Nhân ái

Chuyện người phụ nữ “đẻ rớt” và những đứa trẻ mơ ước được đến trường

Những đứa con chị Việt từ lúc sinh ra chưa bao giờ được ăn “một bữa no”, không giấy khai sinh, không được đi học. Mới đây, khi chuyển dạ đứa con thứ 5, chị Việt không có tiền đành phải “vượt cạn” tại nhà. Đứa bé đẻ rơi xuống nền đất, hàng xóm biết chuyện nên hai mẹ con mới được đưa đến trạm y tế xã để cắt rốn.

Đó là câu chuyện về hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Đào Anh Việt (38 tuổi) và người chồng Nguyễn Quốc Tuấn (19 tuổi), trú tại thôn Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Số phận éo le

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi có dịp ghé về gia đình chị Đào Anh Việt ở Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc. Hằng ngày, 6 mẹ con chị Việt sống lay lắt trong bất hạnh, nghèo đói.

Gia đình người phụ nữ nghèo ấy nằm ở tít tận chân núi, chỉ cách khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc chừng 3km. Sở dĩ chúng tôi gọi đó là người phụ nữ nghèo bởi chị là hoàn cảnh éo le mà tôi chưa từng gặp.

Những đứa trẻ con chị Việt dù đến tuổi đi học nhưng vẫn không có giấy khai sinh.

Ngôi nhà tình thương cấp 4 được nhà nước hỗ trợ xây dựng khoảng 5 năm về trước của mẹ chồng chị Việt. Nhìn kĩ quanh ngôi nhà chẳng có vật dụng nào trị giá nổi 200 nghàn đồng.

Thấy người lạ đến chơi, những đứa trẻ ân cần chảo hỏi. Chị Việt đang nằm giường cùng đứa con vừa sinh từ 3 ngày trước. Có lẽ do cuộc sống vất vả, lại sinh tận 5 đứa con nên khuôn mặt người phụ nữ ấy đã già hơn cái tuổi 38 rất nhiều.

Bế đứa trẻ trên tay, chị Việt ngậm ngùi kể về cuộc đời mình. Gương mặt đen sạm, khắc khổ, thân hình gầy gò, ốm yếu, giọng nói thều thào, đứt quãng như đã phần nào nói lên cuộc đời đầy bất hạnh, gian truân của Mình.

Chị Đào Anh Việt cho biết, chị sinh ra ở xã Sơn Hàm, huyện miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nhà nghèo nên chị phải bỏ học từ sớm để phụ việc với cha mẹ. Không được học đến nơi đến chốn, người phụ nữ ấy chỉ biết chữ vừa đủ viết tên mình.

Cuộc sống thiếu thốn đủ bề của mẹ con chị Đào Anh Việt.

Vào năm 2005, chị Việt kết hôn với một người đàn ông cùng huyện trước sự ngỡ ngàng của người thân và hàng xóm. Mơ ước của người phụ nữ là lấy chồng và được chồng thương yêu, cùng nhau nuôi dạy con cái. Nhưng cuộc sống không như chị Việt mong đợi, người chồng của chị nghiện ma túy. Những vật dụng trong gia đình đều không cánh mà bay, 3 đứa trẻ lần lần lượt ra đời trong thiếu thốn. Chị Việt đành ôm những đứa con nhỏ về quê mẹ đẻ để nương nhờ.

Nhưng cuộc sống quá bế tắc, gia đình bố mẹ đẻ cũng rất nghèo, chị Việt phải lo từng bữa ăn cho đứa trẻ. Cô con gái đầu lòng Phạm Thị Thu Đông vừa bước vào lớp 1 được vài tháng, vì nghèo quá nên đành bỏ học giữa chừng.

Mơ ước một ngày được cắp sách tới trường

Khi người chồng bỏ rơi, chị Việt một thân một minh nuôi 3 đứa con thơ dại. Không nơi nương tựa, người phụ nữ ấy đành mang các con về nhà mẹ đẻ.

Năm 2016, duyên phận đưa đẩy người đàn ông khác đến với chị, đó là chàng thanh niên kém chị tới gần 20 tuổi. Chị kể, trong một lần đi làm thuê, chị Việt gặp và quen biết với anh Nguyễn Quốc Tuấn, quê ở xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc.

Tuấn sinh ra không có bố, lớn lên cũng chẳng được đi học. Năm 13 tuổi Tuấn phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm miếng cơm manh áo. Thời điểm quen Việt, Tuấn vừa tròn 16 tuổi. Dù biết người mình yêu đã từng một đời chồng và 3 đứa con nhỏ nhưng Tuấn vẫn muốn về sống chung cùng người phụ nữ nghèo ấy. Họ tổ chức một vài mâm cơm mời người thân rồi về ở với nhau như vợ chồng.

Đến năm 2017, hai vợ chồng chị Việt sinh được thêm bé gái Nguyễn Thục Nhi. Tuấn thương yêu những đứa con riêng của vợ chẳng khác gì con đẻ. Hoàn cảnh khó khăn, Tuấn phải để vợ con ở quê để vào miền Nam làm phụ hồ, kiếm tiền về nuôi vợ và các con.

Khi hỏi về những đứa con vì sao không có giấy khai sinh, chị Việt cho biết : “Ba đứa lớn sinh ra ở quê chồng, giờ không có giấy tờ nên sợ họ không làm cho. Với lại nhà tôi nghèo, không có tiền cho con đi học nên cũng chưa đi làm giấy khai sinh cho các con”.

Trong ngôi nhà chẳng có vật dụng nào đáng giá.

Chồng đi làm ở xa, chị Việt cũng vừa chuyển về quê chồng nhưng ở vùng núi này chị chẳng có mấy người thân để trông cậy. Có những lúc cả 5 mẹ con hết gạo, chị Việt phải đi xin rau muống về luộc cho mấy đứa trẻ ăn qua ngày.

Cách đây 3 hôm, chị Việt bất ngờ chuyển dạ nhưng chị không biết kêu ai, nhờ ai. Người thân bên cạnh chỉ là những đứa con còn thơ dại. Trong túi chị không có nổi 10 nghìn đồng nên người phụ nữ ấy quyết tâm tự sinh con ở nhà. Chị sinh con kiểu nguyên thủy nhất của loài người, mà người ở quê thường gọi là “đẻ rớt”. Nghĩa là vì mẹ nó ko có tiền, lúc đau đẻ chỉ biết ôm bụng rên la quằn quại. Khi con rơi xuống nhà, hàng xóm biết chuyện chạy đến bồng cả mẹ, con chạy sang trạm y tế để cắt rốn.

Chị Trần Thị Liễu, cán bộ thú y xã Mỹ Lộc, hàng xóm của vợ chồng chị Việt cho biết: “Từ trước tới giờ, tôi chưa từng chứng kiến hay nghe kể về trường hợp gia đình nào khổ đến vậy. Lúc chị Việt sinh con nhưng trong túi không có tiền nên chị đẻ rớt ở nhà, chúng tôi thấy vậy nên đã đưa hai mẹ con ra trạm y tế xã để cắt rốn cho bé”.

Trong ngôi nhà, cả 5 đứa trẻ được sinh ra trong sự thiếu thốn trăm bề, không tài sản, không tiền bạc. Chúng sinh ra nhưng không có giấy khai sinh, dĩ nhiên những đứa trẻ ấy dù đã đến tuổi đi học nhưng chúng cũng chưa từng được đến trường. Rất may mắn khi cả 5 đứa trẻ sinh ra đều khỏe mạnh bình thường.

Khi hỏi về mơ ước của những đứa trẻ, cháu Phạm Thị Thu Đông 12 tuổi và cháu Nguyễn Quốc Khánh (8 tuổi) đều cho biết mong một ngày sẽ được đi học như các bạn trong làng. “Cháu và các em thấy các bạn được đi học chữ ở trường cũng thích lắm. Nhưng mẹ cháu bảo tiền đong gạo còn không có thì làm sao đi học được. Bọn cháu luôn mơ ước một ngày nào đó sẽ được đến trường đi học”, cháu Thu Đông chia sẻ.

Những đứa bé mơ ước một lần được đến trường như các bạn.

Khi đem câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn và chị Đào Anh Việt trao đổi với chính quyền xã Mỹ Lộc nhưng lãnh đạo xã không ai nắm rõ hoàn cảnh của họ.

“Cách đây chừng 5 năm, chính quyền địa phương có hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Hoàn (mẹ Tuấn). Trong hộ khẩu cũng chỉ có 2 mẹ con Tuấn. Việc Tuấn đã có vợ và những đứa con chúng tôi nay mới nghe. Có thể họ không đăng kí kết hôn và ít về địa phương sinh sống nên không mấy ai biết”, chị Hoàng Thị Giang, cán bộ thương binh – xã hội xã Mỹ Lộc cho hay.

Trao đổi với PV, ông Trần Đình Trung, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết: “Gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn đúng là hộ nghèo trong xã. Nhưng quả thật thời gian qua chúng tôi cũng không nắm rõ về hoàn cảnh gia đình anh này vì họ chẳng mấy khi ở quê. Nếu đúng là hoàn cảnh đáng thương như vậy xã sẽ hỗ trợ, giúp đỡ để các cháu sớm được đi học và có biện pháp về tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình”.

Tác giả: Thiện Quyền - Thúy Nga

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP