LTS: Ngày 24/11/2015, cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) vui mừng đón nhận thông tin, Quốc hội đã chính thức thông qua luật hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính tại Việt Nam. Những người có nhu cầu chuyển giới có thể thực hiện phẫu thuật ngay trong nước, theo như pháp luật cho phép. Đồng thời, những người đã phẫu thuật chuyển giới sẽ có quyền và nghĩa vụ thay đổi giới tính trên giấy tờ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này những người đang trong quá trình chuyển giới chia sẻ rằng họ cũng gặp phải không ít khó khăn, từ việc công khai giới tính thật cho đến việc chuyển giới. Từ điều này, PV đã lắng nghe chia sẻ của những người chuyển giới trong loạt bài “Hành trình tìm lại chính mình”, mời quý độc giả đón đọc. |
Ám ảnh cả trong giấc ngủ với 2 từ “Pê-Đê”
Luôn khao khát được là chính mình cả về thể xác lẫn tâm hồn, vì vậy, Lê Huyền Bảo Ngọc (tên khai sinh là Lê Công Bảo Lộc) SN 1994 tại Nghệ An đã công khai giới tính thật của mình. Dù biết sẽ nhận được đau xót, những ánh mắt khinh thường từ bạn bè thế nhưng cô vẫn chấp nhận. Hơn 10 năm qua, Bảo Ngọc đã vượt qua những mặc cảm và trở thành Người đẹp truyền cảm hứng trong giới.
Khi hỏi về quãng thời gian từng sống chung với nước mắt, Bảo Ngọc lặng người đi. Có lẽ, đây là lần đầu Bảo Ngọc công khai những đau khổ mà mình đã từng gánh chịu. Cô nàng 9X chia sẻ: “Từ ngày nhỏ tôi đã thích chơi búp bê, mặc đồ con gái, thêu thùa, may vá. Với những đồ chơi của con trai thì tôi sợ và cảm thấy không đủ mạnh mẽ để vượt qua. Đến khi tôi hơn 10 tuổi, bạn bè, gia đình nhìn tôi như “người ngoài hành tinh”. Vì trong trường không có đứa con trai nào mặc quần áo bó sát, ăn nói nhẹ nhàng, chỉ chơi với con gái. Họ bắt đầu dị nghị về giới tính của tôi và thường xuyên gọi tôi là Pê-Đê. Hai từ Pê-Đê đã ám ảnh tôi cả trong giấc ngủ, có những người ác miệng hơn còn nói “thằng bệnh hoạn””.
Bạn bè trêu ghẹo khiến Bảo Ngọc buồn, nhưng người anh trai còn khiến cô đau đớn hơn. Anh trai Bảo Ngọc là người phản đối kịch liệt nhất. Khi Bảo Ngọc sắm đồ trang điểm về muốn mình được đẹp như con gái. Thế nhưng khi đi học về Bảo Ngọc không thấy đồ trang điểm đâu. Mãi sau cô mới phát hiện ra anh trai đã bỏ vào thùng rác và nhìn cô bằng một ánh mắt hằn học.
“Bố tôi mất năm 2006, mẹ tôi là dân kinh doanh buôn bán, sáng đi tối về lo kinh tế cho gia đình nên mẹ cũng không can thiệp gì nhiều. Bởi, mẹ thương tôi, hiểu tôi đã có những thứ không giống một đứa con trai mà mẹ đã sinh ra. Tôi biết đã làm mẹ buồn và thất vọng, nên tôi luôn cố gắng bù đắp cho mẹ những thứ mà mình có. Nhiều lần ngủ, mẹ hỏi trêu tôi “con có người yêu chưa, yêu mà lấy vợ đi”. Những lúc ấy tôi mới nói “không muốn yêu, muốn lấy vợ” và 2 mẹ con ôm nhau cười”, Bảo Ngọc tâm sự.
Dù chịu nhiều tổn thương nhưng cô nàng chuyển giới 9X tại Nghệ An luôn muốn sống là chính mình. |
Năm Bảo Ngọc bước vào học THPT có lẽ cũng là những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời cô. Cô phải chịu quá nhiều tổn thương từ phía bạn bè, xã hội.
Đi học, cô được bạn bè trong trường coi như người “nổi tiếng”, nhưng không phải vì cô có sắc, có tài, con của một nhà đại gia mà cô “nổi tiếng” vì khác biệt trong môi trường. Những năm đó, cô vẫn mặc quần áo con trai, tóc ngắn nhưng lại trang điểm khi đi học.
“Tôi bị các bạn trêu đùa rất nhiều, những giờ ra chơi, các bạn của lớp khác vào lớp kéo tôi ra nhà vệ sinh tò mò xem bên trong tôi là trai hay gái. Lúc ấy phải gồng mình lên, chống cự và thoát khỏi đám đông. Hoặc có lần ra chơi, cô giáo chủ nhiệm phải đứng ở trước cửa khoảng 2 – 3 phút để canh không cho các bạn học sinh lớp khác đến để tránh những va chạm cho tôi. Thật sự, nhiều lúc bạn bè đẩy tôi vào đường cùng, tôi đã có những suy nghĩ tiêu cực, tìm cách giải thoát cho chính bản thân mình”, Bảo Ngọc chia sẻ.
Muốn được yêu thương, sống là chính mình
Thế nhưng, ý định tự tử của Bảo Ngọc chỉ kịp le lói thì cô nghĩ đến người sinh thành nuôi dưỡng cô suốt 25 năm. Mẹ cô đã phải đổ mồ hôi lẫn nước mắt để nuôi cô khôn lớn thành người. Vất vả, nhưng mẹ không nói lời từ bỏ, chia ly. Vì điều này, cô cũng không cho phép mình từ bỏ.
Bảo Ngọc bày tỏ: “Năm học THPT dù chịu nhiều tổn thương nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, sống đúng với con người mình. Vì ở quê tôi, giới tính thứ ba như tôi ít người biết đến và tôi là người đầu tiên sống thật với bản thân ở Nghệ An, dám đương đầu mọi thứ. Từ một người con trai “hóa thân” thành con gái để chứng minh với mọi người rằng: Giới tính thứ 3 có quyền được sống, được bình đẳng và yêu thương. Khi tôi quyết định thi Nữ hoàng chuyển giới tại Hà Nội thì tôi cũng được gia đình ủng hộ, mẹ và chị gái muốn tôi tìm được ước mơ của chính mình”.
Khi hỏi về tình yêu, Bảo Ngọc có phần e ngại và rụt rè hơn, giọng cô nhỏ dần đi. Vì cô biết, những người như cô chỉ dám thích chứ chưa bao giờ được thổ lộ. Tình yêu với những người giới tính thứ 3 luôn mơ hồ, mong manh, nếu để đối phương biết có một người giới tính thứ 3 đang thích họ, họ sẽ sợ và bỏ chạy ngay. Trước đây, Bảo Ngọc cũng có thích thầm một người, nhưng đó là tình yêu đơn phương. Cô sợ sẽ tự mình làm đau chính mình nên đành rút lui.
Bảo Ngọc - thoát mình ra từ một chàng trai “hóa thân” thành một cô gái. |
Đến năm 2014, có một người đàn ông thích cô, nhưng lại làm việc tại nước ngoài. “Anh ấy muốn chúng tôi đến với nhau nhưng tôi chưa sẵn sàng. Anh ấy cũng ngỏ ý muốn tôi sang bên đó sống cùng, tuy nhiên tôi đã từ chối vì muốn được ở gần gia đình. Giờ chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc và hẹn khi nào anh ấy về Việt Nam sẽ gặp mặt.
Giờ tôi đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn với những người xung quanh. Bạn bè dường như đã hiểu và thông cảm cho tôi phần nào. Mẹ tôi và chị gái luôn âm thầm ủng hộ tôi. Tôi đã vượt qua những năm tháng ở tầng đáy của đau đớn, thoát mình ra từ một chàng trai “hóa thân” thành một người cô gái. Tôi chia sẻ về cuộc sống, về những khó khăn từng trải, để mong rằng cộng đồng sẽ hiểu cho tôi và các bạn trong giới”, Bảo Ngọc bày tỏ.
Tác giả: Mai Hằng
Nguồn tin: Báo Người đưa tin