Tin trong tỉnh

Chỉ có một tấm lòng...

Những suất cơm đậm đà tình người với giá chỉ 2.000 đồng ngay giữa lòng thành phố Vinh (Nghệ An) những ngày giá rét, ấm lòng những bệnh nhân, những phu khuân vác, vận chuyển nghèo khổ.

Quán cơm 2.000 đồng ở thành phố Vinh (Nghệ An)

“Mời cô, chú vào dùng cơm”, Phan Hùng Sơn- Trưởng nhóm Thiện tâm 20 - 34 Lê Huân nở nụ cười đón khách. Mười giờ trưa một ngày đầu năm 2021, trời lạnh buốt, gió rít từng cơn, mọi người co ro, ớn lạnh. Trên con đường dẫn vào quán cơm 2.000 đồng của Tổ Thiện tâm 20-34 Lê Huân, ở số nhà 88 đường Phùng Khắc Khoan, TP Vinh (Nghệ An) nhộn nhịp, tấp nập người ra vào.Từng dòng người xếp hàng chờ mua cơm. Họ là những bệnh nhân đang điều trị tại các Bệnh viện Ung bướu, Sản Nhi, Chấn thương chỉnh hình… và những người lao động nghèo.

Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung niềm vui khi được thưởng thức trọn vẹn một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng chỉ với 2.000 đồng. Phía trong, bàn ghế được xếp gọn gàng, ngăn nắp, mọi thứ đều sạch sẽ, sáng bóng. Mỗi ngày, quán đều đã chuẩn bị sẵn các khay cơm canh, khách vào sẽ đến vị trí đặt sẵn để lấy cơm, mỗi người một phần thức ăn gồm món mặn, món xào, món canh và trái cây. Thực đơn hôm nay có canh chua, cá kho, rau xào, chuối…

Nhận đĩa cơm nóng hổi với đầy đủ cá, rau, canh và chuối tráng miệng, ông Thái Văn Mạo (73 tuổi, ở xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương) kể: “Trong những ngày giá rét như thế này, được ăn suất cơm chỉ 2 nghìn đồng nhưng đầy đủ các món, tôi cảm thấy rất vui và ấm áp. Bình thường, suất cơm này cũng phải 25.000 - 30.000 đồng”.Hơn một năm điều trị ung thư thanh quản, ông Mạo đã quen với những “bữa ăn nhanh” tại bệnh viện. Nhà nghèo lại mang bệnh tật nên mọi chi tiêu đều phải “dè xẻn”. Ngày thường, ông chỉ ăn bánh mỳ hoặc mỳ tôm, “sang” lắm mới mua hộp cơm. Một ngày đang nằm truyền thuốc, tình cờ ông nghe những bệnh nhân cùng phòng nói có quán cơm 2.000 đồng/suất ở gần bệnh viện. “Lúc đầu tôi không tin. Tò mò,tôi rủ thêm một người bạn phòng kế bên qua xem, không ngờ có thật”, ông Mạo nói.

Khoảng 11 giờ, quán đông nghịt, tấp nập người ra vào, nhiều người không có chỗ ngồi phải đứng chờ. Nhâm nhi tách trà nóng chờ đến lượt, ông Phan Văn Bính (55 tuổi, trú ở TP Vinh) tỏ ra tiếc nuối khi không biết đến quán cơm sớm hơn. Hành nghề cửu vạn đã hơn 5 năm nhưng ông Bính chẳng có “của ăn của để”. Nhà nghèo, lại đông con, nhiều hôm ông Bính phải chấp nhận nhịn đói nhường cơm cho các con. Một ngày bốc vác thuê nặng nhọc của ông cũng chẳng đủ chi tiêu và lo cho các con ăn học. Từ ngày biết đến quán cơm 2.000 đồng, dù nhà xa, ông Bính cũng cố gắng thu xếp công việc qua quán từ sớm.“Quán cơm thật sự có ý nghĩa với những người nghèo như chúng tôi. Thời buổi Covid làm ăn vất vả, tiền không có, cầm 10.000 đồng ra các quán cơm bình thường họ không bán. Ở đây, một suất cơm có vài nghìn nhưng lại nóng hổi, đầy đủ chất dinh dưỡng. Tôi thường tranh thủ đến sớm để mua cơm”, ông Bính tâm sự.

Dù đã ăn xong nhưng bà Phạm Thị Hoa (56 tuổi, ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu) cứ nấn ná mãi không về. Bà nắm tay từng nhân viên, không ngớt lời cảm ơn: “Cảm ơn nhà hàng, cảm ơn các cô, các chú nhiều”. Bà Hoa bị ung thư phổi đã 4 năm nay, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.Từ ngày quán cơm 2.000 đồng khai trương, bà luôn có mặt sớm để mua cơm. “Các cô, chú ở đây rất nhiệt tình. Ai ăn thiếu cơm sẽ được lấy thêm cơm ăn cho khi nào no thì thôi.Hai nghìn đồng giờ có làm được gì đâu, thế mà tôi được một bữa cơm rất ngon, có cá, thịt, rau và cả hoa quả tráng miệng nữa”, bà Hoa bày tỏ.

“Lá lành đùm lá rách”

Dù chỉ mới đi vào hoạt động được hơn một tháng, nhưng quán cơm 2.000 đồng ngay giữa lòng thành phố Vinh trở thành địa chỉ quen thuộc của những bệnh nhân và người lao động nghèo. Trưởng nhóm Thiện tâm 20 - 34 Lê Huân Phan Hùng Sơn cho biết, nhóm đã thành lập được 14 năm, gồm những lao động tự do, làm ăn, buôn bán ở thành phố Vinh.Trước đây nhóm chủ yếu làm từ thiện bằng cách mua quần áo, đồ đạc… rồi đi các vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số để trao tặng; nấu cháo đưa đến các bệnh viện. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, anh em trong nhóm quyết định mở quán cơm này.

Vốn là một cửu vạn “chính hiệu”, anh Sơn có niềm đam mê mãnh liệt và luôn tìm thấy niềm vui qua những lần thiện nguyện. Anh tâm sự: “Không ai sinh ra mà muốn mình nghèo khổ cả, nhưng mỗi người một hoàn cảnh, một số phận. Mình nghèo nhưng cũng có những người còn nghèo hơn mình”. Chính vì vậy, anh quyết định thành lập nhóm thiện nguyện “Chuyến xe 0 đồng”, đêm đêm mua thức ăn, các vật dụng thiết yếu tặng những người vô gia cư ở thành phố Vinh.Sau những lần “trao yêu thương”, anh luôn đáp đền bằng câu nói quen thuộc: “Cảm ơn cuộc đời”!. Cũng chính từ niềm trắc ẩn với những mảnh đời nghèo khổ ấy thôi thúc anh mở quán cơm 2.000 đồng này. “Tôi và các anh chị em của quán luôn tâm niệm “Lá lành đùm lá rách/ Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Cuộc sống vô thường lắm nên còn sống là còn cống hiến, làm những điều tốt đẹp, có ích cho xã hội”, anh Sơn bộc bạch.

Từng dòng người xếp hàng chờ mua cơm


Chia sẻ về việc thu mỗi suất cơm với giá 2.000 đồng, anh Sơn cho biết, giá thực tế để chế biến ra một suất cơm khoảng 20.000 đồng, quán thu 2.000 đồng nhằm giảm đi sự e ngại của mọi người khi đến. “Nếu làm cơm miễn phí, người dân có thể ngại mà không đến ăn. Nhưng nếu đặt ra một mức giá, mọi người sẽ thấy rằng, họ có bỏ tiền mua cơm, bạn mua tôi bán, không ai nợ ai hay cho ai điều gì, như vậy mọi người đến ăn sẽ cảm thấy thoải mái hơn”, anh Sơn tâm sự.

“Quán bắt đầu mở cửa vào ngày 5/12/2020, vào các ngày thứ 3, 5, 7 trong tuần, mục đích là hỗ trợ các bệnh nhân nghèo đang điều trị ở các bệnh viện và những lao động nghèo có thêm bữa ăn no, đủ chất.Mỗi ngày, chúng tôi chuẩn bị 300 suất cơm, 200 suất mì và cháo. Vì khách hàng chủ yếu là bệnh nhân nên chúng tôi rất chú trọng đến chất lượng thực phẩm trong bữa ăn”

Anh Phan Hùng Sơn

Tác giả: THU HIỀN

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP