Giáo dục

Chủ tịch tỉnh chỉ trích lãnh đạo Trường ĐH Hà Tĩnh buông lỏng quản lý cơ sở vật chất

Trước tình trạng nhiều khu vực như ký túc xá, nhà sinh hoạt chung của sinh viên xuống cấp mà không được bảo dưỡng, sửa chữa, khuôn viên nhếch nhác, thiếu mỹ quan, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh mẽ chỉ trích lãnh đạo Trường ĐH Hà Tĩnh buông lỏng quản lí cơ sở vật chất.

Trường ĐH Hà Tĩnh là một trong những trường được quy hoạch có diện tích thuộc hàng lớn nhất nước với diện tích cơ sở chính lên đến gần 90ha đóng tại xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) và nhiều cơ sở vệ tinh thuộc nhiều địa bàn trong tỉnh.

Trong những năm gần đây, Trường ĐH Hà Tĩnh đã và đang được đầu tư xây dựng nhiều dự án, công trình cơ bản lớn. Trong đó, riêng dự án xây dựng Trường ĐH Hà Tĩnh (giai đoạn 2) 2016 - 2020 có tổng mức đầu tư hơn 196,4 tỷ đồng, với các hạng mục: nhà hiệu bộ 15 tầng, các hạng mục phụ trợ (hạ tầng kỹ thuật thiết yếu khu nhà hiệu bộ 15 tầng), nhà học 5 tầng A2.

Nhà hiệu bộ 15 tầng vừa được đầu tư, sắp được Trường Đại học Hà Tĩnh đưa vào sử dụng.

Trường hiện đang đào tạo 22 mã ngành đại học với 4 khối ngành: Sư phạm; Kinh tế; Kỹ thuật; Ngoại ngữ. Ngoài ra, nhà trường đang liên kết đào tạo sau đại học; thực hiện mô hình 4 cấp: đại học, phổ thông trung học, trung học cơ sở, mầm non; đào tạo ngắn hạn.

Dù được đầu tư lớn cả về cơ sở vật chất (CSVC), con người, tuy nhiên chất lượng đào tạo của nhà trường không tương xứng, thậm chí có thể nói là gây thất vọng cho cả chính quyền và người dân trong tỉnh.

Điều này thể hiện rõ qua những khó khăn trong việc thu hút học sinh, sinh viên (HS, SV), kể cả HS, SV trong tỉnh tham gia dự tuyển, theo học tại đây. Một cán bộ tại Trường ĐH Hà Tĩnh cho biết, nếu không có SV đến từ nước bạn Lào theo học thì hiện trạng nhà trường sẽ rất khó khăn. Thực tế này là hoàn toàn chính xác khi trong tổng quy mô toàn trường năm 2018 là 4.000 SV, thì có đến gần 1.500 SV Lào, chiếm tới hơn 1/3.

Nguồn tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Trường ĐH Hà Tĩnh vào sáng ngày 4/4, nhiều đại biểu trong đoàn công tác của tỉnh này đã chỉ ra những yếu kém của lãnh đạo nhà trường khi chưa năng động, chủ động trong xây dựng kế hoạch đào tạo; yếu kém về liên kết, liên doanh đào tạo; đầu ra cho SV chưa đáp ứng kì vọng; bất hợp lý trong quản lí, quy hoạch bộ máy nhân sự.

Đặc biệt, nguồn tin trên cho biết, ngay tại buổi làm việc này, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh - ông Đặng Quốc Khánh đã trực tiếp thị sát kiểm tra cơ sở vật chất của nhà trường.

Kiểm tra tại khu ký túc xá dành cho SV, Chủ tịch tỉnh hà Tĩnh đã giật mình khi nhiều khu vực trong ký túc xá, nhà sinh hoạt chung của SV xuống cấp mà không được bảo dưỡng, sửa chữa; khuôn viên nhếch nhác, thiếu mỹ quan.

Một góc nhếch nhác, mất cảnh quan của khu ký túc xá.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh (áo xanh lơ, đứng giữa) nhìn hình ảnh nhếch nhác trên đã không khỏi giật mình.

Ngay tại hiện trường, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đã phê bình lãnh đạo nhà trường khi quá buông lỏng quản lý CSVC, khiến điều kiện học tập, sinh hoạt của SV không đảm bảo và gây ảnh hưởng tới nỗ lực xây dựng hình ảnh về một trường đại học năng động của tỉnh.

Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh thẳng thắn, trong thời gian tới nếu những yếu kém trong việc quản lý CSVC không được chấm dứt, tỉnh sẽ xem xét xử lí kỷ luật lãnh đạo nhà trường.

Về chiến lược phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu nhà trường cần lựa chọn những mã ngành lợi thế để tập trung phát triển; đào tạo phải đảm bảo gắn với đầu ra cho SV; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng đào tạo SV Lào, tập trung cao cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng thực tiễn.

Tại buổi làm việc sau đó, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu lãnh đạo nhà trường cần lựa chọn những mã ngành lợi thế để tập trung đào tạo.

Để làm được điều đó, nhà trường cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên tại chỗ; tập trung kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế; phát huy tính tự chủ, năng động trong các hoạt động chuyên môn của nhà trường.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, mô hình trường 4 cấp là hoàn toàn phù hợp xu thế, tuy nhiên, trường cần năng động, sáng tạo, thay đổi tư duy, mô hình quản lý, đào tạo; kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP