Tin trong tỉnh

Chuyện dưới chân núi Pù Lôm - Bài 1: Ma túy tràn qua, gia đình ly tán

Đỉnh núi Pù Lôm - nơi từng làm điểm tập kết, buôn bán ma túy với những "ông trùm" khét tiếng một thời xứ Nghệ - nay đã xanh thẳm và yên bình trở lại. Thế nhưng, những bản làng dưới chân núi này, nơi cơn lốc ma túy quét qua, vẫn âm ỉ nỗi đau dai dẳng khi nhiều gia đình ly tán vì tù tội và nghiện ngập.

Tuổi cao nhưng hàng ngày vợ chồng bà Hoa, ông Minh vẫn phải làm lụng mưu sinh và nuôi cháu

"Cái chết trắng" tàn phá bản làng

Chỉ cách trung tâm huyện Tương Dương (Nghệ An) khoảng 10 km và mất hơn chục phút chạy xe, chúng tôi đã có mặt tại UBND Xã Lượng Minh. Về mặt địa lý, xã Lượng Minh không phải là địa bàn xa ngái. Thế nhưng, nơi đây có địa hình vô cùng hiểm trở với những đỉnh núi cao vời vợi.

Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, con đường từ trung tâm thị trấn Hòa Bình đi qua xã Lượng Minh, vượt qua đỉnh núi Pù Lôm đến Mường Lống (Kỳ Sơn) sau đó sang Lào đã trở thành tuyến đường vận chuyển thuốc phiện nhức nhối.

Lượng Minh thành điểm tập kết và được mệnh danh là "thủ phủ" ma túy từ đó. Những đỉnh Pù Lôm, những bản Đửa, bản Xốp Mạt… mỗi khi nhắc đến đều khiến người khác rùng mình. Nơi gắn với tên gọi hết sức buồn thương như "bản không chồng", "bản mồ côi"…

Đỉnh Pù Lôm sau lưng bản Minh Phương

Chúng tôi trở lại Lượng Minh vào một ngày đầu tháng 10/2023, khi nơi đây vừa trải qua trận lũ lớn. Nhiều tuyến đường đến bản bị sạt lở khiến người dân không thể đi lại, hàng trăm học sinh cũng không đến được trường.

Trận lũ lớn xảy ra từ ngày 27/9 nhưng suốt cả tuần sau đó, chính quyền và người dân mới có thể khắc phục tạm thời hàng chục điểm sạt lở để giao thông từ bản Đửa, Minh Thành, Minh Tiến được thông suốt.

Vừa từ điểm sạt lở trở về, quần ống cao ống thấp, Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh - ông Vi Hồng Dương - nói như giãi bày: "Thời tiết ở đây quá phức tạp, mùa hè nắng như đổ lửa, mùa mưa như trút nước nên đường thường xuyên sạt lở khiến các bản làng bị chia cắt liên miên".

Theo Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh, thiên nhiên dù khắc nghiệt nhưng bằng nhiều cách, sẽ sớm khắc phục. Điều ông trăn trở nhất là 1.138 hộ dân chủ yếu là đồng bào Khơ Mú và Thái, phần lớn vẫn là hộ nghèo và cận nghèo. Ông Dương nói rằng, đó là hậu quả của việc bị ma túy "tàn phá" suốt nhiều năm và ông dự báo sẽ phải mất hàng chục năm "vết thương" này mới có thể lành.

"Có những bản không có thanh niên nào đủ sức khỏe để đi bộ đội. Có bản 190 hộ dân như Chẳm Puông nhưng chỉ có 6 hộ thoát nghèo. Ma túy để lại hệ lụy rất nặng nề, rất nhiều người đã chết vì ma túy, nhiều gia đình ly tán và có không ít đứa trẻ rơi vào nghịch cảnh mồ côi", ông Dương nói.

Con vừa lọt lòng, mẹ đã đi tù

Theo sự hướng dẫn của Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh, men theo con đường vắt vẻo bên sông Nậm Nơn, chúng tôi đến thăm gia đình bà Lương Thị Hoa ở bản Minh Phương.

Cũng như 47 gia đình đình người Thái khác trong bản, nhà bà Hoa nằm ngay bên dòng sông Nậm Nơn và bên kia sông là núi Pù Lôm sừng sững - địa danh cách đây vài thập kỷ, người lạ chẳng ai dám đặt chân vào.

Một bản làng khá yên bình bên dòng Nâm Nơn, dưới chân núi Pù Lôm

Nhà bà Hoa có hoàn cảnh rất khó khăn khi người con gái thứ 7, Lương Thị Loan, đang phải thụ án tù vì buôn ma túy. Ngày bị bắt, Loan đang mang thai. Sau khi sinh con, Loan "nhờ" bố mẹ chăm sóc con trai để mình vào trại giam trả án.

Vợ chồng bà Hoa sinh được 8 người con, cuộc sống vốn chỉ trông chờ vào nương rẫy nên gia đình luôn trong cảnh đói nghèo. Dù thiếu thốn trăm bề nhưng vợ chồng bà Hoa vẫn cố gắng nuôi các con khôn lớn.

Những năm đầu thập niên 1990, khi ma túy tràn về "càn quét" các bản làng ở Lượng Minh, bà Hoa cũng lo ngay ngáy nên luôn dặn các con "dù nghèo cũng không được dính vào cái chết trắng". Chồng bà Hoa - ông Lương Văn Minh vốn là người rất nghiêm khắc nên họ vẫn tự tin con mình sẽ tránh được nạn ma túy.

Dù đã "cảnh giác" cao nhất có thể nhưng một trong số 8 người con của bà Hoa là Lương Thị Loan vẫn không thể cưỡng lại cám dỗ của đồng tiền. Bà Hoa vẫn nhớ như in thời điểm Loan bị bắt, đó là một ngày giáp Tết, trời rét căm căm. Loan đang bụng mang dạ chửa nhưng vẫn nói với bố mẹ "đi làm thêm" để kiểm tiền tiêu Tết.

Nghe con nói vậy, bà Hoa cũng chỉ biết ậm ừ. Chưa từng rời khỏi làng bản, bà nào biết con mình đi làm gì. Tuy nhiên, mấy ngày sau, chính xác là ngày 18/12/2015, bà Hoa như bị sét đánh ngang tai khi nhận được tin dữ: Loan đã bị bắt vì buôn ma túy. Sau đó, Loan bị kết án tù chung thân và đến thời điểm hiện tại mới thụ lý được 8 năm tù.

Điều khiến bà Hoa, ông Minh đau khổ dằn vặt nhất là cháu Lương Gia B., con trai Loan. Gia đình bà Loan đông con nhưng đứa nào cũng có gia đình riêng và khó khăn nên cháu B. được vợ chồng bà Hoa nuôi dưỡng.

"Thời điểm bị bắt, Loan đã có người yêu tên Tuấn. Tôi cũng chỉ biết Tuấn quê Yên Thành và vài lần về ra mắt gia đình nhưng chưa nói chuyện cưới xin. Sau khi Loan bị bắt, Tuấn không quay lại nữa. Tôi cũng không biết cháu B. có phải con của Tuấn hay không? Không có bố, cháu phải mang họ mẹ", bà Hoa nghẹn ngào kể.

Bà Hoa năm nay đã 73 tuổi, ông Minh cũng đã 78. Cả 2 vợ chồng đều già yếu nhưng chưa lúc nào được nghỉ ngơi vì phải lo kiếm tiền mưu sinh. Cách đây 2 năm, bà Hoa không may bị ngã cầu thang gãy chân. Không được điều trị đến nơi đến chốn nên giờ chân bà khập khiễng, chỉ đi lại được trong nhà.

Từ ngày Loan đi tù, ngôi nhà của bà Hoa trở nên trống trải, u buồn

Ông Minh từng là trụ cột của gia đình nhưng đã nhiều năm nay sức khỏe giảm sút, ông không còn làm được việc nặng. Hàng ngày, bà Hoa may váy thuê, còn ông Minh đan ghế để bán. Mỗi chiếc váy, bà Hoa đan mất 1 tuần để có được 80 nghìn tiền công. Ông Minh khá hơn chút ít, khi mất 5 ngày để hoàn thành chiếc ghế, bán được 150 nghìn đồng.

Với số tiền ít ỏi kiếm được, vợ chồng bà Hoa phải chi tiêu tằn tiện nhưng vẫn bữa no bữa đói. "Thương cháu B. lắm nhưng chúng tôi không làm được gì hơn. Cháu thiếu cả vật chất lẫn tinh thần. Nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ chăm sóc, cháu buồn lắm. Nhiều đêm nhìn cháu tôi khóc, vợ tôi khóc rồi cháu cũng khóc", ông Minh kể.

Anh Vi Văn Cường - Công an viên bản Minh Phương - cho biết: Bản có 48 hộ và hầu hết là hộ nghèo và cận nghèo. Gia đình bà Hoa mới ra khỏi hộ nghèo nhưng thực tế hoàn cảnh họ vẫn khó khăn như trước. Chỉ vì xét theo tiêu chí mới nên gia đình không đạt.

"Người dân bản Minh Phương sống chủ yếu dựa vào rừng, mùa măng lấy măng, mùa hạt dẻ vào rừng nhặt hạt mang bán. Đất sản xuất rất ít, sống giữa rừng nhưng là rừng khoanh nuôi nên không được khai thác. Các hộ dân chỉ được chia ít đất nhưng do địa bàn dốc nên rất khó sản xuất.

Cũng vì nghèo khó nên nhiều người đã không vượt qua được cãm dỗ đồng tiền, "làm liều" đi buôn ma túy. Ngoài Loan còn có Nguyễn Thị Lệ cũng mới mãn hạn tù vì buôn ma túy. Lệ mới lên thành phố đi làm công nhân được ít ngày", anh Cường chia sẻ.

(Còn nữa).

Tác giả: Minh Châu

Nguồn tin: phunuvietnam.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP