Pháp luật

Chủ tọa phiên tòa nói gì về việc đồng ý không công bố bản án ông Phan Văn Vĩnh?

Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương sáng nay 13-11 đã giải thích về việc đồng ý không công bố bản án ông Phan Văn Vĩnh trong vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin sáng 12-11, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cùng 91 bị cáo trong vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

HĐXX trong phiên tòa xử ông Phan Văn Vĩnh và đồng phạm

Đáng chú ý, trong phần thủ tục sáng 12-11, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương thông báo khi kết thúc sẽ đăng bản án trên cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, một bị cáo là ông Phan Văn Vĩnh đã yêu cầu không đăng bản án liên quan tới mình. Sau đó, HĐXX nói: "Vì có một bị cáo từ chối nên việc đăng tải này sẽ không được công bố bản án công khai lên mạng".

Ông Phan Văn Vĩnh được dẫn giải tới phiên tòa

Đề nghị của ông Vĩnh được tòa chấp thuận được báo chí thông tin rộng rãi, sau đó đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người băn khoăn việc từ chối cho công bố bản án của bị cáo Phan Văn Vĩnh theo quy định pháp luật được quy định thế nào?

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương cho biết căn cứ theo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, theo quy định công bố bản án công khai, bị cáo được từ chối vì lý do cá nhân và đây là quyền của họ. Chỉ cần 1 trong các bị cáo có đề nghị thì sẽ không đăng.

Cũng theo thẩm phán Hương, xem xét trong vụ án có hơn 90 bị cáo này, HĐXX cẩn thận hơn vì phải là bản án có hiệu lực thì mới được đăng tải. Bản án chưa có hiệu lực, không biết có tình huống kháng cáo, kháng nghị hay không.

Đồng quan điểm, thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh tòa Hình sự TAND TP Hà Nội, cho biết về mặt pháp lý ông Phan Văn Vĩnh có quyền đề nghị như vậy. Theo thẩm phán Trương Việt Toàn, đây là quyền nhân thân của ông Vĩnh mà Bộ Luật Hình sự đã quy định. Theo đó, kể cả khi bản án đã hình thành thì ông Vĩnh cũng chỉ mất đi một số quyền công dân, còn quyền nhân thân của ông vẫn còn.

Trong khi đó, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP HCM ) cho rằng dựa trên nguyên tắc pháp lý quy định tại Nghị định 03/2017, khi vụ án đã được xét xử công khai thì bản án, quyết định đó sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của tòa. Tuy nhiên, TAND sẽ không đưa bản án lên cổng thông tin là những trường hợp người có liên quan trong vụ án và bị cáo yêu cầu không công bố những nội dung có người chưa đủ tuổi vị thành niên liên quan đến vụ án; có liên quan tới bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc bí mật kinh doanh.

Theo luật sư Đức, chỉ cần một trong các bị cáo, người liên quan yêu cầu mà tòa chấp nhận thì đương nhiên toàn bộ bản án sẽ không được công bố trên cổng thông tin điện tử. Ngoài ra, Tòa cũng không cần hỏi ý kiến các bị cáo, người liên quan khác nếu trong hồ sơ vụ án có các trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, khi quyết định không đăng vì bị cáo từ chối thì tòa phải biết lý do của người đó có chính đáng hay không.

Tác giả: Ng. Hưởng

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP