Du lịch

Cơm Lam – Món đặc sản của người con núi rừng Tây Nguyên

Cơm lam mà một món ăn nổi tiếng, thường được các du khách gọi món mỗi khi du lịch lên những vùng cao như Tây Bắc, Tây Nguyên,…

1. Cơm lam là gì?

Đối với những người dân sinh sống lâu năm tại đồng bằng, nấu cơm bằng những chiếc nồi, niêu đã trở thành một việc quá quen thuộc. Nhưng đối với những người vùng cao, đặc biệt là người thường xuyên phải lên núi, vào rừng; món cơm của họ sẽ được nấu trong những ống nứa, được gọi là cơm lam.

Cơm lam trong tiếng Khmer được gọi là Kralan; Khao lam trong tiếng Thái và Lào, còn tiếng trung được gọi là trúc đỗng phạn. Ở Indonesia và Malaysia, món cơm lam được người dân gọi là Lemang.

Cơm lam là món ăn của những người vùng cao

Đây là một loại cơm được làm từ gạo; thông thường người ta sẽ sử dụng gạo nếp. Đối với người Việt, đây là món cơm đặc trưng của những người dân vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và Đông Bắc. Đây cũng là món ăn của một số dân tộc khác tại các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, và Trung Quốc.

Tuy đều là gạo nấu chín thành cơm; nhưng cách nấu khác biệt so với người miền xuôi đã khiến cơm lam trở thành một món ăn thú vị; gắn liền với hình ảnh những người con của núi rừng. Khi làm cơm, gạo được cho vào một ống tre, hoặc nứa,… kết hợp cùng một số nguyên liệu khác rồi nướng trên lửa.

Cơm lam có đa dạng màu sắc

“Lam” có thể được hiểu đơn giản là phương thức dùng những ống tre, nứa thay cho nồi, niêu để nấu cơm. Cách chế biến này tuy có vẻ dân dã nhưng lại mang tính chất rất “nghệ sĩ” của những người vùng cao.

2. Cơm lam bắt nguồn từ đâu?

Cụm từ “cơm lam” ngày nay đã vô cùng phổ biến, không còn quá xa lạ đối với chúng ta. Ở Việt Nam, đây được coi như là một món “đặc sản” của các dân tộc thiểu số như dân tộc Tày, Mường, Dao,…

Không nhiều người biết đến nguồn gốc ra đời của món cơm lam

Các già làng kể lại, khi xưa, những người thuộc dân tộc thiểu số sống chủ yếu ở trên các đỉnh núi cao; hoặc trong những cánh rừng trập trùng nên thường không ở nơi nào được đến hai mùa vụ.

Bởi vì sống ở trong những cánh rừng, đồi núi cao; những cây gỗ, cây nứa là vật liệu luôn luôn có sẵn. Từ đó, đồng bào ta đã nghĩ ra cách làm gạo chín thành cơm mà không cần chiếc xoong, nồi nào; đó là lam gạo đã vo trong những ống tre, nứa.

Cách nấu tuy đơn giản, nhưng lại tiện lợi đối với người dân miền núi. Hơn nữa, thành phẩm làm ra cũng vô cùng thơm ngon. Vì thế, phương pháp nấu cơm này được duy trì mãi cho đến hiện tại; và món cơm lam đã trở thành một món ăn đặc trưng mà khách du lịch nào khi lên những vùng cao đều muốn thử.

3. Món ăn chay tốt cho sức khỏe

Thông thường, người ta sẽ chỉ ăn cơm lam với muối vừng; ít khi nào ăn cùng những thức ăn kèm khác. Vì vậy, đây đích thị là một món ăn chay thanh đạm của rừng núi; một khi ăn vào sẽ khó mà quên được.

Cơm lam là một món chay có hàm lượng dinh dưỡng cao

Tuy món ăn này không có thịt động vật; nhưng giá trị dinh dưỡng của gạo nếp và lạc, vừng cũng rất dồi dào. Bởi nó bao gồm cả nước, gluxit, lipit, và protit.

Ngoài ra, gạo nếp cũng chứa nhiều loại muối khoáng như canxi, photpho, và vitamin B1. Bên cạnh đó, vừng là một nguyên liệu rất giàu khoáng chất; trong đó bao gồm canxi, photpho, sắt, cùng một số loại vitamin như B1, B2, caroten,… Lạc cũng cung cấp xenlulozơ và một số vitamin đáng kể khác.

Cơm lam đích thị là một món ăn chay bổ dưỡng. Ngoài ra, đồng bào ta ở miền núi cũng thường xuyên hái những loại rau rừng ngon để ăn cùng; bổ sung thêm chất xơ từ rau vào khẩu phần ăn của mình.

Tác giả: Như Khánh

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP