Sáu năm đòi nợ, cho vay 50 triệu đồng nay được trả hơn 600 nghìn đồng.
Vào năm 2011, các ông bà Tăng Thị Thái, Đoàn Thị Thơ, Tăng Thị Hoài, Trần Thị Thơ, Ngô Thị Nhan, Trương Thị Lợi… đều trú ở huyện Diễn Châu, tham gia "chơi phường" với vợ chồng bà Đặng Thị Thu và ông Trần Văn Minh, trú tại xóm 1, xã Diễn Quảng làm "chủ phường" họp hàng tháng tại nhà bà Thu, quy định mỗi tháng bốc phường một lần, với mục đích giúp nhau làm kinh tế. Quá trình chơi phường, các cá nhân trên đều đóng tiền phường đầy đủ và họ chưa bốc phường lần nào thì đến tháng 11/2011, bà Thu, ông Minh tuyên bố vỡ phường. Sau khi vỡ phường, mới phát hiện ra ngoài nợ về tiền phường, bà Thu còn nợ tiền mặt của hàng chục người khác với số tiền hơn 3 tỉ đồng (tiền gốc, thời điểm năm 2011). Sau nhiều lần thương lượng đòi nợ không được, các cá nhân nói trên đã kiện ra TAND huyện Diễn Châu. Xử sơ thẩm, tòa án đã buộc bà Đặng Thị Thu và ông Trần Văn Minh có nghĩa vụ trả cho các cá nhân nói trên với số tiền hơn 3 tỉ đồng. Tòa tuyên kể từ ngày các nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bà Thu, ông Minh không trả đủ số tiền đã tuyên, thì hàng tháng còn phải trả thêm số tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước quy định. Do bản án đã có hiệu lực thi hành, bà Thu, ông Minh có điều kiện trả nợ nhưng không chịu trả, nên Chi cục THADS huyện Diễn Châu đã kê biên tài sản là nhà và đất của bà Thu để đảm bảo thi hành án. Số tiền kê biên tài sản thi hành án, bán đấu giá được 951.304.500 đồng. Số tiền trên đã chi hết 912.095.457 đồng. Số tiền còn lại để chia cho 27 nguyên đơn là 39.029.043 đồng, hơn 1% số tiền được tòa án tuyên trả cho các nguyên đơn.
Theo bản kê chi tiết thanh toán tiền bán tài sản kê biên của bà Đặng Thị Thu và ông Trần Văn Minh do Chi cục THADS lập để chi trả, các nguyên đơn được trả như sau: Bà Tăng Thị Hoài, số tiền 50.750.000 đồng, được trả: 631.823 đồng. Bà Đoàn Thị Thơ, số tiền 56.245.000 đồng, được trả; 700.234 đồng. Trương Thị Lợi, số tiền 33.167.000 đồng, được trả: 412.920 đồng. Tăng Thị Túy, số tiền 50.000.000 đồng, được trả; 622.000 đồng. Nguyễn Thị Huệ, số tiền 630.000.000 đồng, được trả: 7.843.317 đồng… Tổng số tiền của vợ chồng bà Thu, ông Minh nợ của các cá nhân là 3.149.394.000 đồng. Sau sáu năm kiện đòi lại đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình, họ được trả lại 39.209.043 đồng, hơn 1% số tiền gốc ban đầu.
Các nguyên đơn được Chi cục THADS huyện Diên Châu tra tiền thi hành án |
Ưu ái ngân hàng, cho vay 200 triệu đồng, nay được trả hơn 661 triệu đồng.
Đối với đồng tiền mồ hôi,nước mắt của người dân gom góp lại làm ăn, sau 6 năm đòi nợ, được thi hành án trả hơn một phần trăm số tiền gốc mà Tòa án đã tuyên. Thế nhưng năm 2011, bà Đặng Thị Thu và ông Trần Văn Minh vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần SHB 200 triệu đồng, nay thi hành án đã kê chi trả cho ngân hàng này số tiền lên tới hơn 661 triệu đồng. Đó là lý do làm cho số tiền thu hồi được lớn mà lại trả cho 27 nguyên đơn thấp như vậy. Mặc dù ngân hàng này không khởi kiện vợ chồng bà Đặng Thị Thu ra tòa án và cũng không yêu cầu thi hành án. Trước việc phân chia tài sản sau thi hành án bất công như vậy, ông Nguyễn Công Tuấn đã chất vấn Chi cục THADS huyện Diễn Châu là: Tại sao Ngân hàng TMCP- SHB lại được hưởng toàn bộ số tiền lãi và gốc mà người dân lại không được hưởng. Ngân hàng không có đơn thi hành án, không phát mãi tài sản, tại sao lại được thanh toán cả gốc và lãi. Tại sao trước đây 27 người đã được thi hành án thống nhất chia đều số tiền được thi hành án, nay lại chia theo hàng ưu tiên, ngân hàng được tính lãi suất.Ngân hàng cũng như người dân đều được chia theo kỷ phần, không có chuyện Ngân hàng được ưu tiên hơn người dân… Trả lời những thắc mắc trên, ông Phạm Tuấn Cương, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Diễn Châu trả lời như sau; ''Tại thời điểm kê biên, khối tài sản trên đã được thế chấp tại ngân hàng SHB, thi hành án xét thấy giá trị tài sản lớn hơn nhiều lần số tiền thế chấp nên thi hành án mới kê biên. Giá trị tài sản lúc đó gần 2 tỉ, nhưng qua nhiều lần giảm giá bán đấu giá đều không ai mua. Giá trị tài sản ngày càng nhỏ, nợ ngân hàng ngày càng tăng nên số tiền mà các ông bà nhận được rất nhỏ. Nếu bán được tài sản trên từ đầu, thanh toán cho ngân hàng chỉ 200 triệu, thì số tiền các ông các bà nhận sẽ cao. Chúng tôi khẳng định việc làm của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án huyện Diễn Châu là đúng với quy định của pháp luật."
Những kiến nghị của các nguyên đơn với Chi cục THADS huyện Diễn Châu là có cơ sở.
Trước việc phân chia tài sản sau thi hành án bất công như vậy, 27 nguyên đơn đã viết đơn kiến nghị yêu cầu Chi cục THADS huyện Diễn Châu trả lời rõ. Theo trả lời của ông Chi cục trưởng, lúc kê biên tài sản của bà Thu, khối tài sản trên đã được thế chấp tại ngân hàng SHB. Như vậy tài sản trên là của ngân hàng. Vậy căn cứ vào đâu mà Chi cục lại kê biên tài sản của ngân hàng. Ngân hàng không khởi kiện, không yêu cầu thi hành án kê biên, phát mãi tài sản mà chỉ có 27 cá nhân khởi kiện và yêu cầu phát mãi tài sản. Thế nhưng sau kê biên, bán đấu giá, ngân hàng lại được trả cả gốc và lãi, còn các nguyên đơn lại thì không được. Ngân hàng SHB là Ngân hàng Thương mại Cổ phần do nhiều cá nhân góp vốn, hoạt động theo cơ chế thị trường, lời ăn,lỗ chịu, được pháp luật bảo vệ. Người dân cũng được pháp luật bảo vệ. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Vậy căn cứ vào điều khoản nào mà Chi cục THADS lại ưu tiên ngân hàng hơn người dân. Điều khó hiểu là, Chi cục nói tài sản định giá ban đầu là 2 tỉ, sau nhiều lần đấu giá không ai mua, sau chỉ bán được 951 triệu đồng .Thế nhưng trước đây, các nguyên đơn xuống cơ quan này xin mua với giá 1,2 tỷ thì họ không bán, bây giờ chỉ bán có 951 triệu là chuyện lạ? Trả giá cao, bán giá thấp, vay ít, trả nhiều, vay nhiều, trả ít, tiền ngân hàng cho vay thì tính hết sức chi ly, tính toán có lợi nhất cho ngân hàng, còn tiền mồ hôi nước mắt của dân thì xem như cỏ rác…đó là những chuyện lạ ở Chi cục THADS huyện Diễn Châu.
Tác giả: Trung Hiếu
Nguồn tin: Ngaymoionline.vn