Nhân viên của Co.opMart Rạch Miễu, quận Phú Nhuận (TP.HCM) đi chợ hộ khách đặt mua online - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Trong khi các chợ tự phát phải tạm ngưng hoạt động nhằm phòng chống dịch, vào các siêu thị phải chen chúc với nhiều nguy cơ nhiễm dịch, không ít người chọn dịch vụ đi chợ hộ, mua thực phẩm và hàng hóa cần thiết online.
Theo Sở Công thương TP.HCM, với hơn 2.550 điểm bán có hình thức giao hàng trực tuyến, nguồn hàng đã được các siêu thị, cửa hàng phân bổ cho mảng online tăng cường gấp 2 - 5 lần so với trước.
Vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm
Sau một vài ngày đầu lúng túng lo cho bữa ăn hằng ngày của cả gia đình khi siêu thị gần nhà phải tạm đóng cửa và khu chợ tạm cách đó không xa cũng bị giăng dây để phòng chống dịch, chị Trang (TP Thủ Đức, TP.HCM) được một đồng nghiệp trẻ tư vấn và hướng dẫn chuyển sang "đi chợ" trên một ứng dụng gọi xe. Và chỉ sau vài ngày, chị đã thành thục cách mua hàng qua mạng cũng như tìm thực phẩm, hàng hóa cần thiết có giá tốt.
"Chỉ cần vào ứng dụng này, tôi dễ dàng chọn siêu thị, cửa hàng gần nhà, sau đó chọn thực phẩm theo từng nhóm như thịt, hải sản, rau củ, trái cây… và chọn thanh toán qua thẻ. Mấy bữa nay, các siêu thị còn có mã giảm giá, mỗi đơn hàng cũng được khuyến mãi vài chục ngàn đồng, tính ra còn lợi hơn mình đi đến siêu thị", chị Trang chia sẻ.
Cách nay hơn một tháng, sau vài lần nghe cơ quan chức năng thông báo "tìm người đến siêu thị" do liên quan ca F0, chị Thanh (Q.7) bắt đầu tìm hiểu và chuyển qua đi chợ gián tiếp, đặt mua hàng qua điện thoại siêu thị gần nhà và thanh toán bằng ví điện tử.
"Bình thường siêu thị không nhận giao hàng tươi sống như thịt, cá nhưng bây giờ mua gì cũng giao và giao rất nhanh nên hàng nhận rất tươi ngon. Nhân viên cũng rất nhiệt tình, có hôm nhân viên siêu thị tư vấn có loại tôm tươi đang được khuyến mãi, mua về rất hài lòng", chị Thanh kể.
Các hệ thống bán lẻ đều đang nỗ lực đa dạng hóa hình thức mua sắm gián tiếp cho khách hàng nhằm hạn chế tiếp xúc đông người mà khách hàng vẫn mua sắm với hàng hóa chất lượng bảo đảm. Thông qua một loạt ứng dụng như Grab, Now, Baemin, Foody, Zalo…, người tiêu dùng ở TP.HCM có thể dễ dàng "đi chợ", chọn thực phẩm, hàng thiết yếu và chờ giao tới tận nhà.
Ngoài ra, cũng có thể mua hàng trên các website, trang mạng xã hội, đường dây nóng chăm sóc khách hàng, điện thoại của mỗi siêu thị hoặc sử dụng dịch vụ đi chợ hộ… Cách thức mua sắm tiện lợi, nhanh chóng này được đón nhận; lượng đơn hàng tăng vọt đến mức nhiều thời điểm có ứng dụng bị quá tải, cửa hàng online phải để chế độ "tạm đóng cửa" nhằm tập trung xử lý đơn hàng.
Dồn nguồn hàng cho online
Theo đại diện Saigon Co.op, trong khi lượng khách đến mua sắm ở hệ thống Co.opFood tại TP.HCM tăng khoảng 20%, lượng đặt hàng qua điện thoại, online lại tăng gấp 3 lần so với trước.
Tại một số siêu thị Co.op ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn hàng giao tận nhà tăng mạnh gấp 4 - 5 lần, như siêu thị Co.opMart Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) có đơn hàng qua điện thoại tăng đến 5 lần.
Mức tăng trưởng đơn hàng qua app của siêu thị Emart cũng gấp 3 - 4 lần so với trước, khách chủ yếu mua nhu yếu phẩm. Hệ thống Big C, Go!, Tops Market có đơn hàng tăng 100 - 200% tùy ngày và chủ yếu ở khu vực TP.HCM. Aeon VN cũng ghi nhận mua sắm qua ứng dụng tăng gấp 4 - 6 lần về số lượng đơn hàng và giá trị mỗi giỏ hàng…
Tại hệ thống Satra, các đơn hàng online, mua hàng qua điện thoại cũng tăng trưởng hơn 2 con số trong hai tuần gần đây. Siêu thị Sài Gòn (thuộc Satra) cũng đã triển khai bán hàng trực tuyến trên ứng dụng G1-Mart, nhận đặt hàng qua số điện thoại hotline, giúp người tiêu dùng dễ dàng có những thực phẩm tươi ngon mà không phải đến trực tiếp mua sắm.
"Chúng tôi cũng sắp xếp lại kho hàng để tăng diện tích sử dụng, đa dạng nguồn cung đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giao hàng tận nhà nhanh chóng" - đại diện Satra nói. Đồng thời cho biết hệ thống cũng nhận giao các đơn hàng lớn cho các địa phương, khu cách ly, điểm phong tỏa bằng cách liên hệ và gởi đơn hàng trước một ngày qua các số hotline.
"Đơn hàng đổ về siêu thị rất nhiều, nhân viên đi chợ hộ phải xử lý nhanh, nếu không tài xế sẽ tập trung rất đông. Nếu món hàng khách chọn mua không còn, nhân viên phải gọi điện thông báo đổi món khác. Đơn hàng xử lý lâu, tài xế phải xếp qua lượt khác" - anh Tùng, một shipper, giải thích.
Các nhân viên văn phòng tại quận 1 (TP.HCM) nhận hàng mang đến qua mua online - Ảnh: TỰ TRUNG |
Giải tỏa áp lực kênh truyền thống
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, giám đốc truyền thông Central Retail VN, cho biết giá niêm yết các mặt hàng được bán trên kênh online cũng là giá bán ở siêu thị. Người tiêu dùng được hưởng đầy đủ các chương trình khuyến mãi khi mua hàng online. Từng bộ phận ngành hàng đều có nhân viên phụ trách giúp khách chọn thực phẩm, hàng hóa đảm bảo chất lượng, đúng yêu cầu. Nhà bán lẻ này cũng bổ sung nhân lực hỗ trợ, mở rộng hệ thống để đảm bảo thời gian giao hàng như cam kết.
Trong khi đó, để đáp ứng lượng đơn hàng qua điện thoại tăng cao, chuỗi Co.opFood cho tăng cường nhân sự tiếp nhận đơn hàng, điều chuyển từ những bộ phận khác. Các cửa hàng cũng bổ sung rất nhiều nhân viên ngành hàng trực tiếp soạn đơn hàng cho khách và tăng thêm nhân viên giao hàng. Một số nhân viên cũng tình nguyện trở thành shipper để giao hàng cho kịp hẹn với khách.
"Nhạy cảm nhất là khâu giao hàng cho các khu cách ly. Các shipper chuyên nghiệp có tâm lý e ngại giao hàng đến khu cách ly dịch nên nhân viên phải trực tiếp giao hàng. Công việc này đòi hỏi nhân viên phải vượt qua được áp lực tâm lý lớn mới có thể xung phong thực hiện", đại diện Co.opFood cho biết.
Phương thức đi chợ hộ, mua sắm online không chỉ giúp bà nội trợ mua sắm an toàn trong thời điểm giãn cách mà còn tiết kiệm hơn nhờ nhiều chương trình khuyến mãi. Nhiều nhà bán lẻ giao hàng miễn phí, một số nơi còn tặng mã giảm giá, miễn phí vận chuyển khi đơn hàng đạt giá trị tối thiểu. Với hình thức khuyến mãi này, người tiêu dùng mua hàng qua app, web sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với mua sắm trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng.
Theo Sở Công thương TP.HCM, để giảm tải gánh nặng chợ truyền thống và siêu thị, cơ quan này đã có văn bản yêu cầu các đơn vị phân phối, doanh nghiệp đẩy mạnh hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến, phổ biến rộng rãi đến người dân trên các hệ thống cửa hàng, siêu thị có kênh đặt hàng trực tuyến. Các doanh nghiệp đẩy mạnh hình thức đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, ưu tiên hiển thị các sản phẩm phòng dịch, nhu yếu phẩm để người dân dễ tiếp cận và mua sắm.
"Với hình thức mua sắm tiện lợi này, người dân không phải ra các chợ tạm hay hạn chế đến siêu thị mà vẫn lo đầy đủ bữa ăn cho gia đình", đại diện cơ quan này cho biết.
Thực phẩm tươi sống online Theo sàn thương mại điện tử Lazada, sau một tháng kể từ khi dịch bùng phát, xu hướng mua sắm hàng hóa có nhiều thay đổi. Việc mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã trở thành một thói quen mới của người tiêu dùng khi số lượng người mua và sức mua mỗi ngày, bao gồm số lượng đơn hàng và số lượng sản phẩm bán ra, đều tăng gần 70%. Người tiêu dùng mua đa dạng các mặt hàng từ rau củ, thịt cá và trái cây tươi, đặc biệt là nho, táo, vải thiều... So với tháng 5-2021, các từ khóa được tìm kiếm thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh ghi nhận sự tăng trưởng cao nhất toàn sàn, trong đó các từ khóa của nhóm hàng bách hóa - thực phẩm nổi bật hơn hết với mức tăng lên tới 40%. Sàn Tiki cũng ghi nhận số lượng đơn hàng của ngành hàng thực phẩm tươi sống có mức tăng trưởng gấp 2 lần so với thời gian trước giãn cách. Thống kê của nền tảng Grab VN cho thấy từ ngày 30-5 đến nay, 10 mặt hàng bán chạy nhất trên GrabMart chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm có thể bảo quản lâu hoặc bổ dưỡng cho sức khỏe như sữa, mì ăn liền, miến ăn liền, sữa bột, nho không hạt… |
Tác giả: Như Bình
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ