Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ông Nguyễn Đức Trung chỉ đạo hội nghị. |
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Nghệ An, trong tháng 6 đầu năm 2023, có 08 kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến UBND tỉnh thuộc thẩm quyền chủ trì giải quyết của 08 cơ quan, gồm: Sở KH&ĐT, Ban Quản lý KKT Đông Nam, Sở TN&MT, Sở Công Thương, Sở GTVT, Sở LĐTB&XH, Cục Thuế Nghệ An và Công an tỉnh Nghệ An.
Các kiến nghị của doanh nghiệp tập trung vào các nội dung gồm: Giải phóng mặt bằng và bàn giao tài sản hạ tầng; xem xét lại đơn giá thuê đất; sau khi cấp mỏ khai thác cho doanh nghiệp, cần sớm hoàn thiện thủ tục cấp phép xuất khẩu sản phẩm sản xuất như chế biến đá để kịp thời tiếp cận thị trường; những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư hệ thống Phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn mới tại một số doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp; về nộp phạt khoản tiền nộp bổ sung trong thời gian được gia hạn tiến độ dự án; điều chỉnh đường ven biển vào khu đất thực hiện Dự án Khu dân cư chất lượng cao tại xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu. Đồng thời, kiến nghị về thái độ làm việc, rút ngắn thời gian quy định về giải quyết thủ tục cấp phép cho người lao động nước ngoài…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp kiến nghị kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc về xuất khẩu khoáng sản liên quan đến Công văn số 968/BTNMT-ĐCKS của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tư số 04/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng; đề nghị cấp thẩm quyền cần sớm hoàn thiện thủ tục thuê đất cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp chủ động mở rộng cơ sở hạ tầng xây dựng các công trình phụ trợ ngoài mỏ (như nhà xưởng, bãi thải chất rắn, hồ lắng nước, kho bãi vật tư, nhà ở công nhân…) phục vụ sản xuất kịp thời.
Trong quá trình tính để áp thuế tài nguyên đối với những sản phẩm sản xuất từ khai thác chế biến khoáng sản, đề nghị cấp có thẩm quyền cần quan tâm đến tình hình thực tế, những khó khăn, trong đó có tính đến yếu tố giá cả vật tư, nhiên liệu, thiết bị tăng, nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, có thu nhập cho người lao động….
Chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Tỉnh cũng đã có những chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; tuy nhiên do tình hình khách quan và chủ quan nên còn nhiều vấn đề cần chia sẻ. Mặc dù khó khăn nhưng so sánh với mặt bằng chung thì kết quả đạt được của tỉnh là rất tích cực. Trong đó, kinh tế duy trì tăng trưởng; thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2022 lần đầu tiên thuộc top 10, 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục là điểm sáng.
Khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp là khó khăn, vướng mắc của tỉnh mà các doanh nghiệp đã chỉ ra. Việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc này là điều kiện để các doanh nghiệp phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Vì vậy, trong quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các Sở, ngành, địa phương phải chỉ ra được cụ thể các vướng mắc để giải quyết và phải xử lý ngay theo thẩm quyền, tránh tình trạng đùn đẩy lên tỉnh; trong quá trình giải quyết phải trả lời rõ ràng các nội dung để doanh nghiệp nắm bắt. Đặc biệt, các Sở, ngành, địa phương không tạo ra thêm các rào cản, các quy định mà pháp luật không quy định gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp.
Đề nghị các Sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục nắm bắt, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp theo đúng tiến độ được giao “nhanh, đúng, có hiệu quả”; trường hợp có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung, mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với tỉnh vì mục tiêu chung; chia sẻ, gắn bó trách nhiệm chung với tỉnh, chủ động đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, có những đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh với tinh thần “Lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”.
Tác giả: Ngọc Tuấn
Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn