Giáo dục

Cô giáo người Thái nhận nuôi trò nghèo

Với đồng lương giáo viên ít ỏi, còn nhiều khó khăn nhưng cô Nguyệt lần lượt nhận nuôi thêm 4 đứa trẻ không nơi nương tựa. Chúng thiếu thốn tình cảm và sự giáo dưỡng của bố mẹ, nên cô phải uốn nắn từng lời ăn, tiếng nói.

Cô Chương Thị Hồng Nguyệt nhận nuôi 2 anh em Lô Văn Thành – Lô Văn Đạt từ khi mới vào lớp 1 đến nay.

Sẻ bớt miếng cơm

Năm 2008, cô Chương Thị Hồng Nguyệt (sinh năm 1972,Trường THCS Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) đi đón dâu cho con trai lớn. Nhà gái ở bản Khe Thơi, cách nhà cô ở xã Châu Khê hơn 10 cây số. Trong ngày vui của gia đình, cô nhìn thấy 2 đứa trẻ còi cọc, tự chơi với nhau mà không có bố mẹ bên cạnh.

Thầy Phạm Quốc Hoàng – Hiệu Trưởng Trường THCS Lạng Khê chia sẻ, cô Nguyệt rất tâm huyết, nhiệt tình với học trò, trách nhiệm với công việc chuyên môn. Cô nhận nuôi các cháu nhỏ không phải anh em họ hàng, chăm sóc, cho ăn học từ khi còn học mẫu giáo đến nay mà không suy tính điều gì. Trong khi cuộc sống gia đình cô còn nhiều vất vả. Việc làm thầm lặng suốt nhiều năm qua của cô Nguyệt, không phải giáo viên nào cũng làm được.

“Hỏi ra mới biết đó là 2 đứa cháu ngoại của bà thông gia, gọi con dâu tôi là dì ruột. Nhưng bố mẹ chúng nó bỏ nhau. Mẹ sang Trung Quốc làm ăn, bố thì đã đi lấy vợ mới, không ngó ngàng đến con cái. Hai đứa trẻ bơ vơ sống với bên ngoại. Bà già yếu, bệnh nặng nên chỉ biết theo dì, mà giờ dì cũng đi lấy chồng. Thấy thương quá, tôi đón cả con dâu, cả 2 cháu về nhà”, cô Nguyệt nhớ lại.

Nói vậy, nhưng nuôi thêm 2 đứa trẻ như con cái trong nhà không dễ dàng. Cô Nguyệt nhận không ít lời nghi ngại từ những người xung quanh. “Hồi đó nhà tôi cũng còn vất vả lắm, chỉ có 2 gian nhà tạm bằng tre nứa. Lương của tôi đang thấp, chồng thì làm nông. Con trai đầu mới lấy vợ cần bố mẹ giúp đỡ, còn phải lo ăn học cho 3 đứa, nếu tính cả 2 đứa nhỏ mới nhận”, cô Nguyệt kể.

Nhưng cô cũng không tính toán nhiều, mà chỉ nói với chồng: “Bình thường mình ăn 5 miếng, thì bây giờ bớt đi 2 miếng, rồi cũng nuôi được thôi. Mình cũng khổ, nhưng 2 đứa còn khổ hơn”. Vậy là anh em Lộc Văn Thành và Lộc Thị Thảo Nhi bắt đầu về ở với mẹ Nguyệt.

Trong trí nhớ của cô Nguyệt, hai đứa trẻ lớn lên thiếu sự chăm sóc, quan tâm của bố mẹ nên “dại lắm, rụt rè, chậm hơn so với bạn bè cùng độ tuổi. Thời điểm đó Lộc Văn Thành đang học lớp 3, còn em gái Thảo Nhi chuẩn bị vào lớp 1. Nhưng kiểm tra bài vở thì quên hết, không nhớ được chữ nào. Vậy là ngày đi học ở trường, tối về mẹ con lại “đánh vật” với nhau. Không thể nào ở với mẹ làm cô giáo mà con không biết chữ.

Dần dần, cũng quen với cuộc sống mới, theo kịp bạn bè trong lớp học. Nhà cô Nguyệt ở xã Châu Khê, nhưng khi lên cấp 2, cô xin chuyển cho Thành và Thảo Nhi lên học THCS Lạng Khê (nơi cô đang công tác) để tiện đưa đón. Mặt khác, cũng để gần bên ngoại của 2 đứa, tiện về thăm bà ngoại. Cô vẫn luôn dạy 2 con biết yêu thương bà, không quên máu thịt của mình…

Từ hai con ngựa bất kham, anh em Thành – Đạt đã là học sinh ngoan, về nhà biết phụ giúp ông bà nhiều việc.

Uốn nắn “đôi ngựa bất kham”

Khác với 2 anh chị, cặp sinh đôi Lô Văn Thành – Lô Văn Đạt được cô Nguyệt nhận nuôi cách đây 4 năm từng là nỗi “ám ảnh” của giáo viên ở trường.

Cô Nguyệt cho hay: “Hai đứa như con ngựa bất kham. Lên lớp thì chọc phá bạn bè, không chịu ngồi yên một chỗ, không nghe lời ai. Đến nỗi các cô trường tiểu học “bó tay”, đòi trả Thành – Đạt nếu không phải nằm trong hộ khẩu của bà Nguyệt. Không chỉ ở trường, mà về nhà cũng vậy. Sểnh ra là chạy đi chơi, bà con trong bản cũng không chịu nổi sự nghịch ngợm của 2 đứa. Ông bà toàn được nghe kể tội Thành - Đạt trêu đuổi gà, lợn, bò của hàng xóm”.

Cô Nguyệt kể, lúc nhận nuôi thêm 2 cháu Thành, Đạt cũng rất tình cờ. Trong một lần đi thăm nhà họ hàng và học sinh trong trường, cô gặp 2 đứa trẻ chân đất, không có quần, trên người chỉ mặc manh áo giữa trời mùa đông rét buốt. Hỏi chuyện mới biết 2 cháu nhà ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương, hôm ấy được bà ngoại đưa về Lạng Khê chơi. Bố nghiện ma túy. Mẹ lấy chồng từ năm 15 tuổi, sinh con không lâu sau thì nghe lời người quen rủ sang Trung Quốc làm ăn, từ đó bặt vô âm tín. Hai đứa trẻ không biết nương tựa vào ai ngoài ông bà. Nhưng ông bà nhiều cháu, cuộc sống nghèo nàn, vất vả chẳng quan tâm, bù đắp được gì cho anh em Thành, Đạt.

Thấy hoàn cảnh éo le, cô Nguyệt ướm hỏi: “Có về ở với bà đi học không?”. Hai đứa gật đầu, trả lời: Có! Nói vậy, nhưng cô phải xin phép gia đình của Thành – Đạt, không ngờ nhận được sự đồng ý nhanh chóng của ông bà 2 cháu. “Họ cũng mừng, vì có cô giáo nhận nuôi, có lẽ cũng khổ quá”, cô Nguyệt kể.

Vậy là một lần nữa, cô giáo người Thái nhận cưu mang thêm 2 đứa trẻ chẳng phải ruột rà, máu mủ. Lúc ấy, Thành và Đạt bắt đầu vào lớp 1, cô xin chuyển hộ khẩu, mua sắm sách vở, quần áo mới, nhập học cho 2 cháu vào Trường Tiểu học Châu Khê, huyện Con Cuông. Nhưng vốn chưa đi học mẫu giáo đầy đủ, tính cách còn hoang dại, vô kỷ luật, nên lần này, cô Nguyệt còn vất vả gấp nhiều lần để rèn giũa 2 đứa, trong cái lắc đầu “bất lực” của những người xung quanh. Hai vợ chồng bảo nhau: “Giờ các con không nơi nương tựa, thì ông bà nuôi cứ nuôi cho nậy (lớn) đã, rồi sau thế nào tùy cháu”.

Cô bắt đầu dạy 2 đứa trẻ từ cách giao tiếp chào hỏi, tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Buổi tối tập đọc, tập viết. Giao cho Thành – Đạt làm những việc nhỏ như quét nhà, cho gà ăn… Hai “con ngựa hoang” dần dần cũng đã biết vâng lời, bớt quậy phá, biết hoàn thành việc ông bà giao. “Bước sang lớp 3, thì các cô trường tiểu học lại thốt lên, hỏi bà rèn kiểu gì mà giờ Thành – Đạt cái gì cũng biết. Kỹ năng sống còn tốt hơn cả các bạn khác trong lớp. Ăn uống đầy đủ, 2 anh em cũng lớn hẳn lên, không còn gầy ốm như trước nữa”, cô Nguyệt phấn khởi khoe.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyệt vẫn tận tâm với nghề và quan tâm giúp đỡ nhiều học sinh.

Mong các con đủ kỹ năng vào đời

Đến nay đã hơn 20 năm đi dạy, cô Chương Thị Hồng Nguyệt vẫn giữ lòng yêu nghề, tận tâm với học sinh trong từng tiết học.

So với đồng nghiệp, cô Nguyệt vào nghề muộn hơn, sau khi đã lấy chồng, sinh 2 đứa con. Ngày ấy, cuộc sống của bà con người Thái ở miền Trà Lân còn muôn vàn khó khăn, khổ cực. Gia đình cô Nguyệt cũng không ngoại lệ. Cái đói nghèo, lạc hậu khiến cô gái học hết phổ thông đành gác lại ước mơ làm giáo viên, ở nhà phụ giúp kinh tế cho bố mẹ. Nương rẫy, những vụ mùa, nỗi lo cái ăn cái mặc thay cho giảng đường.

Sau khi 2 con cứng cáp, vào mẫu giáo, cô Nguyệt mới nhớ lại ước mơ của mình. Được chồng động viên, đến năm 1996 Nguyệt trúng tuyển Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Bà mẹ 2 con trở thành sinh viên, vừa học, vừa nhớ con quay quắt.

Ngoài giờ học trên lớp, về nhà cô Nguyệt còn phụ đạo thêm cho Thành – Đạt.

Nhưng khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng chưa kịp nộp hồ sơ xin việc, cô gặp tai nạn nghiêm trọng. Chấn thương nặng khắp cơ thể khiến cô giáo trẻ phải nằm một chỗ, và điều trị phục hồi suốt hàng năm liền. Thoát cửa tử, đến năm 2001, cô Nguyệt mới nộp hồ sơ đi dạy, và nhận công tác tại Trường THCS Lạng Khê. Sau bao nhiêu hoạn nạn, cuối cùng cô chính thức bước lên bục giảng, trở thành giáo viên dạy môn Sinh học - như mơ ước của thời con gái. Cuộc sống chưa hết vất vả, nhưng đã bớt gian nan, ổn định hơn.

Suốt hơn 20 năm trong nghề, cô cũng đã giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh học sinh khó khăn, thiệt thòi. Dù bản thân cuộc sống gia đình cô đến nay vẫn chưa hết vất vả, và đang nuôi con nhỏ. Tâm niệm của cô là mong học trò không em nào vì cái nghèo mà phải bỏ dở học hành. Bởi chính cuộc đời cô cũng đã trải bao gian nan để theo đuổi ước mơ của mình.

Cả 4 đứa trẻ cô nhận nuôi cũng dần khôn lớn. Em Lộc Thị Thảo Nhi đang học lớp 8 tại Trường THCS Lạng Khê, còn 2 cậu út Thành – Đạt năm nay lên lớp 4. “Hai con ngựa hoang” trước đây giờ đã thành học sinh ngoan, về nhà biết chăn bò, cắt cỏ, giúp đỡ việc nhà cho ông bà. Riêng Lộc Văn Thành sau khi tốt nghiệp THCS, thấy lực học không theo lên được THPT nên xin bố mẹ học sơ cấp nghề rồi đi làm.

“Dịp Tết vừa rồi về nhà, không biết đi làm lương được bao nhiêu, mà dành dụm đem tiền cho mẹ. Nhưng tôi không nhận, nói với con là bố mẹ có tiền rồi, con cứ cất đi, sau này có việc gì quan trọng mà dùng tới”, cô Nguyệt vui mừng kể về con trai.

Cô tâm sự thêm, điều mừng nhất là các con lớn lên ngoan ngoãn, chăm chỉ, biết vâng lời bố mẹ, ông bà. Khi nhận về nuôi, cô chỉ vì cái tâm của mình, sợ nếu cứ để chúng tự lớn lên mà không có bố mẹ quan tâm chăm sóc, sẽ thất học mất. Cô cũng không kỳ vọng những đứa trẻ của mình học hành giỏi giang, mà chỉ cần con có kiến thức cơ bản, biết kỹ năng để sau này có công việc, tự nuôi sống bản thân.

Cách đây gần 15 năm, ngày cô Chương Thị Hồng Nguyệt đưa 2 đứa trẻ xa lạ về làm con nuôi, nhiều người nghi ngại: “Gà cỏ thì trở mỏ về rừng”, có lòng thì cho ít quà, đừng đem về nuôi, sau này biết có hiếu nghĩa không, hay quay về tìm bố mẹ đẻ. Còn chồng cô nhìn 2 gian nhà tạm, chỉ lo vợ khổ. Nhưng cô nói với chồng con: “Mình ăn 5 miếng, thì bây giờ bớt đi 2 miếng…”. Vậy là nuôi! Đến năm 2018, cô tiếp tục đưa 2 anh em sinh đôi khác về nuôi ăn học, cũng chỉ vì thấy thương hoàn cảnh éo le, nếu bỏ làm ngơ, không biết cuộc đời chúng sẽ thế nào…

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP