Tin trong tỉnh

Chủ động xây dựng các tình huống, kịch bản khi bão đổ bộ để hạn chế thấp nhất rủi ro

Chiều 4/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp với các Bộ, ban, ngành và trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương để triển khai ứng phó với bão số 3 (Yagi).

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Nghệ An

Cường độ bão số 3 (Yagi) mạnh lên cấp 12, giật cấp 15

Ngày 3/9, bão YAGI đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024. Hồi 13 giờ ngày 04/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 710km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 3 mạnh cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 5-10km/h. Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, cường độ tiếp tục giảm dần.

Do ảnh hưởng của bão số 3, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, biển động dữ dội. Từ ngày 5 - 6/9, bão số 3 tiếp tục tăng cường độ, gió mạnh có thể đạt tới cấp 15, giật trên cấp 17 ở vùng gần tâm bão. Trong 24 giờ tới, vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão 7-9m. Từ ngày 5 - 6/9, sóng biển có thể tăng dần lên 9-11m. Biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Cơ quan khí tượng cũng đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (rủi ro rất lớn) đối với khu vực phía Đông Bắc và phía bắc Biển Đông và cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3 (rủi ro lớn) đối với khu vực vịnh Bắc Bộ.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, sản xuất lúa tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn 15.000 héc ta lúa hè thu đang giai đoạn chín sáp, cần tập trung mọi nguồn lực để thu hoạch với phương châm "Xanh nhà hơn già đồng"; khoảng 998.000ha lúa mùa đang ở giai đoạn sinh trưởng, cần huy động mọi nguồn lực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước sớm, tránh ngập úng khi mưa lớn xảy ra. Về nuôi trồng thủy sản từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi có 166.824 ha diện tích và 24.633 lồng, bè nuôi trồng thủy sản, 3.911 chòi canh.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h30 ngày 4/9 đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 50.000 phương tiện/219.000 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 3 để chủ động di chuyển vòng tránh, trong đó có 557 tàu/3.703 người hoạt động tại khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa.

Nghệ An không có tàu cá hoạt động trên vùng nguy hiểm

Tại Nghệ An, tính đến 10 giờ ngày 04/9, số tàu thuyền đang neo đậu tại bến 1.926 phương tiện/8.573 lao động. Số phương tiện đang hoạt động trên biển 907 phương tiện/5.065 lao động. Hiện nay, Nghệ An không có tàu cá hoạt động trên vùng biển nguy hiểm. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của Bão số 3.

Tính đến ngày 04/9, các công trình do các Công ty TNHH Thủy lợi quản lý có 09 hồ đầy nước; 18 hồ mực nước >70%, 23 hồ có dung tích từ 50-70%, 53 hồ có dung tích <50%. Đối với 2 hồ chứa thủy lợi lớn (Hồ Vực Mấu, Hồ Sông Sào), mực nước lúc 10 giờ ngày 04/9: Hồ Vực Mấu 15,08/21,0m (MNDBT); hồ Sông Sào 72,83/75,7m (MNDBT). Hiện tại các hồ đã tiến hành kiểm tra, vận hành thử; sẵn sàng phương án vận hành theo quy trình đã được UBND tỉnh phê duyệt…

Hiện nay Nghệ An đang có 22 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Trong đó, có 08 hồ chứa đang thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả (Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mộ, Bản Ang, Nhạn Hạc A, Châu Thắng, Sông Quang, Khe Thơi), các hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ.

Vụ Hè Thu - Mùa có 36.495 ha lúa đã thu hoạch và hiện nay các địa phương đang khẩn trương thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với Vụ Đông, Nghệ An đã gieo trồng được hơn 5.000 ha/KH 33.200 ha.

Hiện tại, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Nghệ An 20.298 ha (trong đó: Diện tích nuôi nước ngọt: 19.408,0 ha; diện tích nuôi nước lợ: 890 ha). Có 4.040 lồng, bè, giàn (trong đó: Nuôi cá lồng nước ngọt: 2.200 lồng; nuôi cá lồng mặn, lợ: 1.061 lồng; nuôi hàu cửa sông: 779 giàn, bè). UBND tỉnh đã chỉ đạo tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè khi có bão, mưa lũ.

Tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa lớn cục bộ tại một số huyện miền núi, nên khi mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở vùng miền núi, trung du, vùng hạ du hồ đập là rất lớn; hiện nay các địa phương đã xây dựng các kịch bản để ứng phó. UBND tỉnh đã xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng do bão. Tùy vào cấp bão, các địa phương sẽ tổ chức sơ tán dân theo kịch bản.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng các tình huống, kịch bản khi bão đổ bộ để hạn chế thấp nhất rủi ro

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá đây là một siêu bão, có phạm vi ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng các tình huống, kịch bản khi bão đổ bộ để hạn chế thấp nhất rủi ro về tính mạng, tài sản. Các địa phương tùy theo điều kiện thực tế để ra lệnh cấm biển, cấm tập trung đông người; xây dựng kịch bản thực tế tại địa phương; xây dựng các phương án huy động “4 tại chỗ” để ứng phó với các hình thái thiên tai.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường truyền thông các biện pháp, kỹ năng phòng chống lụt bão. Bộ NN&PTNT với tư cách là cơ quan thường trực sẽ báo cáo Chính phủ để điều động lực lượng hỗ trợ ứng phó với bão khi cần thiết...

“Mỗi cơ quan, mỗi ngành, địa phương cần chủ động, tự mình vạch ra những rủi ro phải đối phó để xây dựng phương án ứng phó với bão” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP