Tin trong tỉnh

Chi trả đền bù dự án mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Nghệ An - Bài 1: Sau gần 30 năm mới có kinh phí bồi thường

Cách đây gần 30 năm, một phần diện tích đất của hàng nghìn hộ dân tại Nghệ An nằm trong diện bị thu hồi để mở rộng QL1A nhưng chưa được đền bù về đất. Đến nay, Chính phủ bổ sung gần 1.300 tỷ đồng để tỉnh này chi trả cho người dân, song lại đang vướng mắc các khó khăn, phát sinh cần tháo gỡ. Tính đến thời điểm này, chỉ còn 4 tháng để tỉnh Nghệ An giải ngân, nếu không đúng tiến độ, số tiền này có thể bị Nhà nước thu hồi.

QL1A đoạn qua thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đang rà soát để chi trả đền bù diện tích đất bị thu hồi giải phóng mặt bằng thời kỳ 1994 - 1996. Ảnh: Điền Bắc.

Sau gần 30 năm, hàng nghìn hộ dân tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai và TP Vinh thuộc tỉnh Nghệ An nằm trong diện bị thu hồi đất để mở rộng QL1A đang đứng trước cơ hội được nhận tiền đền bù về đất, khi Chính phủ quyết định cấp cho tỉnh Nghệ An gần 1.300 tỷ đồng.

Chờ đền bù

Ngày 27/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1702/QĐ-TTg giao bổ sung 1.275 tỷ đồng dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho tỉnh Nghệ An để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), bao gồm cả phần chậm trả của các dự án mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Nghệ An. Ngay sau khi được Quốc hội, Chính phủ bố trí kinh phí, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện giải ngân theo đúng quy định.

Để có được phê duyệt này, nhiều năm qua các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân bị ảnh hưởng khi triển khai dự án nâng cấp, mở rộng QL1A từ năm 1994 - 1996 đã có kiến nghị, mong muốn được đền bù về đất. Họ cho rằng, việc không được đền bù về đất là thiệt thòi, do vậy, hàng trăm hộ dân đã có đơn thư kiến nghị. Trước thực trạng đó, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Nghệ An đã rà soát số lượng người dân bị ảnh hưởng, kiến nghị lên Trung ương để bố trí nguồn vốn chi trả.

Cụ thể, để thực hiện chi trả số tiền 1.275 tỷ đồng này, ngày 15/3/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 575/QĐ-UBND về việc thành lập ban chỉ đạo chi trả kinh phí bồi thường GPMB QL1A, đôn đốc các địa phương giải ngân số vốn được giao theo quy định, đảm bảo không phát sinh khiếu kiện. Tuy nhiên, sau khi có nguồn kinh phí thì quá trình tổ chức thực hiện lại gặp nhiều khó khăn phát sinh. UBND tỉnh Nghệ An đã báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách.

Theo thống kê, trong tổng số kinh phí được cấp là 1.275 tỷ đồng, TP Vinh được phân bổ 21,91 tỷ đồng; huyện Diễn Châu được phân bổ 512,3 tỷ đồng; huyện Quỳnh Lưu phân bổ 122,77 tỷ đồng và thị xã Hoàng Mai được phân bổ 618,02 tỷ đồng. Tính đến 31/7/2024, tổng hợp số liệu phê duyệt phương án bồi thường GPMB của các huyện đang rất thấp, gồm: thị xã Hoàng Mai là 42,82 tỷ đồng, Quỳnh Lưu là 70,615 tỷ đồng, Diễn Châu là 0 đồng, TP Vinh không có đối tượng đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ. Như vậy, sau hơn 5 tháng, tiến độ triển khai của các địa phương quá chậm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An tại các văn bản liên quan. Nguyên nhân do một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện.

Tiến độ giải ngân chậm

Theo quy định, tỉnh Nghệ An còn 4 tháng để giải ngân số tiền nói trên, nếu không sẽ rất khó thực hiện và có nguy cơ bị thu hồi. Trong khi đó, thực trạng chi trả không được như kỳ vọng, thậm chí là rất khó khăn, vướng mắc với nhiều lý do khác nhau. Đơn cử, tại huyện Diễn Châu, theo rà soát địa phương này có 1.549 hộ, cá nhân có đất sử dụng sau ngày 21/12/1982 cần được bồi thường, với 84.514m2, số tiền dự kiến phải chi trả là 508,6 tỷ đồng (trong đó, hơn 50% là tiền chậm trả).

Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Diễn Châu cho biết: Trước đây, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dọc QL1A chỉ có diện tích chứ không có bản đồ, hình thửa, vì thế việc xác định mốc giao đất gặp nhiều khó khăn.

Chưa kể, có những trường hợp mua đất cùng thời điểm nhưng khi làm hồ sơ cấp giấy trước thì được cấp bao gồm cả hành lang giao thông, nhưng hộ được cấp giấy sau thì đã trừ hành lang giao thông (không được bồi thường), vì thế đã phát sinh khiếu kiện. Ngoài ra, khi xây dựng dự án cầu Diễn Ngọc và đoạn mở rộng QL1A qua thị trấn từ năm 2004 - 2006 lại không nằm trong gói 1.275 tỷ đồng chi trả đợt này.

Tại TP Vinh, dự án nâng cấp, mở rộng QL1A chủ yếu ảnh hưởng tại xã Nghi Liên. Hiện nay, đã lập được hồ sơ cho 25 hộ, với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Đến thời điểm này, phương án mà UBND TP Vinh đưa ra vẫn chưa được phê duyệt. Tại huyện Quỳnh Lưu, dự án nâng cấp, mở rộng QL1A có chiều dài trên 12,2km, qua 6 xã, 1 thị trấn, với 1.718 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay huyện đã lập phương án bồi thường GPMB và chi trả cho 409 hộ tại 3 xã với trên 131 tỷ đồng, số còn lại là 1.309 hộ chưa được giải quyết.

Riêng thị xã Hoàng Mai, tính đến tháng 4/2024 đã rà soát được 973 hộ trong đó 569 hộ có đất sử dụng sau ngày 21/12/1982 có đơn, đã ban hành 544/569 văn bản trả lời cho 544 hộ không đủ điều kiện giải quyết, còn 25 hộ đang dự thảo trả lời. Điều đáng nói, nếu như tại phường Quỳnh Thiện và Mai Hùng, trong bản đồ trích đo GPMB dự án mở rộng, nâng cấp QL1A thể hiện đầy đủ phần diện tích bị ảnh hưởng của các hộ dân thì tại phường Quỳnh Xuân, trong số 118 hộ có đơn (126 thửa), chỉ có 11 hộ có trích lục phần diện tích bị ảnh hưởng. Còn lại 103 hộ, cá nhân có diện tích thu hồi trong phạm vi 13,5m nhưng bản trích đo không thể hiện, không đo vẽ phần diện tích bị ảnh hưởng.

Ông Phạm Văn Hào - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho rằng: Vướng mắc nhất trên địa bàn thị xã là ở phường Quỳnh Xuân, qua kiểm tra rà soát số hộ đủ điều kiện đến bù rất ít, số còn lại chưa đủ điều kiện vì bản trích đo không thể hiện, không đo vẽ phần diện tích bị ảnh hưởng.

(Còn nữa)

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP