Giáo dục

Có thể hủy bài của thí sinh được sửa điểm: Ai sai?

Luật sư Bình cho rằng, trong trường hợp nếu chứng minh được kết quả bài thi được nâng điểm thì hủy là điều bình thường.

Đó là ý kiến của luật sư Đỗ Hải Bình (thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM) khi trao đổi với báo Đất Việt vào ngày 1/9.

"Trong thi cử và căn cứ theo pháp luật nếu có gian lận thi dù được 9-10 điểm cũng phải hủy để tạo lòng tin cho dư luận.

Bởi vậy, việc hủy bài thi của những thí sinh được sửa điểm là đúng luật bởi trong thực tế cha mẹ học sinh cũng thừa hiểu năng lực của con mình, còn nếu hỏi học sinh có biết việc bài thi của mình sẽ được can thiệp sửa điểm hay không thì không có em nào nhận", luật sư Bình nói.

Theo luật sư Bình, cha mẹ học sinh thừa hiểu năng lực của con mình và hơn hết, khi thi xong các em có thể so sánh đáp án với thực tế bài làm của mình để tính được điểm.

Nếu học sinh nào được 9-10 điểm trong khi bài thi không được như thế mà vẫn im lặng nhận kết quả thì phải chịu trách nhiệm.

Câu chuyện sai phạm điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La một lần nữa được nhắc đến tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8. Ảnh: Chinhphu.

"Việc gian lận thi cử như thời gian vừa qua vẫn khiến dư luận bức xúc, bởi vậy, nếu không hủy kết quả của những thí sinh được sửa điểm sẽ để lại 1 hậu quả đáng tiếc cho đất nước", luật sư Bình nói thêm.

Cùng ngày, luật sư Phạm Công Hùng - nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cũng cho rằng, việc hủy bài thi của những thí sinh được sửa điểm là đúng.

"Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các thi sinh có lỗi hay do cha mẹ can thiệp. Còn việc công khai tên thí sinh là xúc phạm đến các em và ảnh hưởng đến sự phát triển, các hoạt động sau này của các em.

Coi bài thi của các thí sinh là chứng cứ để xử những người làm sai là được và ai sai thì xử người đấy, kể cả bố mẹ các thí sinh sai cũng phải xử", luật sư Hùng nói.

Cũng theo luật sư Hùng, chính các nhà giáo dục cần phải xem có cách nào tốt hơn để giảm thiểu tổn thương cho các thí sinh.

Ví dụ như cho các thí sinh thi lại hoặc đánh giá lại bài thi đấy, sản phẩm của thí sinh đến đâu thì chấp nhận đến đấy, còn hủy toàn bộ bài thi là "vô duyên".

Như báo chí đưa tin, tại cuộc họp báo Chính phủ, trả lời về sai phạm thi cử tại Hoà Bình, Sơn La, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết cơ quan Công an đang điều tra, chưa có kết luận cuối cùng. Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Công an xử lý theo kết luận cuối cùng.

"Khi có kết luận, sẽ xác định rõ họ tên cụ thể các thí sinh sai phạm, thực hiện theo quy chế. Nếu đến mức độ huỷ kết quả thi, Bộ GD-ĐT yêu cầu huỷ cũng như yêu cầu các Trường Đại học không tiếp nhận các em này", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định.

Được biết, ngày 22/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Nhàn (trú tại tổ 4, phường Tô Hiệu, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) - Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.

Cơ quan An ninh điều tra cũng ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Thanh Nhàn.

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cũng cho biết, quá trình điều tra tiêu cực thi cử tại Sơn La, Công an tỉnh khởi tố 6 bị can.

"Báo cáo của Công an tỉnh cho thấy, quá trình điều tra đang được thực hiện đúng thẩm quyền, nghiêm túc. Những ai liên quan vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm túc", Thứ trưởng Bùi Văn Nam khẳng định.

Tác giả: Thanh Giang

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP