Tin trong tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh được quyết định cải tạo công trình dưới 5 tỷ đồng

Đó là một trong những nội dung dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương được thảo luận tại cuộc họp UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 5.

Chiều 23/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục họp phiên thường kỳ tháng 5 để nghe và cho ý kiến về một số dự thảo quan trọng. Ảnh: Thu Huyền

Phân cấp thẩm quyền trong quản lý tài sản công

Mở đầu phiên họp chiều nay, các đại biểu nghe và cho ý kiến dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo quy định việc phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An, gồm có: Trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất, tài sản kết cấu hạ tầng, xe ô tô và phương tiện vận tải khác, máy móc, thiết bị, quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu và tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Hệ thống xử lý chất thải Ngân hàng Thế giới tài trợ góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An. Ảnh tư liệu

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cải tạo, sửa chữa nâng cấp công trình gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh quy mô nhỏ có giá trị dự toán từ 500 triệu đồng đến dưới 5 tỷ đồng/1 lần sửa chữa theo đề nghị của Sở Tài chính.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã quyết định cải tạo, sửa chữa nâng cấp công trình gắn liền với đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện có giá trị dự toán đến dưới 500 triệu đồng/1lần sửa chữa theo đề nghị của cơ quan Tài chính cùng cấp.

Về nội dung dự thảo này, Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí thông qua, đề nghị Sở Tài chính tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn chỉnh để trình hội đồng thẩm định.

Cần làm rõ cơ sở pháp lý khi xây dựng trường trọng điểm

Tiếp đó, Sở GD&ĐT trình bày dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia từ năm học 2018 – 2019 trên địa bàn tỉnh và Dự thảo đề án xây dựng hệ thống trường phổ thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ 2018 – 2020 tính đến 2025.

Kết luận các dự thảo này, các đại biểu nhất trí thông qua. Riêng đối với Dự thảo "Đề án xây dựng hệ thống trường phổ thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ 2018 – 2020 tính đến 2025” (trong đó, lựa chọn xây dựng 21 trường cấp 2, 16 trường cấp 3) do Sở GD&ĐT trình bày đã nhận được nhiều ý kiến góp ý.
Về mặt tích cực, thực hiện đề án, các trường trọng điểm sẽ trở thành mũi nhọn không chỉ góp phần phát hiện, bồi dưỡng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và đất nước mà còn từng bước đầu tư nâng cao cơ sở vật chất trong các trường học.
Tuy nhiên, dự thảo đề án đang vướng cơ sở pháp lý, tính khả thi, và tính công bằng giữa các trường… Nhiều ý kiến cho rằng liệu việc triển khai trường trọng điểm có đi ngược lại mô hình về trường chuyên lớp chọn đã bị xóa bỏ theo Nghị quyết số 02 của BCH Trung ương Đảng?.

Vì thế, kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT chuẩn bị lại nội dung đề án dựa trên các căn cứ cơ sở pháp lý của Luật Giáo dục, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT... để xây dựng đề án hiệu quả, sát đúng.

Cũng trong chiều qua, cuộc họp nghe và cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban MTTQ cấp xã và Ban công tác mặt trận ở khu dân cư; Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua danh mục công trình dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần thu hồi đất quy định tại khoản 3, điều 62 Luật đất đai./.

Tác giả: Thu Huyền

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP