Tin trong tỉnh

Chưa được mở bán, nhà đất dự án vẫn giao dịch dưới dạng “giữ chỗ thiện chí”

Dù chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa được cơ quan chức năng cho phép mở bán nhưng nhà đất dự án Khu nhà ở xã hội xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An) vẫn được tuồn ra ngoài, giao dịch theo dạng “giữ chỗ thiện chí".

Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên (Khu đô thị Hưng Lộc), thuộc xóm Đức Vinh, xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An).


Dự án nhà ở xã hội của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (PVIT, Mã: PXA) có tên đầy đủ là Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên (Khu đô thị Hưng Lộc), thuộc xóm Đức Vinh, xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An). Dự án có tổng mức đầu tư 210 tỉ đồng.

Theo quy hoạch cũ, khu đất xây dựng dự án có diện tích hơn 26.622 m2. Sau khi điều chỉnh quy hoạch, diện tích xây dựng khu nhà ở thấp tầng (nhà liền kề và biệt thự) của dự án bị giảm hơn 4.041 m2, chiều cao tối đa ba tầng.

Thay vào đó, diện tích hai khu nhà ở xã hội được tăng gần 693 m2, được bố trí đối xứng qua trục đường qui hoạch rộng 12 m, chiều cao tối đa 5 tầng.

Qua quan sát, thời điểm này (đầu tháng 9/2020), chủ đầu tư này mới chỉ thực hiện san lấp mặt bằng và thi công hạ tầng công trình tại dự án.

Dự án chưa hoàn thiện hạ tầng.

Việc chưa hoàn thiện hạ tầng tại dự án nhưng trên mạng xã hội đã có nhiều thông tin rao bán gây xôn xao dư luận. Cụ thể, trên trang chủ của Khu đô thị mới Hưng Lộc (Hưng Lộc Homes) đã được đăng tải bán: “7 căn biệt thự; 42 căn shophouse;m các khu liền kề gồm 60 lô…” Theo nội dung đăng tải trên mạng xã hội thì Đơn vị phân phối độc quyền chính thức toàn dự án của Dự án siêu hot tại Hưng Lộc là Tân Long Land.

Thông tin rao bán trên mạng xã hội.

Ngay sau khi dự án được đăng tải rao bán trên nhiều phương tiện xã hội khi chưa hoàn thiện hạ tầng, chưa được phép mở bán, các cơ quan chức năng Nghệ An đã “tuýt còi”, ra văn bản về việc “thường xuyên theo dõi, nắm bắt, cập nhật thông tin, tình hình diễn biến để có các biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời nhằm tránh những nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Văn phòng giao dịch sản phẩm của dự án.



Ông Nguyễn Đăng Thành, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An) cho biết: Chúng tôi đã nhận được công văn chỉ đạo của UBND TP Vinh về việc khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin pháp lý của dự án khu đô thị Hưng Lộc, về chủ đầu tư, không tham gia giao dịch, mua bán sản phẩm của dự án với các đối tượng lạ để tránh các thiệt hại có thể xảy ra. Vì vậy, địa phương đang nắm bắt, theo dõi về vấn đề này để kịp thời báo cáo, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Văn bản chủ đạo của UBND TP Vinh (Nghệ An).


Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng Nghệ An, đến nay, Dự án nhà ở xã hội Hưng Lộc vẫn chưa đủ điều kiện được mở bán, kinh doanh.

Thậm chí, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, khuyến cáo, chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An đã có thông báo về việc hiện nay chủ đầu tư chưa có kế hoạch khai thác sản phẩm.

Chủ đầu tư thông báo về việc chưa có kế hoạch khai thác sản phẩm.

Dù chủ đầu tư và cơ quan chức năng đã có văn bản, thông báo cụ thể về việc ký kết, mua bán các sản phẩm của Dự án Khu đô thị Hưng Lộc, thế nhưng, không hiểu vì sao đất dự án vẫn được tuồn ra ngoài, giao dịch theo dạng “giữ chỗ thiện chí”.

Ký kết phiếu giữ chỗ thiện chí.

Cụ thể, Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Tân Long đã ký kết Phiếu giữ chỗ thiện chí cho khách hàng theo Căn cứ Giấy ủy quyền số 05/2018/UQTL, ngày 14/11/2018 của Tổng Giám đốc Lê Tiến Liêm cho Phó tổng Giám đốc Đinh Thị Thanh Nhàn.

Theo nội dung Phiếu giữ chỗ thiện chí, khách hàng sẽ giữ chỗ cho loại hình sản phẩm liền kề là 50 triệu đồng.

Có thể nói, dù chưa được mở bán, chưa được cơ quan chức năng cho phép việc mua bán, đặt cọc nhưng việc doanh nghiệp lách luật, ký kết phiếu giữ chỗ thiện chí khiến khách hàng có nguy cơ nhận “trái đắng”, đặt khách hàng vào nguy cơ rủi ro, “tiền mất, tật mang”.

Đối với những hợp đồng mang tính chất “lách luật” như thế này, khi xảy ra vấn đề tranh chấp, người chịu thiệt chắc chắn sẽ là người mua nhà vì đây là một hợp đồng giả cách, các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác, trong đó cả chủ đầu tư và người mua nhà đều biết rõ mục đích thật sự của giao dịch không phải là góp vốn hay vay vốn mà là nhằm mục đích mua bán nhà.

Theo quy định của Bộ luật dân sự, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, người mua nhà, cuối cùng không mua được nhà, số tiền đã giao cho chủ đầu tư cũng không thể ngay lập tức lấy lại được. Ngược lại, chủ đầu tư lại có thể xoay vốn tại thời điểm đó.

Nếu nhà đầu tư đã thiếu năng lực tài chính, phải huy động vốn khi chưa đủ điều kiện mở bán thì liệu có đảm bảo được tiến độ dự án? Việc đảm bảo các quy chuẩn thiết kế có được thực hiện, chất lượng công trình như thế nào? Đây là những vấn đề rất rủi ro cho người mua nhà của dự án vì thực tế đã có rất nhiều công trình bị “treo” do chủ đầu tư không có năng lực thực hiện.

Trong 1 diễn biến liên quan, do “sức khỏe” tài chính yếu ớt của chủ đầu tư khiến việc triển khai dự án nhà ở xã hội Hưng Lộc bị “giậm chân tại chỗ” rồi phải xin gia hạn triển khai dự án. Theo dự kiến ban đầu, thời gian thực hiện dự án từ quí IV/2015 đến quí IV/2019, song, phải đến tháng 6/2019 dự án này mới bắt đầu đi vào triển khai thực tế.

Điều đáng nói, trước đây, cũng chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An này, đã từng bị ngân hàng cưỡng chế tài sản để bán đấu giá tại 1 dự án khác, thì nay, doanh nghiệp vẫn tiếp tục triển khai dự án với quy mô hơn 200 tỷ đồng khiến nhiều người ngỡ ngàng và hoài nghi năng lực tài chính để thực hiện dự án.

Cụ thể, năm 2019, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Nghệ An (BIDV Nghệ An) đã tiến hành bán đấu giá khoản nợ của khách hàng Công ty CP Đầu tư & Thương mại Dầu khí Nghệ An.

Tài sản thế chấp cho khoản vay này là dự án tòa nhà Dầu khí theo hợp đồng thế chấp số 01/2011/BIDV-PVFC ngày 12/11/2011 giữa Công ty CP Đầu tư và TM dầu khí Nghệ An với BIDV Nghệ An và PVFC Thanh Hoá (Nay là PVCombank) (Trong đó tài sản thế chấp tại BIDV Nghệ An là 8 tầng văn phòng cho thuê (từ tầng 15-22) diện tích sử dụng mỗi tầng khoảng 733 m2).

Thậm chí, phải đến lần thông báo thứ 9 vào tháng 3/2020 với giá khởi điểm 36.695.492.159 đồng thì 8 tầng văn phòng cho thuê của Tòa Tháp đôi Dầu khí Nghệ An mới có đối tác mua lại tài sản thế chấp này để thu hồi nợ với giá hơn 30 tỷ đồng.

Tác giả: Ngọc Tuấn

Nguồn tin: Taichinhdoanhnghiep.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP