Thế giới

Chuỗi ngày "địa ngục trần gian" của người đàn ông nhiễm phóng xạ nhiều nhất thế giới: Khóc ra máu, cầu xin các bác sĩ ngừng điều trị

83 ngày sống sót sau thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản xảy ra năm 1999 chính là những chuỗi ngày đau đớn không tưởng với Hisashi Ouchi.

Thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản xảy ra vào ngày 30 tháng 9 năm 1999 là thảm họa tồi tệ nhất thế giới kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986. Một trong những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thảm họa năm 1999 chính là người đàn ông được gọi với cái tên "người nhiễm xạ nhiều nhất thế giới" Hisashi Ouchi.

Hisashi Ouchi là một công nhân tại nhà máy sản xuất uranium ở Tokaimura - cách Tokyo khoảng 112 km về phía đông bắc - người đã tiếp xúc với liều lượng phóng xạ cực lớn dẫn đến bỏng nặng.

Ngày xảy ra thảm hoạ cũng chính là ngày đầu tiên trong chuỗi 83 ngày chịu đựng nỗi đau không tưởng của người đàn ông 35 tuổi này. Cuối cùng, anh đã qua đời vào ngày 21 tháng 12 năm ấy.

Vụ tai nạn là hậu quả của một loạt sai lầm chết người khi anh và các đồng nghiệp của mình đang chuẩn bị uranium để làm nhiên liệu lò phản ứng tại nhà máy tư nhân, bao gồm cả việc vận chuyển uranium trong xô và không mặc trang phục bảo vệ phù hợp.

Hisashi Ouchi

Các kỹ thuật viên là Ouchi và Masato Shinohara, cùng giám sát viên Yutaka Yokokawa, đã đẩy nhanh quá trình vận chuyển bằng cách cho 16kg urani vào một thùng chứa có giới hạn tối đa là 2,4kg. Đó chính là thời điểm thảm kịch xảy ra khiến Ouchi rơi vào thảm hoạ.

Ông đã tiếp xúc với 17 Sievert bức xạ. Trong khi đó, những người ứng phó khẩn cấp tại thảm hoạ Chernobyl chỉ tiếp xúc với 0,25 cũng đã gấp đôi liều lượng được coi là sẽ gây chết người. Đây cũng là lượng phóng xạ kỷ lục ở một người còn sống bị nhiễm. Điều này đã khiến ông trở thành người bị nhiễm xạ nhiều nhất từ trước tới nay trên thế giới.

Ông và các đồng nghiệp báo cáo rằng, họ nhìn thấy một tia sáng màu xanh phía trên thùng chứa - dấu hiệu cho thấy phản ứng tương tự bên trong bom nguyên tử đã xảy ra, giải phóng bức xạ neutron chết người. Những người có mặt tại hiện trường đã mất đi ý thức khi tiếng chuông báo động vang lên bên trong nhà máy và mức độ phóng xạ tăng vọt gấp 4.000 lần mức bình thường.

Khu vực xung quanh được sơ tán trong khi nhiều người thậm chí còn không biết rằng, tòa nhà khiêm tốn kia thực chất lại là một cơ sở hạt nhân.

Ouchi được đưa gấp đến Bệnh viện Đại học Tokyo. Tại đây các bác sĩ phát hiện anh gần như không có tế bào bạch cầu, cần phải ghép da diện rộng và truyền máu nhiều lần. Nhiều báo cáo cho biết, vào khi ấy anh đã “khóc ra máu" và cầu xin các bác sĩ ngừng điều trị. Anh đã được hồi sức sau nhiều cơn đau tim vào ngày thứ 59 nằm viện.

Mặc dù vậy, Ouchi cuối cùng vẫn qua đời vào ngày 21 tháng 12 năm 1999. Và vài tháng sau đó, vào tháng 4 năm 2000, Shinohara, một kỹ thuật viên đồng nghiệp của anh cũng đã qua đời vì suy đa tạng ở tuổi 40.

Yokokawa - người giám sát - cũng phải nhập viện nhưng đã được điều trị thành công và xuất viện sau 3 tháng với tình trạng bệnh nhẹ do nhiễm xạ. Sau đó, người này đã phải đối mặt với cáo buộc thiếu trách nhiệm nghề nghiệp vào tháng 10 năm 2000 cùng với 5 quan chức Công ty chuyển đổi nhiên liệu hạt nhân Nhật Bản (JCO) khác. Tất cả đều nhận tội vào tháng 4 năm 2001.

JCO sau đó đã trả 121 triệu đô la để giải quyết 6.875 yêu cầu bồi thường từ những người dân và doanh nghiệp đã phải chịu đựng hoặc tiếp xúc với bức xạ, đồng thời cũng bị mất giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Sự cố này cũng khởi đầu cho một loạt luật mới tại Nhật Bản nhằm thắt chặt các yêu cầu về an toàn vận hành trong ngành năng lượng hạt nhân.

Tác giả: Phạm Trang

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP