Tin trong tỉnh

“Chuyện lạ” ở xã biên giới: Con đường chỉ đổ 1/3 bê tông

Đem thắc mắc về một số đoạn đường giao thông chỉ đổ 1/3 bê tông, 2 phần đường còn lại vẫn đất đá lổn nhổn, hỏi người dân và cán bộ UBND xã Nậm Giải, chúng tôi nhận được những câu trả lời khá bất ngờ.

Chúng tôi đến 3 bản xa nhất của xã Nậm Giải (Quế Phong), đây là những bản sát biên giới Việt - Lào, gồm bản Pục, bản Meo và bản Piêng Lâng. Đây là 3 bản chưa có sóng điện thoại, đường giao thông đi lại khó khăn nhất của xã Nậm Giải.

Con đường chính dẫn đến 3 bản biên giới xa nhất của xã này chạy men theo dòng Nậm Giải lúc lên cao, lúc xuống dốc với những ụ đất, đá lổn nhổn. Có những đoạn lại nước trên khe tràn xuống khiến đất lầy sục, bùn đất bám chặt lấy bánh khiến xe quay tít không nhúc nhích.

Những đoạn đường đổ bê tông 1/3 ở xã Nậm Giải. Ảnh: Hoài Thu

Dọc đường đi, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp một đoạn đã được đổ bê tông, và đặc biệt chỉ mới được đổ bên tông 1/3 đường.

“Mỗi lần đi cơ sở, xuống với người dân 3 bản biên giới này, cán bộ xã không ít lần bị trơn trượt, ngã trầy xước chân tay. Còn học sinh, giáo viên đến trường thường xuyên bị ngã xe, thương lắm”, ông Sầm Văn Duyệt - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Giải cho hay.

Đường lên bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải (Quế Phong). Ảnh: Hoài Thu

Nghĩ cách khắc phục sự khó khăn của đường sá, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, mỗi năm, ngoài chờ nguồn xi măng Nhà nước cấp và xã tự lo liệu kinh phí cát đá làm đường bê tông, cán bộ, đảng viên, nhân viên cơ quan UBND xã Nậm Giải đã tự đóng góp tiền làm một số đoạn đường bê tông ở các đoạn đường xung yếu, quá khó khăn trong đi lại.

Ông Lô Văn Mai ở bản Pục cho biết, “cán bộ UBND xã và các đoàn thể, đơn vị trên địa bàn xã tự nguyện đóng tiền và trực tiếp xắn tay trộn cát đá, xi măng làm đường cho bà con. Chúng tôi vui lắm, biết ơn cán bộ lắm. Đường chỉ mới đổ được 1/3 nhưng như vậy cũng tốt lắm rồi”.

Nói thêm về điều này, ông Sầm Văn Thành - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, các thành viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã mỗi người góp 500 nghìn đồng; còn lại tùy theo khả năng mỗi người góp từ 100 - 300 nghìn đồng. “Mỗi năm một ít, góp gió thành bão. Vì không đủ tiền để đổ toàn bộ mặt đường nên giải pháp tạm thời là đổ 1/3 làn đường. Để tiết kiệm chi phí, ngày nghỉ cán bộ cũng tự tay trộn cát, xi măng đổ bê tông cùng với sự giúp sức của nhiều người dân” - ông Sầm Văn Thanh cho hay.

Anh Lô Văn Tính ở bản Cáng cho biết, tuy chỉ đổ 1/3 đường nhưng cũng đã góp phần giải quyết rất lớn nhu cầu đi lại của người dân, nhất là vào mùa mưa, có những "đoạn 1/3" ấy mà chúng tôi đã đi lại dễ dàng hơn, không còn cảnh trượt ngã thường xuyên như trước đây.

Đường vào bản Pục, xã Nậm Giải (Quế Phong). Ảnh: Hoài Thu

Dù chỉ là giải pháp tình thế, nhưng việc làm của cán bộ xã Nậm Giải đã giúp nhân dân thuận tiện rất nhiều trong đi lại, các cháu học sinh và thầy, cô giáo đến trường không còn bị trượt ngã lấm lem bùn đất mỗi mùa mưa xuống.

Góp vui bên cạnh câu chuyện làm đường ở bản, Bí thư bản Cáng Ngân Văn Tường nhớ lại những năm 2000 bà con Nậm Giải bỏ cả làm rẫy để đi xem cái máy xúc lần đầu tiên vào đến xã để san đường. Các cụ cao tuổi thì xuýt xoa “khi mô con ngựa có sừng thì người dân Nậm Giải mới có ô tô đi”. Trước đó, cán bộ xã ra huyện họp phải đi bộ mất gần 2 ngày, không có ai biết đến cái xe máy, ô tô là gì.

Được biết, năm 2018 xã Nậm Giải huy động nhân công làm được 554m đường bê tông ở bản Mờ và 200m ở bản Piêng Lâng. Ngoài ra đầu tư công trên địa bàn xã Nậm Giải giai đoạn 2017 - 2018 được ưu tiên cho việc xây dựng 4 công trình gồm Nhà đa chức năng Trường Tiểu học và PTCS, Kè bê tông cốt thép Trường Tiểu học và PTCS bản Pòng và Công trình phụ trợ Trường Mầm non Piêng Lâng. Ngoài ra còn dành để cải tạo, sửa chữa nhà MTTQ và các đoàn thể. Hiện nay đang sửa chữa mương Huôi Giản và một số hạng mục Trạm Y tế xã.

Lãnh đạo xã Nậm Giải gặp gỡ cán bộ thôn bản. Ảnh: Hoài Thu

Ông Sầm Văn Thành cũng cho biết thêm, hiện nay xã Nậm Giải có 3 công trình đã xong hồ sơ chuẩn bị khởi công trong năm 2018 gồm đường giao thông nông thôn bản Meo, Công trình nhà ở giáo viên Trường Tiểu học Nậm Giải (điểm trường bản Piêng Lâng) xã Nậm Giải và đường giao thông nông thôn bản Cáng - bản Pục (giai đoạn 1).

Chỉ với những việc làm như vậy nhưng đã thể hiện được sự quan tâm sâu sát, sự trăn trở của cán bộ, đảng viên UBND xã Nậm Giải đối với người dân. Và cũng từ đó đã góp phần tăng niềm tin của người dân với chính quyền, tạo mối đoàn kết, củng cố tổ chức cơ sở đảng nơi đây.

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP