2 mẹ con bị phong tỏa ở 2 nơi
Nguyễn Thu Uyên hiện là sinh viên năm cuối tại một trường Cao đẳng trên địa bàn TPHCM. Cuối tháng 5, Uyên chuẩn bị mọi thứ để bắt đầu kỳ thực tập cuối khóa vào ngày 31/5. Đúng lúc ấy, TPHCM bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 15 từ ngày 30/5.
Đến giữa trưa 30/5, nhà trường hỏa tốc ra thông báo tạm hoãn kỳ thực tập. Nhưng lúc này Uyên đã không còn kịp bắt xe về quê ở Đắk Nông, cô sinh viên trẻ kẹt lại TPHCM từ đó.
Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi chỗ làm thêm của Uyên phải đóng cửa nghỉ bán. Uyên mất nguồn thu nhập và phải ăn dần vào số tiền lương ít ỏi tháng trước còn sót lại.
Nào ngờ, Uyên lại gặp thêm tình huống dở khóc dở cười khi vừa chuyển trọ từ Hóc Môn sang Quận 12 để tìm việc làm mới được mấy hôm thì cả khu trọ bị phong tỏa.
"Tôi còn nhớ rõ đó là buổi tối 4/7, đang ăn cơm thì có nhiều người vô hỏi thông tin về một anh trọ gần đó. Cứ tưởng tìm người thôi, nào ngờ sáng dậy thấy cái rào ngay trước nhà, cả khu trọ bị phong tỏa vì quá nhiều người tiếp xúc với ca dương tính này", Uyên kể.
Ngày đầu, Uyên lấy hết tiền dành dụm nhờ mẹ mua đồ ăn tiếp tế vào cho mình. Éo le hơn là chỉ mấy hôm sau, khu trọ của mẹ Uyên ở Hóc Môn cũng bị cách ly, không còn ai giúp đỡ.
Cô sinh viên 20 tuổi cùng mẹ kẹt lại Sài Gòn những ngày giãn cách mà chẳng thể giúp đỡ gì cho nhau (Ảnh: NVCC). |
"Tôi đã mất hẳn thu nhập từ tháng trước. Giờ vét hết bóp chỉ còn được vài ngàn đồng tiền lẻ nên ai cho gì thì ăn đó, cả hai mẹ con đều dính phong tỏa ở đất khách quê người nên cũng không giúp được gì cho nhau...", Uyên tâm sự.
Đã nửa tháng bị bó buộc trong căn phòng trọ nhỏ, cô sinh viên mới 20 tuổi luôn sống trong tâm trạng rầu rĩ, lo lắng. Ở đầu mỗi phòng trọ, rác thải chất đống vì không ai dám vào khu trọ để thu gom, bốc mùi hôi thối nồng nặc tra tấn mọi người cả ngày lẫn đêm…
Uyên thở dài ngao ngán, không biết đến khi nào được gỡ phong tỏa, khi nào dịch bệnh ổn định hơn, khi nào mới được ra trường, được đi làm để trang trải cuộc sống...
Rác thải chất đống trước cửa từng nhà, mùi hôi nồng nặc cả ngày lẫn đêm (Ảnh: NVCC). |
Dành cho Sài Gòn sự biết ơn chân thành
Cô sinh viên Nguyễn Thu Uyên tâm sự: "Khó khăn nhiều nhưng nhờ những ngày này Uyên mới có được những trải nghiệm đặc biệt và thêm yêu đất Sài thành!".
Ngay khi rào chắn vừa được dựng lên, chủ nhà trọ đã chuẩn bị 13 phần quà gồm mì gói và trứng chia cho cả khu trọ 13 phòng dự trữ.
Cả "gia tài" của Uyên vừa mua, vừa được tặng trong ngày đầu tiên bị phong tỏa (Ảnh: NVCC). |
Hôm khu trọ bị phong tỏa, Uyên bị đau răng dữ dội sưng hết cả bên mặt. Cô chạy ra đầu hẻm nhờ bác dân quân trực chốt mua thuốc hộ nhưng bác không thể bỏ chốt mà đi.
Biết sự việc, cô chủ nhà liền gọi điện thoại trấn an Uyên rồi vài phút sau cô đem thuốc tới.
"Mỗi ngày, mình đều thấy rất xúc động khi cô nhắn tin thăm hỏi, động viên cả khu trọ cùng nhau cố gắng...", Uyên nghẹn ngào.
Theo Uyên, có được gói mì và cái trứng ăn 3 bữa đã là quá may mắn so với nhiều người (Ảnh: NVCC). |
2 tuần trôi qua, nguồn thực phẩm được hỗ trợ cạn dần, chỉ còn mì gói và trứng nhưng Uyên vẫn thấy rất ấm lòng.
Uyên kể: "Chủ yếu ở đây được phát mì gói vì để được lâu. Đôi khi có mạnh thường quân đến cho thêm bó cải hay bó rau muống".
Sáng nay, Uyên khoe mới được mạnh thường quân nào đó gửi tặng phong bì tận 300.000 đồng, Uyên mừng rơi nước mắt. Bởi đó là số tiền đến đúng lúc Uyên chỉ còn vài nghìn đồng trong túi, giúp cô an tâm vượt qua những ngày cách ly còn lại.
Uyên tâm sự: "Dù không rõ những người cho phong bì là ai, Uyên vẫn thấy ấm áp tình người và dành cho họ, cho đất Sài Gòn sự biết ơn chân thành nhất".
Uyên dùng số tiền này để mua dầu gội, kem đánh răng và những vận dụng hằng ngày vì chúng đều đã cạn kiệt (Ảnh: NVCC). |
Giờ Uyên chỉ mong trong lần xét nghiệm sắp tới, cả khu trọ đều âm tính để được gỡ phong tỏa vì mọi đã quá khó khăn rồi.
Uyên cho biết khi đó, bạn sẽ lập tức tham gia hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm, nhập liệu cho quận 12 vì bạn thấy mình đã "nhận đủ" nên cần phải "cho đi".
Tác giả: Phương Nhi
Nguồn tin: Báo Dân trí