Facebook và Google đang có lượng người dùng rất lớn tại VN |
Thưa ông, trong quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo có tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài như Google, Facebook và quan điểm họ ra sao khi mà trước đó có thông tin nói họ sẽ rút khỏi VN nếu dự luật được thông qua với quy định về bắt buộc họ đặt máy chủ?
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, từ tháng 11.2016, Chính phủ đã lập Ban Soạn thảo, gồm đại diện các bộ Công an, Quốc phòng, Thông tin - Truyền thông (TT-TT), Công thương... Quá trình xây dựng vẫn bám theo Nghị định 72 quy định về đặt máy chủ. Cho nên, đây không phải là quy định mới có. Trong quá trình đó, chúng tôi đều tiếp cả đại diện của Google, Facebook, Hiệp hội Kinh doanh Mỹ - ASEAN, Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á... Qua trao đổi thì chưa thấy họ có ý kiến khác. Tôi chưa nghe một thông tin nào từ họ về việc sẽ rút khỏi VN. Tôi cũng muốn nói thêm, như Facebook, họ công bố tại VN đang có 48 triệu tài khoản, tôi nghĩ con số này còn lớn hơn. Trong khi ở Singapore chỉ là 5 triệu. Với thị phần như vậy thì liệu họ có rời không? Trong khi đây cũng là doanh thu chính trong hoạt động kinh doanh của họ tại VN.
Vậy có phản hồi từ các tổ chức, công ty quốc tế cho rằng điều này (quy định đặt máy chủ) sẽ vi phạm các cam kết quốc tế mà chúng ta tham gia?
Tôi đã tiếp xúc, lắng nghe ý kiến các nhà ngoại giao. Họ nói quốc gia nào cũng có ngoại lệ. Tôi khẳng định chưa bao giờ vi phạm các thỏa thuận quốc tế.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định đặt máy chủ và một số điểm mới tại luật sẽ khiến DN tốn kém thêm chi phí, nhất là DN ngoại?
Sao chúng ta cứ lo cho họ mà không lo cho DN trong nước. Các bạn cứ đi hỏi Viettel, VNPT... xem họ nói sao để có câu trả lời chính xác. Tất nhiên, không phải loại hình DN nào cũng phải có máy chủ lưu trữ dữ liệu hay bắt buộc có văn phòng, chi nhánh đại diện tại VN, đến khi xây dựng nghị định sẽ quy định rõ hơn.
Thưa ông, điều mà các DN trong nước cũng như người dùng lo lắng là sợ lộ, lọt thông tin cá nhân, bảo vệ bí mật cá nhân khi luật trao quyền rất lớn cơ quan chức năng, như buộc nhà cung cấp dịch vụ phải cung cấp thông tin người dùng?
Chúng tôi có nghe những thông tin nói cơ quan an ninh theo dõi tất cả tài khoản cá nhân. Không phải. Chúng tôi chỉ đề nghị nhà mạng cung cấp khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Nhưng cụ thể “dấu hiệu vi phạm” như thế nào, thưa ông?
Điều 17, rồi điều 26 đã quy định về trách nhiệm bảo mật thông tin người dùng, nếu anh không bảo mật thì bị xử lý. Còn DN chỉ cung cấp thông tin khi có văn bản yêu cầu của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong điều tra hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ, chúng tôi thấy trên mạng đang có trao đổi thông tin có dấu hiệu mua bán chất nổ, thì các bạn có cho tôi làm không?
Bộ luật Hình sự, luật Tố tụng hình sự cũng đã quy định khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan chức năng có quyền điều tra, vậy thì họ phải vào cuộc, phải thẩm định thông tin nên yêu cầu cơ quan về internet cung cấp. Nhưng thẩm định thông tin đó là có vi phạm không thì còn các cơ quan chuyên môn. Ví dụ thông tin về văn hóa thì Bộ VH-TT-DL mới là cơ quan xác định có vi phạm không. Tương tự, thông tin về an toàn thông tin thì chờ kết luận của Bộ TT-TT. Cơ quan chuyên trách của Bộ Công an sẽ căn cứ nội dung thẩm định đó nên không thể lạm quyền. Cá nhân, tổ chức nào lợi dụng để xâm phạm lợi ích cá nhân thì chắc chắn bị xử lý. Như việc ai đó sử dụng để đánh bạc thì vi phạm pháp luật và đã bị xử lý nghiêm.
Còn việc các bạn nói nhiều DN lo thông tin lộ, lọt? Chính các DN đang lưu trữ thông số của các bạn rất nhiều và họ đã làm lộ, lọt các thông tin. Cho nên, khi các bạn đang họp thì nhận được tin nhắn mua đất mua nhà, khi các bạn sắp ra sân bay thì có tin nhắn mời đi xe... lộ, lọt đó là do DN đang quản lý thông tin không tốt. DN họ chả có gì lo lắng đâu.
Tác giả: Chí Hiếu
Nguồn tin: Báo Thanh niên