Câu hỏi đặt ra với người phát ngôn Chính phủ, Singapore bỏ ra 20 triệu USD và thu về hơn 500 triệu USD từ sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1. Vậy Việt Nam thu được gì từ việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2?
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời, Việt Nam được rất nhiều, có những cái được có thể nhìn thấy ngay, có những cái không nhìn thấy. Trước hết, việc 2 nhà lãnh đạo chọn Việt Nam thể hiện vị thế của Việt Nam tăng cao trên trường quốc tế. Việc tổ chức hội nghị đã diễn ra hoàn hảo với tinh thần là đảm bảo những gì tốt nhất Việt Nam có thể. Theo đó, khách nước ngoài đã thể hiện ấn tượng mạnh mẽ với tình hình an ninh trật tự tại Việt Nam, hình ảnh về con người Việt Nam.
|
“Cái được” được nhấn mạnh chính là sự tin tưởng, hài lòng tuyệt đối của lãnh đạo 2 nước Mỹ, Triều Tiên khi vấn đề an ninh, an toàn được đảm bảo. Để làm được điều đó theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không đơn giản. Đơn cử như việc sắp xếp lịch trình hoạt động của mỗi đoàn, nếu chỉ một khâu nào không tốt, phía bạn có thể huỷ hoạt động bất cứ lúc nào. Nhưng thực tế, tất cả các chương trình, các hoạt động dự kiến đều đã diễn ra suôn sẻ.
Thực tế, các phái đoàn nước bạn đã đi tham quan tại Đan Phượng (Hà Nội), tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Từ những hoạt động thực địa đó, phía bạn đã nhận ra những thành tựu Việt Nam đạt được khi gác lại hận thù, để cùng làm bạn, tiến lên. Triều Tiên bày tỏ sự tin tưởng về con đường Việt Nam đã lựa chọn, kiên trì thực hiện.
“Theo đó, đến Việt Nam, 2 nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên gặp nhau không phải với tư thế của hai cựu thù mà tinh thần rất chủ động, tích cực để thúc đẩy tiến trình hoà bình, hợp tác” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Ở mặt khác, sự kiện đặc biệt khi tiếp đón hàng nghìn nhà báo quốc tế cùng lúc tới tác nghiệp thì việc tổ chức hoạt động, vận hành trung tâm báo chí, cung cấp hạ tầng mạng, lo ăn việc ăn nghỉ… cũng là nhiệm vụ nặng nề.
“Kết quả, không ai có thể nói hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam không tốt được” – người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc mọi vị khách nước ngoài được đi lại tự do trong điều kiện an ninh, trong không khí hoà bình, được chào đón nồng nhiệt, tạo điều kiện tối đa… như vậy đã làm nổi bật ấn tượng về một thủ đô hoà bình, xanh đẹp như Hà Nội.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khái quát, dù chưa tổng hợp được cụ thể các chi phí bỏ ra tổ chức hội nghị nhưng có thể thấy phần đó không phải quá nhiều. Chính phủ cũng huy động nhiều doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm phục vụ hội nghị như một hãng chế biến thực phẩm nội cung cấp nước uống đóng chai, nước ép trái cây với công nghệ Mỹ, được đánh giá cao.
Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo thông tin thêm, về mặt truyền thông, tại phiên họp sáng nay, Thủ tướng đã đề cập một ý hay là bình thường để đưa hình ảnh của Việt Nam lên những hãng truyền thông lớn của thế giới có khi mất nhiều triệu USD nhưng trong dịp này, hình ảnh Việt Nam hiện diện khắp thế giới, sinh động và thuyết phục mà không mất chi phí gì.
Nói tiếp về những cái được” của Việt Nam từ sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều, bà Trịnh Thị Thuỷ - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thế thao & Du lịch khẳng định, với ngành du lịch, đây là một cơ hội lớn. Theo đó, từ đầu, Bộ Văn hoá đã vào cuộc một cách chủ động, phối hợp chặt chẽ các Bộ, ngành, nhất là với thành phố Hà Nội để xây dựng kế hoạch quảng bá hình ảnh Việt Nam cũng như Hà Nội trong dịp này.
Tại Trung tâm báo chí phục vụ hộ nghị có một không gian giới thiệu những thông tin cơ bản nhất về Việt Nam, về Hà Nội. Bộ đồng thời tổ chức cung cấp thông tin chủ động nhất, sẵn sàng tổ chức các tour du lịch miễn phí quanh Hà Nội và các tỉnh thành lân cận cho các phóng viên có nhu cầu.
“Chúng ta được rất nhiều từ sự kiện này. Về phía du lịch, Việt Nam tạo được dấu ấn rất tốt đẹp về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, khẳng định được Việt Nam là điểm đến an toàn, ấn tượng, tốt đẹp. Việt Nam có đầy đủ điều kiện và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện tầm quốc tế” – bà Thuỷ nói.
Hội nghị thượng đỉnh, theo đó, là cơ hội để tổ chức quảng bá du lịch hiệu quả là với gần 3000 phóng viên quốc tế có mặt, đó chính là những đại sứ sẽ giới thiệu cho Việt Nam, cho Hà Nội, qua các trang báo, các thước phim ảnh và cả qua trang cá nhân của mỗi người. Đây cũng là dịp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục có những sản phẩm du lịch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách quốc tế.
Theo Thứ trưởng Thuỷ, hiện Bộ Văn hoá đang tiếp tục chỉ đạo Tổng Cục Du lịch tiếp tục xúc tiến các hoạt động quảng bá, giới thiệu tới các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga… và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tham gia trong thời gian tới.
Trước đó, thông tin về nội dung được đề cập tại phiên họp Chính phủ sáng nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Tiều là cơ hội tuyệt vời với Việt Nam trên nhiều phương diện. Với vai trò nước chủ nhà, Việt Nam đã làm tốt trên nhiều phương diện: đảm bảo an toàn, an ninh; để lại ấn tượng sâu sắc với toàn thế giới chứ không chỉ 2 nước tham gia trong suốt 10 ngày tổ chức vì phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều địa phương như Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh…
Ông Dũng đánh giá, các hoạt động chuẩn bị, triển khai tổ chức hội nghị của các cơ quan rất tích cực, hiệu quả. “Thậm chí, khi chúng tôi lên Đồng Đăng, Lạng Sơn, người dân tự nguyện tháo dỡ mái che, lều bạt vì ý thức về sự gây vướng cho các hoạt động chứ không phải chính quyền phải đi làm nữa. Hình ảnh người dân vẫy chào, cờ hoa 2 bên đường phố Hà Nội, các lãnh đạo ai cũng có trong tay smart phone để ghi lại những cảnh lịch sử” – người phát ngôn Chính phủ chia sẻ.
Về kết quả hội nghị, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiệu quả của hội nghị thượng đỉnh không thể đánh giá trong một chốc một lát, trong một chốc một lát không thể giải quyết vấn đề ngay được. Quan trọng là hội nghị tạo ra định hướng cho tương lai và đề ra những giải pháp mạnh mẽ cho việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Hội nghị thể hiện vai trò của Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng, đóng góp ngày càng lớn cho cộng đồng quốc tế.
Sau hội đàm với Tổng thống Mỹ, các lãnh đạo Việt Nam cùng chứng kiến những hợp đồng kinh tế trị giá hơn 20 tỷ USD là con số ấn tượng.
“Khi ra sân bay rời Việt Nam rồi, Tổng thống Mỹ vẫn nhấn mạnh cảm ơn Tổng Bí thư, Thủ tướng và toàn thể người dân Việt Nam. Thời gian ở Việt Nam với ông Donald Trump là “trên cả tuyệt vời” – ông Mai Tiến Dũng nói.
Nói tiếp về những "cái được" của Việt Nam từ sự kiện hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, bà Trịnh Thị Thuỷ - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thế thao & Du lịch khẳng định, với ngành du lịch, đây là một cơ hội lớn. Theo đó, từ đầu, Bộ Văn hoá đã vào cuộc một cách chủ động, phối hợp chặt chẽ các Bộ, ngành, nhất là với thành phố Hà Nội để xây dựng kế hoạch quảng bá hình ảnh Việt Nam cũng như Hà Nội trong dịp này. Tại Trung tâm báo chí phục vụ hộ nghị có một không gian giới thiệu những thông tin cơ bản nhất về Việt Nam, về Hà Nội. Bộ đồng thời tổ chức cung cấp thông tin chủ động nhất, sẵn sàng tổ chức các tour du lịch miễn phí quanh Hà Nội và các tỉnh thành lân cận cho các phóng viên có nhu cầu. “Chúng ta được rất nhiều từ sự kiện này. Về phía du lịch, Việt Nam tạo được dấu ấn rất tốt đẹp về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, khẳng định được Việt Nam là điểm đến an toàn, ấn tượng, tốt đẹp. Việt Nam có đầy đủ điều kiện và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện tầm quốc tế” – bà Thuỷ nói. Hội nghị thượng đỉnh, theo đó, là cơ hội để tổ chức quảng bá du lịch hiệu quả là với gần 3000 phóng viên quốc tế có mặt, đó chính là những người đại sứ sẽ giới thiệu cho Việt Nam, cho Hà Nội, qua các trang báo, các thước phim ảnh và cả qua trang cá nhân của mỗi người. Đây cũng là dịp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục có những sản phẩm du lịch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách quốc tế. Theo Thứ trưởng Thuỷ, hiện Bộ Văn hoá đang tiếp tục chỉ đạo Tổng Cục Du lịch tiếp tục xúc tiến các hoạt động quảng bá, giới thiệu tới các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga… và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tham gia trong thời gian tới. |
Tác giả: Phương Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí