Ngày 8/11, lãnh đạo Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM xác nhận với Dân trí, vừa qua nơi đây đã xảy ra một sự việc đau lòng, khiến một bệnh nhân tử vong.
Theo thông tin bệnh viện cung cấp, bà U. (53 tuổi) nằm tại khoa Nội Tổng hợp hơn một tháng qua để điều trị tổn thương phổi, huyết khối tĩnh mạch chi dưới sau mắc Covid-19. Suốt thời gian này, bà được chồng là ông Đ. trực tiếp chăm sóc. Ông Đ. cũng từng là F0.
Sáng 4/11, khi thấy người nuôi bệnh ở các giường bên cạnh đã ra ngoài hết, ông Đ. bất ngờ chốt cửa phòng, lấy dây điện chuẩn bị sẵn, cắm điện và chích vào người vợ. Sau đó, ông tiếp tục lấy dây điện quấn vào người với ý định tự sát. Lúc này, người thân của bệnh nhân khác trở về, phát hiện sự việc nên hô hoán báo các nhân viên y tế vào ngăn chặn.
Dù được các bác sĩ tận tình cấp cứu, tuy nhiên bà U. đã tử vong vì ngưng tim ngưng thở trước đó. Riêng người chồng chỉ bị bỏng vùng tay và thoát chết.
Liên quan đến sự việc, đại diện đội Tham mưu Tổng hợp, Công an Quận 8 (TPHCM) cho biết, công an quận đang thụ lý vụ việc chồng chích điện vợ tử vong rồi tự tử bất thành ngay trong bệnh viện. Trước đó, sau khi nhận tin báo, công an đã đến hiện trường trích xuất camera, lấy lời khai người chứng kiến.
Ông Đ. cũng được đưa về trụ sở công an làm việc. Khai với công an bước đầu, người chồng thừa nhận hành vi chích điện nạn nhân, với lý do vì bà U. bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn nên nảy sinh ý định muốn giúp vợ và mình được "giải thoát".
Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê). |
Bác sĩ Phan Nhật Khánh, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, trong thời gian nuôi bệnh, ông Đ. không có biểu hiện bất thường về tâm lý. Bản thân người vợ cũng có bảo hiểm chi trả viện phí 100%. Ngoài tổn thương phổi, bà Y. có tiền sử nhồi máu não từ 10 năm trước và thời gian này người chồng cũng nuôi vợ. Khi vào viện, bà đã yếu, liệt tay chân, không thể tự chăm sóc và không tiếp xúc được.
"Không biết hoàn cảnh cụ thể nên không thể khẳng định được vấn đề của họ là gì. Bệnh nhân "hậu Covid-19" dù âm tính nhưng di chứng tổn thương phổi còn lâu dài. Bác sĩ chỉ có thể động viên gia đình cố gắng an tâm điều trị cho bệnh nhân, vì đây là cuộc chiến của cả bệnh nhân và gia đình" - lãnh đạo bệnh viện nói.
Tác giả: Hoàng Lê
Nguồn tin: Báo Dân trí