu của Uỷ ban châu Âu, có 21 công ty của 5 nước thành viên châu Âu đã có các hoạt động đầu tư vào Iran, trong đó có các tập đoàn lớn như Airbus, General Electric, Accor, Total của Pháp, Volkswagen của Đức hay tập đoàn Melia của Tây Ban Nha…

Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ đặt các công ty này ra ngoài lề với các giao dịch với Iran bất chấp việc họ đã ký kết các hợp đồng hàng tỉ đôla với quốc gia Trung Đông này.

Hiện các doanh nghiệp châu Âu đều phản ứng khá thận trọng trước thông tin Mỹ tái áp đặt biện pháp trừng phạt Iran. Các hãng đa quốc gia châu Âu vừa đưa ra lưu ý thận trọng và cho biết họ sẽ xem xét quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump, tuân thủ tất cả luật và quy định.

Tuy nhiên, các Chính phủ châu Âu thì bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ hơn với mong muốn bảo vệ các các doanh nghiệp của họ và xa hơn nữa là các lợi ích của họ tại Iran.

Các nước thành viên châu Âu, đứng đầu là 3 nước Anh, Đức và Pháp đã có hàng loạt các hoạt động ngoại giao con thoi để chứng minh cho quyết tâm của mình. Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Pháp đã có chuyến thăm London và thảo luận song phương với Ngoại trưởng Anh về vấn đề này.

Trước cuộc gặp ngoại trưởng 3 bên Anh – Pháp – Đức diễn ra ngày 15/5, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết, ông sẽ thảo luận với những người đồng cấp châu Âu về những giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Anh cũng như các doanh nghiệp châu Âu có thể tiếp túc làm ăn với Iran. Ông Boris Johnson cũng khẳng định, mặc dù không dễ dàng, song Anh và các đồng minh châu Âu sẽ luôn kề vai sát cánh với Iran.

“Chúng tôi sẽ thảo luận về tất cả những gì mà chúng tôi có thể làm để hỗ trợ cho các công ty của Anh, của châu Âu tin rằng họ vẫn có thể tiếp tục làm ăn kinh doanh với Iran. Tôi biết điều đó không hề dễ dàng nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm mọi việc để bảo vệ các doanh nghiệp của chúng tôi không bị ảnh hưởng với các biện pháp trừng phạt của Mỹ”, ông Johnson nói.

Ngoại trưởng Anh cho rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran là một nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế trong suốt hơn 1 thập kỷ qua. Điều đó cũng đồng nghĩa, nó không nên dễ dàng bị đổ vỡ. Ông Boris Johnson cũng nhấn mạnh đến vai trò của châu Âu và kêu gọi các quốc gia châu Âu cần phải quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình.

“Chúng ta cần phải quyết tâm giữ bản chất của thỏa thuận hạt nhân Iran. Khi tôi nói đến bản chất của thỏa thuận này thì đó là thương mại. Tôi và người đồng cấp Pháp Jean Yves le Drian đã nhất trí rằng, cách duy nhất để ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân chính là tạo ra những lợi thế về thương mại cho Iran khi tham gia vào các hoạt động kinh tế với châu Âu”, ông Boris Johnson nói thêm.

Tuy nhiên, châu Âu sẽ bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp của họ như thế nào khi mà từ trước đến nay Mỹ vẫn được xem là “người cầm trịch trong các luật chơi quốc tế”, đặc biệt là trong vấn đề Iran. Luật sư thương mại quốc tế Judith Lee tại hãng Gibson Dunn ở thủ đô Washington cảnh báo: “Mỹ không những cố gắng kiểm soát các công ty trong nước, mà còn muốn kiểm soát công ty của các nước khác”.

Để thoát khỏi vòng luẩn quần này, theo ông Cornelius Adebahr, thành viên Viện nghiên cứu của Hội đồng Đức về quan hệ quốc tế, châu Âu cần đặt ra một “luật chơi” để bảo vệ chính mình: “Nếu các doanh nghiệp này có hoạt động kinh doanh với Mỹ, họ sẽ phải đối mặt với viễn cảnh bị áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu họ ở lại Iran.

Hiện tại các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng nếu họ có các hoạt động kinh doanh không hợp pháp theo luật của Mỹ. Nhưng câu hỏi đặt ra là, cùng với Chính phủ các nước châu Âu, có thể họ sẽ tìm ra cách để tuân thủ luật pháp của châu Âu bởi họ là các công ty châu Âu chứ không phải theo luật Mỹ. Và đây là điều cần phải được xem xét trong thời gian tới”.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, rất ít có khả năng, châu Âu sẽ có những biện pháp cứng rắn để đi ngược lại với những lợi ích của đồng minh Mỹ. Hiện tại, châu Âu đang chạy đua nước rút để thảo luận với Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, các nước châu Âu sẽ có từ 90-180 ngày để rút các hoạt động ở Iran hoặc sẽ phải đối phó với “nguy cơ về các hậu quả nghiêm trọng”. Các doanh nghiệp nếu vi phạm lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt sẽ bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chính của Mỹ và trở thành mục tiêu cho hàng loạt lệnh trừng phạt khác./.

Tác giả: Châu Anh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP