Chiều 18/6, tại Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua ngân sách trung ương đã quan tâm nhiều hơn cho vùng này nhưng chưa đủ. ĐBSCL hiện còn thiếu hạ tầng, giao thông, chưa có cảng nước sâu, đường sắt, hệ thống đường thủy chưa phát triển đồng bộ.
Ông Dũng đề xuất phân bổ 45.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD) cho khu vực này trong 5 năm tới, nhằm đẩy nhanh các dự án cấp bách. Trong đó, một nửa lấy từ ngân sách, còn lại huy động từ những nguồn khác.
Chấp thuận đề xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ ngành và tỉnh thành nghiên cứu cơ chế huy động vốn, thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính, tạo lập các nguồn vốn đầu tư phát triển ĐBSCL.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị tối 18/6. Ảnh: Hữu Khoa. |
Theo Thủ tướng, ĐBSCL có cơ chế tài chính riêng thông qua việc huy động nguồn vốn ngoài nước, ODA và hoàn thành thể chế thu hút đầu tư tư nhân. "Nguồn lực đa dạng để cam kết bỏ vốn 2 tỷ USD tăng thêm sau giai đoạn 2016-2020, đầu tư các dự án mang tính liên vùng, đang là điểm nghẽn trong giao thông vận tải, biến đổi khí hậu và các quy hoạch vùng đã được phê duyệt", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò ĐBSCL với nền kinh tế cả nước, có sự tương hỗ với vùng TP HCM. Đầu tư cho ĐBSCL chính là đầu tư cho cả nước, TP HCM đầu tư cho ĐBSCL cũng là đầu tư cho chính mình.
Ông cho rằng, không hợp tác vùng thì các chính sách sẽ không thành công, trong đó cần phát triển các hướng liên kết ngang, liên kết dọc và sáng tạo. Thủ tướng giao TP HCM là "nhạc trưởng" điều phối cơ chế liên kết vùng, xây dựng cơ chế này và trình Chính phủ xem xét.
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, Thủ tướng nhận xét đã đạt được kết quả quan trọng. Song, khối lượng công việc còn nhiều, phải làm tốt hơn nữa, huy động thêm trí tuệ của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương nhận thức biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống của người dân Đông Nam Á. Ở Việt Nam, nhiều cơn bão lớn, nhiệt độ tăng kỷ lục, triều cường vượt mốc lịch sử liên tục xảy ra. Việt Nam cũng là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. ĐBSCL tiếp tục có những diễn biến phức tạp, sinh kế của hàng chục triệu người miền Tây đang đứng trước nguy cơ lớn, song vượt qua được thì đó là cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hữu Khoa. |
Tại hội nghị, nhiều bộ trưởng nêu đề xuất cơ chế cho ĐBSCL trong lĩnh vực mình quản lý. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sắp tới tập trung hoàn thành các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng đã được bố trí vốn.
Ở đường bộ, các tuyến quốc lộ, cao tốc trục dọc, trục ngang sẽ xây dựng hoàn chỉnh để kết nối TP HCM với các tỉnh ĐBSCL, bao gồm: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu... và nâng cấp các tuyến quốc lộ 30, 53, 54, 57, 61.
Bộ Giao thông sẽ hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 tại TP HCM, kết nối thành phố với các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Dự án phát triển hành lang đường thủy và logictics khu vực phía Nam bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới dự kiến sẽ khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2025.
Với đường hàng không, ông Thể nói sẽ nghiên cứu nâng cấp công suất sân bay quốc tế Phú Quốc, khuyến khích các hãng hàng không mở thêm đường bay mới kết nối sân bay Cần Thơ với các tỉnh thành khác.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, bằng ngân sách của Chính phủ về nhà ở, hiện có hơn 279.000 căn hộ được xây mới hoặc sửa chữa cho hơn 1,1 triệu người dân ĐBSCL.
Ông Hà xin Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp các địa phương lập đề án phát triển nhà ở an toàn, thích ứng với cả tình trạng ngập lũ, sạt lở và hạn hán, xâm nhập mặn. Ông Hà cũng xin bổ sung chính sách hỗ trợ từ ngân sách vượt trội hơn chính sách hiện hành để thực hiện dự án cấp nước an toàn cho vùng.
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, quan hệ kinh tế giữa TP HCM và khu vực Tây Nam Bộ "sâu đậm" hơn so với Đông Nam Bộ. Mỗi năm thành phố có hơn 1,5 triệu người nhập cư thì phần lớn là người miền Tây. "Do đó, quy hoạch kinh tế TP HCM phải đặt trong miền Tây Nam Bộ và cả Đông Nam Bộ".
Theo ông Nhân, giao thông yếu kém là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của ĐBSCL nên Nhà nước cần có cơ chế đặc thù phát triển giao thông vùng này. Ông đề xuất, với hơn 80% ngân sách mà TP HCM nộp về Trung ương, sẽ trích lập một quỹ 20% trong số đó để phát triển giao thông. Hệ thống này sẽ phục vụ hạ tầng kết nối giữa Tây Nam Bộ - TP HCM - Đông Nam Bộ.
Gần một nghìn đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Hữu Khoa. |
Hội nghị cũng nhận được ý kiến từ hơn 10 bí thư các tỉnh thành ĐBSCL, các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học hiến kế cho vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và phát triển nông nghiệp bền vững cho khu vực này.
Phát triển bền vững ĐBSCL được Đảng và Chính phủ quan tâm sát sao trong nhiều năm qua. Ngay sau Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 và chương trình hành động tổng thể thực hiện nghị quyết.
ĐBSCL chiếm 19% dân số cả nước, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây cả nước. Khu vực này cũng chiếm 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn đầu tư công kế hoạch trung hạn tại ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 (chưa gồm 10% dự phòng) là gần 194.000 tỷ đồng - chiếm 16,53% cả nước, chủ yếu đầu tư cho nông nghiệp, giao thông và y tế. Trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là gần 80.000 tỷ, còn lại là vốn cân đối ngân sách địa phương.
Tác giả: Mạnh Tùng
Nguồn tin: Báo VnExpress