Cuộc sống

Chồng vào bếp: thêm gia vị tình yêu cho bữa cơm nhà

“Tôi vào bếp không chỉ giúp vợ con một tay để cả nhà có bữa cơm ngon miệng, mà đó còn là sở thích của chính mình” - anh Phạm Đỗ Đoan chia sẻ.

Anh Phạm Đỗ Đoan thường xuyên vào bếp nấu ăn cho gia đình - Ảnh: K.ANH

Muốn gia đình hạnh phúc thì cả hai vợ chồng cùng vun vén chứ không riêng gì một ai. Thiếu vắng bữa cơm gia đình là thiếu đi cơ hội để chia sẻ cùng nhau những vui buồn cuộc sống.

Tiến sĩ xã hội học PHẠM THỊ THÚY

Công việc của bà xã anh Đoan rất bận bịu, khiến chị khó có nhiều thời gian dành cho gia đình. Việc đi chợ, vào bếp anh Đoan vẫn thường đảm nhận, chỉ trừ những chuyến anh phải đi công tác xa.

Phụ vợ một tay

"Tôi thấy mình nấu ăn ngon nên vào bếp, có gì đâu mà phân biệt chồng hay vợ" - anh Đoan cho hay. Những khi anh nấu nướng, vợ anh phụ những việc lặt vặt. Tiếng xào nấu, trò chuyện giữa hai vợ chồng và hai cô con gái khiến gian bếp ấm cúng hơn.

Anh Đoan nói mình vào bếp cũng là vì một phần anh thường rủ bạn về nhà ăn uống. "Rủ bạn về nhà mà bắt bà xã vào bếp phục vụ thì cũng không hay, nếu mình nấu ăn được thì tốt hơn. Mình đi công tác nhiều vùng miền, được thưởng thức nhiều món ngon và tập nấu, dần dần thành ra quen" - anh Đoan chia sẻ.

Anh Nguyễn Dũng là bộ đội chuyên nghiệp, thường xuyên phải trực xa nhà. Mỗi lần được về với gia đình, anh luôn giành phần vào bếp, cho vợ con được thưởng thức những "món tủ" của anh. Không chỉ vậy, anh còn tranh thủ đảm đương các việc giặt quần áo, lau nhà... trong những ngày về phép.

Anh nói: "Lâu lâu mới về nhà, giúp vợ con một tay nên rất vui. Bữa cơm do mình nấu cho vợ con cùng thưởng thức sẽ thấy ấm áp hơn. Hạnh phúc cũng giản đơn như vậy thôi, đâu cần phải cao lương mỹ vị".

Gắn kết yêu thương

Tọa đàm "Bữa cơm gia đình - tổ ấm hạnh phúc" do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM vừa tổ chức cho thấy tầm quan trọng của bữa cơm gia đình trong gìn giữ hạnh phúc. Nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh đã khẳng định gia vị của tình yêu bắt đầu từ trong gian bếp: "Nếu bố mẹ cùng nấu ăn cho con cái, điều đó quá hạnh phúc. Chúng ta nên duy trì bữa cơm có đầy đủ các thành viên.

Bữa cơm gia đình có thêm ông bà nữa càng trở nên đầm ấm vì trong bữa cơm, chúng ta còn trò chuyện chia sẻ với nhau về một ngày đi học, đi làm. Người già thì chia sẻ kinh nghiệm sống cho con trẻ".

Còn chị Lê Thị Lan Phương kể trong gia đình chị ai cũng bận công việc, con cái bận đi học, nên thống nhất duy trì bữa cơm vào buổi tối. "Để ngày nào cũng có bữa cơm chung, các thành viên trong gia đình mình phải phân công nhau. Hễ ai về sớm thì người đó vào bếp, và chồng mình thường xuyên vào nấu ăn.

Anh ấy cũng thường sáng tạo để chế biến ra những món ăn phù hợp khẩu vị và sở thích của từng thành viên trong nhà" - chị Phương nói.

Tại tọa đàm, anh Huỳnh Hữu Hạnh đã chia sẻ về ký ức những bữa cơm của anh cùng gia đình thời còn khó khăn, đó là những ngày tháng cha anh đi bộ đội nên bữa cơm thường xuyên vắng bóng cha.

Khi lập gia đình, anh mới cảm nhận hết sự ấm áp khi cùng có bữa cơm gia đình bên vợ con. "Chúng tôi thường xuyên duy trì mỗi ngày một bữa cơm chung để cùng ăn và chia sẻ những vui buồn trong ngày mà mỗi thành viên gặp phải" - anh Hạnh nói.

Đừng "sửa sai" vào bữa ăn

Gia đình cùng vào bếp tại một hội thi nhân Ngày gia đình Việt Nam 28-6 - Ảnh: K.ANH

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (cơ sở TP.HCM), cho rằng trong bữa cơm không nên nói những điều không hay không tốt không vui đối với các con.

"Đặc biệt là những điều trách mắng hay sửa sai thì nên nói riêng vào lúc khác. Bữa ăn sẽ tạo hồn và lửa ấm cho gia đình. Trong đó, thái độ chúng ta đối với nhau khi nấu bữa ăn hoặc cùng ngồi vào bữa ăn chung rất quan trọng.

Trong quá trình tư vấn tâm lý nhiều năm qua, tôi cũng nhiều lần được biết trong những gia đình đổ vỡ, họ rất ít có bữa ăn chung, ít có thời gian chia sẻ cùng nhau" - bà Thúy chia sẻ.

Tác giả: Kim Anh

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ Online

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP