Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016–2020 bằng 91,3% tổng mức kế hoạch 2 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, tiến độ giải ngân rất chậm, nhất là những tháng đầu năm 2018.
Điển hình từ đầu năm tới nay, các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế thực hiện giải ngân nguồn vốn này đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch năm 2018 với con số lần lượt là: 17%, 15,1%, 32,6%, 13,7%, 16%, 4,43%.
Còn theo số liệu của Bộ Tài chính, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) (bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ) ước thanh toán 4 tháng đầu năm 2018 đạt 16,27% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 16,93% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017. Thậm chí, một số bộ, ngành chưa giải ngân hoặc gần như chưa giải ngân vốn kế hoạch.
Ngoài những nguyên nhân, như: Khả năng cân đối NSNN gặp khó khăn; các địa phương chưa rà soát, cắt giảm, điều chỉnh, phân kỳ đầu tư hoặc bổ sung vốn khác đối với các dự án chưa được bố trí đủ vốn trong kế hoạch; cơ chế đối tác công - tư chưa hấp dẫn... thì một nguyên nhân lớn được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ là khâu tổ chức thực hiện giao vốn và giải ngân "có vấn đề".
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng cắt vốn đối với các dự án chậm giải ngân theo kế hoạch. Đồng tình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương làm rõ nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt.
Hy vọng rằng, với sự quyết liệt của Chính phủ, tình trạng "có tiền mà không tiêu được" gây lãng phí nguồn lực đầu tư công của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội sẽ sớm được khắc phục.
Tác giả: Hoàng Châu
Nguồn tin: Báo Công Thương Điện Tử