Thế giới

Chính quyền quân sự Myanmar bắt lãnh đạo nhiều siêu thị vì bán gạo giá cao

Chính quyền quân sự Myanmar bắt nhiều lãnh đạo các chuỗi siêu thị tại nước này với cáo buộc bán gạo giá cao, trong bối cảnh nhiều cuộc trấn áp được thực hiện nhằm ổn định giá cả.

Một cửa hàng Aeon Orange tại thành phố Yangon, Myanmar - Ảnh: NIKKEI ASIA

Truyền thông nhà nước Myanmar ngày 1-7 cho biết có bốn lãnh đạo các chuỗi siêu thị tại Myanmar, trong đó có một giám đốc của chuỗi Aeon Orange liên doanh với Nhật Bản, đã bị bắt vì bán gạo với giá cao.

Kể từ cuộc đảo chính vào tháng 2-2021, đất nước Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn với nhiều cuộc xung đột của chính quyền quân sự và quân nổi dậy. Chính quyền Myanmar hiện đang nỗ lực ổn định nền kinh tế với giá cả tăng nhanh, Hãng tin Reuters đưa tin.

Theo báo Global New Light (Myanmar), các quan chức cho biết họ đã bắt 11 người, bao gồm nhiều nhà buôn gạo, viên chức từ các nhà máy xay xát gạo, cùng một số người bán lẻ gạo, cáo buộc họ đang bán mặt hàng thiết yếu này với giá cao hơn từ 31-70% so với mức quy định.

Chính quyền quân sự Myanmar mất kiểm soát một số vùng lãnh thổ rộng lớn?
Báo Nikkei Asian cũng đưa tin phía điều hành chuỗi siêu thị Nhật Bản Aeon ngày 1-7 xác nhận một nhân viên cấp cao của họ tại chi nhánh ở Myanmar đã bị chính quyền quân sự nước này bắt giữ.

Nhân viên bị bắt có tên Hiroshi Kasamatsu, 53 tuổi, hiện đang làm việc cho Aeon Orange tại Myanmar.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại Tokyo thông tin với báo chí rằng một công dân Nhật Bản đang bị cảnh sát Myanmar thẩm vấn ở thành phố Yangon.

"Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tiếp tục thực hiện các bước phù hợp nhằm duy trì liên lạc với công ty mà công dân Nhật Bản đang làm việc, đồng thời đưa ra những hỗ trợ cần thiết, cùng lúc đó kêu gọi chính quyền địa phương sớm thả người này", ông Hayashi nói.

Theo Reuters, chuỗi siêu thị Aeon Orange tại Myanmar là một liên doanh giữa Công ty Aeon của Nhật Bản và Công ty Creation Myanmar có trụ sở tại Yangon.

Người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar đã không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong bối cảnh bạo lực leo thang, nạn nghèo đói ở Myanmar trong 6 năm qua đang lan rộng hơn bao giờ hết. Tình trạng thiếu lao động và đồng tiền mất giá tại quốc gia này đã khiến hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn.

Hồi tháng 6, chính quyền quân sự Myanmar cũng đã bắt giữ ít nhất 35 người, trong bối cảnh diễn ra nhiều cuộc trấn áp nhắm đến các nhà buôn vàng và ngoại hối, cũng như các đại lý bán bất động sản nước ngoài, khi chính quyền này đang nỗ lực ổn định lại tiền trong nước đang mất giá nhanh.

Tác giả: NGHI VŨ

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP