Thể thao

Chốt hành trình chấn động Đông Nam Á, Việt Nam có gì cho giấc mơ World Cup?

Hành trình của ĐTVN tại vòng loại thứ ba World Cup đã kết thúc theo cách không thể đẹp hơn bằng trận hòa trước Nhật Bản. Song sau trận hòa ấy còn nhiều điều để cùng suy nghĩ...

Hãy bắt đầu bằng chàng trai đã ghi bàn thắng lịch sử ngày hôm qua: Thanh Bình. Hôm nay người hâm mộ bóng đá Việt Nam gọi tên trung vệ 21 tuổi như một người hùng, một người đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi làm tung lưới Nhật Bản ở cấp độ đội tuyển quốc gia, tạo ra trận hòa đầu tiên với đối thủ 7 lần dự World Cup.

Nhưng Thanh Bình, bạn còn nhớ không? Chính anh là người đã mắc 2 lỗi nghiêm trọng cùng một hoàn cảnh để cho Vũ Lỗi ghi 2 bàn giúp Trung Quốc thắng 3-2 hồi tháng 10 năm ngoái. Có bao nhiêu người khen Thanh Bình hôm nay, đã buông lời quở trách anh hôm đó?

Và giả sử nếu như thầy Park chiều theo những tiếng thịnh nộ của đám đông để khép vĩnh viễn cánh cửa đội tuyển lại trước mặt Thanh Bình? Nếu như thầy Park không dũng cảm, nếu như thầy Park không cương quyết đặt niềm tin vào Thanh Bình, thì sao?

Thật sợ hãi khi nghĩ đến những chữ Nếu ấy. Vì chữ Nếu mà thành sự thật thì bóng đá Việt Nam đã mất đi một viên ngọc sáng của tương lai (trung vệ số 14 năm nay mới 21 tuổi), cũng như chưa chắc đêm qua đội tuyển đã có niềm vui với Nhật Bản, cùng một lời chia tay thật đẹp.

Lần đầu đá vòng loại cuối World Cup khu vực châu Á, ĐTVN có 1 chiến thắng trước Trung Quốc, 1 trận hòa trước Nhật Bản. Đây là thành tích tốt nhất một đội Đông Nam Á từng làm được!

Người hâm mộ nhìn Thanh Bình, nhìn sự trở lại của Nguyên Mạnh, của Tấn Trường, để học cách bao dung, để học cách nhìn tổng thể hơn là độc địa. Huyền thoại Johan Cruyff từng nói: "Bóng đá là trò chơi của những sai lầm. Hễ bên nào phạm ít sai lầm hơn, bên đó giành chiến thắng". Nếu không hiểu được điều ấy, thì cũng là lúc người hâm mộ bóng đá Việt Nam vô tình đào mồ chôn những tài năng trẻ, nhưng lại luôn miệng nói về đào tạo trẻ.

Đã nhắc đến đào tạo trẻ, thì đấy cũng là một bài học lớn khi nhìn vào vòng loại World Cup năm nay. Tháng 11/2021, sau khi thua 0-1 trước Nhật Bản trên sân Mỹ Đình, thầy Park Hang-seo đã có một chia sẻ, ông nói "Muốn làm bóng đá trẻ phải có từng lứa tuổi trẻ, phải làm từng giai đoạn, phải kết hợp từ nhiều bên"...

Đó là lúc HLV trưởng của tuyển Việt Nam bất lực trước việc đi tìm các nhân tố mới khi những Tiến Linh, Đức Chinh, Công Phượng đang có dấu hiệu chững lại. Còn bên dưới là nỗi trống vắng khi Hùng Dũng, Văn Hậu, Trọng Hoàng… bị chấn thương không thể lên tuyển.

Sự trăn trở được chỉ ra ở V-League, nơi có rất ít cầu thủ U22 được thi đấu, không được thi đấu thì đi xuống, đi xuống thì không có lứa kế thừa. Vậy giấc mơ World Cup 2026 có đạt thành không? Hay lại "giấc mơ con đè nát cuộc đời con", kiếm 6 điểm thay vì 4 điểm như vòng loại đợt này? Vấn đề này đòi hỏi sự chung tay của cả một nền bóng đá.

Thầy trò HLV Park Hang-seo đã khép lại hành trình vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á rất mỹ mãn. Nhưng tới đây, sẽ là những vấn đề rất khó nữa cần đúc rút và giải quyết để tiến gần hơn giấc mơ World Cup.

Về phía đội tuyển, đây là lần đầu tuyển Việt Nam tham dự vòng loại cuối World Cup, lại phải thi đấu với các cầu thủ hàng đầu Châu Lục, trong đó có nhiều cầu thủ từ Châu Âu trở về khoác áo đội tuyển, nên tất cả đều ở đẳng cấp rất cao. Ví dụ như Takumi Minamino, Maya Yoshida… đều là những cầu thủ mà người hâm mộ Việt Nam chỉ thấy trên tivi mỗi cuối tuần.

Thất bại, bỡ ngỡ, lóng ngóng… là điều khó tránh khỏi. Trong đó câu chuyện về VAR hẳn là để lại nhiều bài học đau đớn nhất. Trước khi bàn về những quyết định oan ức trong các trận đấu gặp Arabia Saudi hay Oman, thì cũng phải trách chính các cầu thủ Việt Nam về những thói quen vung tay, vung chân hay áp dụng ở V.League. Rõ ràng ra đấu trường thế giới, những hành động đó sẽ phản lại chính chúng ta. "Chỉ có mấy tên trộm mới sợ camera thôi" –Jose Mourinho nói về VAR.

Và đương nhiên phải hiểu cuộc sống không có công bằng, hãy làm quen với nó, kể cả trong bóng đá.

Cố huyền thoại Bồ Đào Nha là "Báo đen" Eusebio luôn mang nỗi ấm ức khi được hỏi về World Cup 1966. Cụ thể ông cho biết ban đầu trận bán kết Bồ Đào Nha với Anh được xác định sẽ tổ chức ở Goodison Park, nhưng không hiểu sao chủ nhà đã dời từ Liverpool về Wembley.

Ông nói rằng "Nếu không có sự kiện đó, với nền tảng thể lực sẵn có, Bồ Đào Nha sẽ thắng. Bồ Đào Nha thua Anh ở bán kết vì ngày đó chúng tôi nhỏ và nghèo. Nhưng thế hệ sau sẽ trả nợ cho chúng tôi, hôm nay Bồ Đào Nha vẫn nhỏ, nhưng không nghèo."

Đó là một câu chuyện có tính lịch sử dặn dò hậu thế. Ngay cả HLV Park Hang-seo sau khi kết thúc hành trình vòng loại thứ ba cũng chia sẻ với một ý nghĩa tương tự: "Hôm nay đội chúng tôi hòa nhưng cũng phải hiểu rằng về tiềm lực thì bóng đá Việt Nam còn khoảng cách xa với họ. Cần có thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho những tiềm năng bóng đá của Việt Nam phát triển hơn.

Trong tương lai, khi kinh tế Việt Nam đi lên, tôi tin những cơ sở vật chất sẽ tốt hơn. Và với tiềm năng sẵn có, tôi nghĩ bóng đá Việt Nam sẽ phát triển." Rõ ràng câu chuyện phát triển của bóng đá không thể không đi cùng với sự phát triển của đất nước.

Hành trình đã khép, bài học quý giá đã được rút ra, nhưng đó là những bài học được đánh đổi bằng mồ hôi, máu, nước mắt, nỗi ấm ức, tình yêu nồng nhiệt lẫn tình đời ấm lạnh của người hâm mộ.

Chỉ cần đừng chán nản, cũng đừng bằng lòng với chính mình, luôn sát cánh cùng đội tuyển, thì ngày quốc ca Việt Nam vang lên ở đấu trường World Cup không sớm thì muộn cũng sẽ đến với đất nước chúng ta, đất nước lưng tựa Trường Sơn, mặt hướng Biển Đông hùng vĩ, và coi bóng đá là sợi dây kết nối tất cả.

Tác giả: Dũng Phan

Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP