|
Ngày 30/10, chuyến bay hồi hương của 4 cha con Hoàng Kim Thảo đáp xuống sân bay Liên Khương (Đức Trọng, Lâm Đồng). Chị ôm chặt hũ tro của ba trong tay, hũ cốt nằm gọn trong chiếc hộp giấy, bên trên ghi rõ thông tin cá nhân của người mất.
Đoạn clip con gái đưa ba về quê hương sau 57 ngày giãn cách khi đăng tải trên mạng xã hội đã lấy đi nước mắt nhiều người xem.
Chị Hoàng Kim Thảo đáp chuyến bay đưa tro cốt ba hồi hương |
Chia sẻ với chúng tôi, Kim Thảo cho biết, 9 tháng trước chị đưa cha lên TP. HCM khám bệnh. Người cha 64 tuổi, cả đời chỉ loanh quanh nơi vườn tược, đồng áng với vợ, còn Thảo và 2 em gái lên thành phố làm việc. Khi biết ba có bệnh, chị đã về quê đón ba lên TP. HCM. Lần đầu tiên được đi máy bay, thấy ba mẹ háo hức, chị cũng vui lây.
Thế nhưng niềm hạnh phúc ngắn ngủi chẳng được bao lâu, Thảo chết sững khi biết bác sĩ báo tin cha bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Thời điểm đó, TP HCM cũng bắt đầu siết chặt lệnh giãn cách, dịch Covid-19 căng thẳng. Mà bệnh tình lại diễn biến nhanh, Thảo chỉ có thể điều trị thuốc và chăm sóc ba tại nhà.
"Ngày ba nguy kịch, nồng độ oxy trong máu xuống thấp, bác sĩ bảo đưa ba vào bệnh viện gần nhất. Lúc đó ba hôn mê rồi, không nói thêm được lời nào. Lúc đẩy xe cấp cứu, mình nắm chặt tay ba nói: Ba ơi ba ráng lên, cố gắng về với con về với mẹ. Không hiểu sao lúc ấy ba chảy nước mắt, có lẽ lúc ấy ba vẫn còn ý thức được lời mình nhắn nhủ", Thảo nhớ lại.
Mọi thứ xảy ra đột ngột, trước khi nhắm mắt, ba chị cũng không kịp nói lời nào trăn trối thêm với gia đình và vợ con.
Thảo đón cha lên thành phố chạy chữa bệnh, đó là lần đầu tiên cha chị được ngồi máy bay |
Ba Thảo được chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn cuối |
Sau khi ba mất, Thảo đợi bệnh viện xét nghiệm PCR thêm 2 ngày rồi mới nhận được tin báo âm tính với Covid-19. Chị xin các bác sĩ được vào đón ba về hỏa táng và đưa ba về quê. Tuy nhiên tỉnh Lâm Đồng khi đó cũng áp lệnh giãn cách, mọi quy định ra vào tỉnh đều phải thực hiện nghiêm ngặt.
Thảo phải đợi thêm 57 ngày nữa, tức vào hôm 30/10 vừa qua, chị mới có thể đưa ba về mai táng ở quê hương.
"Hành trình đưa tro cốt ba về quê cũng rất khó khăn, phải xin giấy tờ và đợi kết quả xét nghiệm khá lâu. Mẹ mình ở quê cũng rất nóng lòng gặp ba, vì ngày ba ra đi, mẹ cũng không được nhìn mặt ba lần cuối", Thảo tâm sự.
Vậy là hành trình 9 tháng chạy chữa của ba đã kết thúc. Ngày hồi hương, cũng là lần cuối cha con Thảo được ngồi máy bay với nhau. Thảo nói, đó sẽ là chuyến bay đáng nhớ nhất, đi theo suốt cuộc đời chị sau này.
Tác giả: Thủy Tiên
Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc