Lập danh sách kênh đen, kênh trắng, siết chặt quản lý kênh Youtube
Ông Lê Quang Tự Do - Cục Phó Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử - PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) cho biết, trong tháng qua, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là việc triển khai Nghị định 27 để bổ sung sửa đổi cho Nghị định 72 về quản lý thông tin trên mạng.
Nghị định 27 vốn là Nghị định nâng cấp các điều kiện kinh doanh từ 4 Thông tư liên quan đến lĩnh vực thông tin điện tử. Trong thời gian vừa qua, một số cơ quan báo chí và các đơn vị chức năng đã hiểu sai rằng Bộ TT&TT tăng thêm điều kiện kinh doanh. Theo ông Lê Quang Tự Do, điều này là không đúng.
“Không những không tăng thêm mà Bộ TT&TT còn cắt giảm 11 điều kiện kinh doanh, vì nâng cấp thêm các quy định mới của Luật Đầu tư vào các văn bản quy phạm pháp luật nên mới có việc bổ sung vào Nghị định như vậy”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Trong tháng 5, Cục PTTH&TTĐT cũng đã làm việc, đấu tranh với một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Cục đã triển khai giải pháp xây dựng danh sách kênh trắng và kênh đen trên mạng xã hội Youtube.
Ý tưởng này đến từ tình trạng ẩn danh vốn khá phổ biến trên mạng xã hội nói chung và Youtube nói riêng. Do đó khi xảy ra sai phạm, rất khó liên hệ chủ tài khoản để yêu cầu gỡ bỏ, vị lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT chia sẻ.
Bộ TT&TT sẽ sớm công bố danh sách kênh trắng và kênh đen trên Youtube. Ảnh: Trọng Đạt |
Do vậy, Cục PTTH&TTĐT đã đề ra giải pháp lập kênh đen bao gồm các kênh thường xuyên vi phạm pháp luật, trực tiếp là các hành vi bị cấm quy định tại Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 72. Thông tin về nhóm kênh này sẽ được đưa sang phía Google để gỡ bỏ và cảnh báo cho các doanh nghiệp, nhãn hàng, đại lý kinh doanh quảng cáo trong nước với mục đích nhằm chặn nguồn thu của các kênh vi phạm pháp luật.
Đối với kênh trắng, các chủ phát hành kênh Youtube muốn hợp tác với Bộ để đăng ký hoạt động chính danh. Hiện Cục PTTH&TTĐT đã nhận được công văn chính thức của 2 đại lý Youtube lớn nhất tại Việt Nam. Hai đại lý này quản lý khoảng 5.000 kênh Youtube và chiếm 50% lượng xem Youtube Việt Nam.
“Họ đã tự nguyện đồng ý hợp tác với Cục để đăng ký danh sách này. Đây là thành công bước đầu trong việc quản lý kênh Youtube tại Việt Nam. Cục đề nghị các cơ quan báo chí, đài truyền hình nếu có kênh Youtube hãy đăng ký với Cục để thuận lợi cho việc quản lý”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Về Facebook, trong thời gian vừa qua, Cục PTTH&TTĐT đã tiến hành định danh cho các tài khoản và trang cộng đồng của các cơ quan báo chí và các tổ chức, cơ quan nhà nước. Theo ông Lê Quang Tự Do, đã có khoảng 30 cơ quan báo chí nhận được tích xanh (blue stick) của Facebook.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo Cục PTTH&TTĐT công bố danh sách kênh có nội dung tốt và các kênh có nội dung xấu độc ngay trong tháng 6. Bộ trưởng lưu ý việc phối hợp với Google, Facebook để hạn chế xoá bỏ các thông tin xấu độc trên Internet, nhắc nhở doanh nghiệp không quảng cáo trên các kênh có nội dung xấu độc.
Chuyển đổi thuê bao di động là công việc trọng tâm của năm 2018
Trong tháng qua, Cục Viễn thông đã tiến hành công bố việc chuyển đổi mã mạng. Theo đó việc chuyển đổi này diễn ra kể từ ngày 15/9/2018.
Theo quan điểm của Cục Viễn thông, cuộc gọi đi từ đầu 11 số không bị ảnh hưởng, việc tác động chủ yếu liên quan tới lưu lượng gọi đến các thuê bao 11 số. Căn cứ theo lưu lượng doanh nghiệp báo cáo, sẽ có 60 triệu thuê bao bị thay đổi nhưng lưu lượng bị ảnh hưởng chỉ chiếm khoảng 20% tổng lưu lượng, đại diện Cục Viễn thông cho biết.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, việc chuyển đổi mã mạng là một trong những công tác trọng tâm của Bộ năm 2018. Ảnh: Trọng Đạt |
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ TT&TT đề xuất giải pháp cụ thể để thẻ dịch vụ viễn thông có thể sử dụng vào các dịch vụ ngoài viễn thông. Cục Viễn thông sẽ là đầu mối tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp viên thông để làm việc với Ngân hàng Nhà nước và đề xuất lên Chính phủ nhằm có giải pháp phù hợp.Liên quan đến kiến nghị về thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông, Cục Viễn thông cho rằng về nguyên tắc, phải thực hiện đúng theo những gì văn bản đã quy định. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với Cục Viễn thông để đưa ra giải pháp thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, vấn đề thẻ cào cho viễn thông thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT. Nếu dùng ngoài lĩnh vực viễn thông thì thẻ cào viễn thông thuộc phạm vi giao thoa của 2 lĩnh vực quản lý nhà nước. Bộ TT&TT đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước để tìm giải pháp hỗ trợ cho các nhà mạng. Thứ trưởng cũng khuyến nghị các doanh nghiệp đưa ra ý kiến để tìm hướng giải quyết cho vấn đề này.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Viễn thông chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai kế hoạch chuyển đổi mã mạng. Cục Báo Chí, Cục PTTH&TTĐT cũng cần phối hợp cùng Cục Viễn thông và các nhà mạng để tuyên truyền thông tin về kế hoạch chuyển đổi mã mạng.
“Đây là một trong những công tác trọng tâm của Bộ năm 2018. Do vậy, cần nhấn mạnh vào sự cần thiết của kế hoạch này để phát triển thị trường viễn thông”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
Bộ trưởng cũng lưu ý, dù có tới 60 triệu thuê bao di động 11 số, lưu lượng sử dụng của các thuê bao này chỉ chiếm khoảng 15-20% tổng lưu lượng các nhà mạng. Do vậy, cần thông tin để xã hội hiểu đúng về mức độ tác động của quá trình chuyển đổi thuê bao 11 số.
Tại buổi họp giao ban, Bộ trưởng Trương Minh tuấn cũng giao nhiệm vụ cho Cục Viễn thông cần sớm hoàn thiện kế hoạch chuyển mạng giữ nguyên số, tiếp tục thanh kiểm tra việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán SIM di động sai quy định.
Bộ trưởng lưu ý việc bán SIM kích hoạt sẵn đã bắt đầu trở lại. Do đó cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, tập trung vào thuê bao di động trả trước, quản lý giá cước, khuyến mại, thẻ cào.
Tác giả: Trọng Đạt
Nguồn tin: Báo VietNamNet